Quá tải tại bãi giữ xe vi phạm
Theo thống kê, hiện cả nước có hàng triệu phương tiện giao thông bị tạm giữ tại các cơ sở trông giữ xe của cơ quan chức năng, chờ xử lý. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 715 nghìn phương tiện vi phạm, trong đó chủ yếu là xe máy. Điều này đã dẫn đến sự quá tải nghiêm trọng tại nhiều bãi giữ xe, gây nguy cơ cháy nổ, nhất là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Nguyên nhân dẫn đến quá tải tại các bãi giữ xe vi phạm là do nhiều chủ phương tiện không đến cơ quan công an để giải quyết vi phạm, thậm chí bỏ luôn xe, trong đó chủ yếu là các xe không có hoặc bị mất giấy tờ đăng ký, xe dùng biển số giả, xe nhập lậu được mua trôi nổi trên thị trường. Không ít trường hợp vi phạm từ chối nhận xe vì thủ tục mất thời gian, giá trị thực của phương tiện thấp hơn mức xử phạt.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với những xe cũ nát, không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến giải quyết thủ tục để nhận lại xe thì các cơ quan chức năng có thể tiêu hủy phương tiện. Ngay trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã có quy định cụ thể về xử lý xe vi phạm trong đó cho phép tiêu hủy phương tiện hoặc bán đấu giá.
Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục để bán đấu giá xe vi phạm mất nhiều thời gian. Với một xe bị tịch thu, quy trình xử lý để thanh lý được phương tiện từ khi người vi phạm bỏ xe phải tuân thủ thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 12 tháng.
Ngoài ra, phải trải qua các bước xác minh, thông báo, tịch thu, thẩm định giá, bán đấu giá mất khoảng 2 năm. Bên cạnh đó, không có quy định thu lệ phí trông giữ xe tạm giữ nên không có nguồn kinh phí tái đầu tư, cải tạo, sửa chữa kho bãi dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, sửa chữa các bãi giữ xe vi phạm để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Theo Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 15/8/2023, tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì chưa giải quyết đăng ký xe. Trên thực tế, nhiều xe vi phạm bị tạm giữ để xử lý nhưng không xác định được chủ sở hữu phương tiện hoặc phương tiện đã mua đi bán lại nhiều lần mà không sang tên nên không thể áp dụng được quy định nêu trên và không giải quyết được thấu đáo tình trạng người vi phạm bỏ xe.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý các xe vi phạm, giảm tải số lượng xe vi phạm tạm giữ tại các kho bãi của cơ quan công an, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý phương tiện thông qua việc đăng ký phương tiện chính chủ và theo biển số định danh cá nhân làm cơ sở để xử lý đối với những xe vi phạm bị tạm giữ.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thanh lý đối với xe vi phạm mà không xác định được chủ sở hữu hoặc người vi phạm cố tình bỏ lại các bãi giữ xe, không đến để giải quyết.
Theo NDĐT