Quá trình thành lập tỉnh Mường Hòa Bình và đơn vị hành chính các cấp thời đó
Ngày 23/5 năm Đồng Khánh thứ nhất (tức ngày 22/6/1886), quyền Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp đã ký nghị định về việc thành lập tỉnh Mường. Lúc này, tỉnh Mường đặt tỉnh lỵ tại phố Chợ Bờ, thuộc địa phận tổng Hiền Lương, châu Đà Bắc, do đó, nhiều tài liệu gọi đơn vị hành chính mới này là tỉnh Chợ Bờ.
Ngày 29/11/1886, quyền Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kỳ Paulin Francois Alexandre Vial ban hành quyết định di chuyển tỉnh lỵ của tỉnh Mường từ Chợ Bờ về Phương Lâm (tổng Hoằng Nhuệ, phủ Vàng An). Tháng 4/1888, tỉnh Mường được gọi là tỉnh Phương Lâm, bãi bỏ các đơn vị hành chính cấp phủ và thay thế bằng các đạo… Sau đó, vì những lý do khác nhau, tỉnh lỵ lại chuyển về Chợ Bờ.
Vào thời điểm này, tỉnh Mường Hòa Bình gồm 6 châu: Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Đà Bắc và châu Mai. Đến ngày 24/10/1908, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định sáp nhập châu Lạc Thủy vào tỉnh Hà Nam, tỉnh Mường Hòa Bình còn lại 5 châu. Theo sách Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ, các châu, tổng, xã, xóm thuộc tỉnh Hòa Bình vào đầu thế kỷ XX như sau:
Châu Kỳ Sơn có 2 tổng, 10 xã, gồm: Tổng Hòa Bình (6 xã, 2 phố, các xã: Hòa Bình, Phương Lâm, Quỳnh Lâm, Túy Cổ Thượng, Mông Hóa, phố Phương Lâm và Hòa Bình); tổng Cao Phong (2 xã, 2 phố: xã Cao Phong, xã Thạch Yên).
Châu Lạc Sơn gồm 4 tổng, 47 xã, gồm các tổng: Lạc Nghiệp (11 xã), Lạc Thiện (12 xã), Lạc Thành (13 xã), Lạc Đạo (14 xã).
Châu Lương Sơn có 4 tổng (17 xã), gồm các tổng: Cư Yên (xã Kệ Sơn, Mỗ Sơn, Nhuận Trạch, Cư Yên, Liên Khuê, Thuận Lương); tổng Bằng Lộ (xã Yên Lệ, Quang Diệu, Đáo Lãng, Bằng Lộ, Quất Lâm); tổng Thanh Lương (xã Thanh Lương, Thanh Nông), tổng Kim Bôi (xã Kim Bôi, Hạ Bì, Vĩnh Đồng, Nật Sơn).
Châu Đà Bắc có 2 tổng, 6 xã và phố; 2 tổng: Đức Nhàn (xã Đức Nhàn, Quy Đức, Hào Tráng) và Hiền Lương (xã Hiền Lương, Tu Lý, phố Chợ Bờ).
Châu Mai có 2 tổng, 5 xã, phố, gồm: Tổng Bạch Mai (xã Mai Thượng, Tân Mai) và tổng Thanh Mai (xã Mai Hạ, Bao La, phố Suối Rút).
Tháng 4/1889, châu lỵ Lạc Sơn được thành lập ở Hoài Ân thuộc tổng Lạc Thành, châu lỵ Lạc Thủy được thành lập ở Chi Nê thuộc tổng Yên Nghĩa. Năm 1939, châu Đà Bắc và châu Mai sáp nhập thành châu Mai Đà. Sự xuất hiện của tỉnh Mường, hay nói một cách khác để cho tỉnh Mường hiện diện như mong ước của Minh Mệnh - vị vua luôn lo lắng về cải cách hành chính, hoàn thiện chính sách về miền núi, phải trải nghiệm chừng nửa thế kỷ (1836 - 1886) khi gặp được ý tưởng của giới cầm quyền Pháp. Với Minh Mệnh và triều Nguyễn, việc làm đó bao hàm ý nghĩa của một sự xoa dịu nỗi bất mãn của đội ngũ quan lang, cũng như mọi tầng lớp bình dân trong người Mường, chỉ vì luôn bái vọng Lê triều mà các địa bàn nơi họ sinh sống như: Lạc Thổ, Phụng Hóa, Yên Hóa trở thành bãi chiến trường trong suốt mấy chục năm, những tên làng, tên tổng như Sơn Âm, Thạch Bi bị xóa bỏ. Với người Pháp, bằng sự hiểu biết và tinh tường về dân tộc học thực dân, họ muốn từ thử nghiệm này sẽ có tiếp những tỉnh Thái, tỉnh Tày, tỉnh Mông. Việc ra đời của một đơn vị hành chính bao quát ngã tư Hưng Hóa - Ninh Bình - Hà Nội - Sơn Tây (thực ra chỉ là ngã ba Hưng Hóa - Ninh Bình - Sơn Tây, vì những vùng đất mới thuộc tỉnh Hà Nội trước sau vẫn của Sơn Tây) cho thấy, khu vực này thời Hùng Vương vốn nằm trong bộ Văn Lang, bộ Tân Hưng, đến thời Lý - Trần - Lê thuộc vào các phủ Tràng An - Tây Quan, Gia Hưng và Quảng Oai - Quốc Oai. Đến thời Nguyễn, các phủ trên thuộc vào các tỉnh: Ninh Bình, Hưng Hóa và Sơn Tây (có một thời thuộc cả Hà Nội) là vùng tụ cư, sinh sống truyền đời của dân tộc Mường. Do đó, tỉnh Mường ra đời là một nhu cầu của thực tiễn lịch sử, không hẳn như nhiều người cho rằng nó nằm trong chuỗi chính sách chia để trị của nhà cầm quyền Pháp. Có một sự thật là, chính bằng sự khoanh vùng lúc rộng, lúc hẹp và đến nay để lại một tỉnh Hòa Bình rộng chừng 4.600 km2 là một đóng góp kỳ diệu để bảo lưu, gìn giữ những nét tinh hoa văn hóa tốt đẹp nhất mà biết bao thế hệ người Mường đã xây đắp nên. Tỉnh Hòa Bình ra đời, cùng sự hình thành nên 4 Mường cốt lõi và tinh túy (Bi, Vang, Thàng, Động) nhất của người Mường, xứng đáng đi vào câu ca cho muôn đời.