Quá trình tiếp nhận Đại thừa khởi tín luận ở Việt Nam hiện nay

Đại thừa khởi tín luận được giảng dạy tại các Học viện Phật giáo Việt Nam, như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM chọn là một trong những môn chính của khoa Triết học Phật giáo và đào tạo từ xa. Ngoài ra trong một số trường trung cấp (Tp.HCM, Huế, Đồng Nai..., cao đẳng Tp.HCM, lớp cao cấp giảng sư... cũng đưa bộ luận này vào chương trình giảng dạy...

Đại thừa khởi tín luận được giảng dạy tại các Học viện Phật giáo Việt Nam, như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM chọn là một trong những môn chính của khoa Triết học Phật giáo và đào tạo từ xa. Ngoài ra trong một số trường trung cấp (Tp.HCM, Huế, Đồng Nai…, cao đẳng Tp.HCM, lớp cao cấp giảng sư… cũng đưa bộ luận này vào chương trình giảng dạy…

SC.Thích nữ Trung Hiếu & TT.TS Thích Hạnh Tuệ
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023

Nói về các tác phẩm thuộc thể loại luận trong Tam tạng thánh giáo được tiếp nhận, phiên dịch, giảng dạy truyền bá ở Việt Nam, thì chúng ta không thể không nhắc tới bản luận Đại thừa khởi tín của bồ tát Mã Minh.

Hiện nay bản nguyên tác Đại thừa khởi tín luận bằng tiếng Sanskrit vẫn chưa tìm được, cũng không có bản Tây Tạng ngữ để đối chiếu, chỉ có được hai bản dịch chữ Hán trong Đại tạng kinh. Do không còn bản chữ Sanskrit hay Tạng ngữ nên cũng có nhiều quan điểm, ý kiến hoài nghi về sự chính thống của Đại thừa khởi tín luận. Hai bản có thể nói xưa nhất hiện còn là:

Bản thứ nhất: Khởi tín luận của Ngài Chân Đế (真諦; S. Paramārtha) dịch vào đời Lương vào TK thứ VI, dịch tại chùa Kiến Hưng, Hàng Châu.

Sự ra đời và phát triển của Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ

Bản thứ hai: Khởi tín luận của ngài Thật-xoa- nan-đà (實叉難陀; S. Síksānanda) dịch lại vào đời Đường, cuối TK thứ VII đầu TK thứ VIII, dịch tại chùa Thọ Ký. Hai bản dịch cách nhau hơn một thế kỷ.

Phần sớ giải Đại thừa khởi tín luận của các bậc đại sư, học giả, nhà nghiên cứu có rất nhiều bộ, đơn cử như:

Bản chú giải của ngài Chí Trình đời Trần, Khởi tín luận nhất tâm nhị môn đại ý, 1 quyển.

Bản của ngài Đàm Diên đời Tùy, Khởi tín luận nghĩa sớ.

Bản của ngài Huệ Viễn đời Tùy, Khởi tín luận nghĩa sớ, 4 quyển.

Bản của ngài Nguyên Hiểu người Triều Tiên, Khởi tín luận sớ ký hội bản, 6 quyển.

Bản của ngài Thái Hiền người Triều Tiên, Khởi tín luận nội nghĩa lược thám ký,1 quyển.

Bản của ngài Kiến Đăng đời Đường, Khởi tín luận đồng dị lược tập, 2 quyển.

Bản của ngài Pháp Tạng đời Đường, Khởi tín luận nghĩa ký, 3 quyển; Khởi tín luận nghĩa ký biệt ký, 1 quyển.

Bản của ngài Chân Giới đời Minh, Khởi tín luận toản chú, 2 quyển.

Bản của ngài Chánh Viễn đời Minh, Khởi tín luận tiệp yếu, 2 quyển.

Bản của ngài Thông Nhuận đời Minh, Khởi tín luận tục sớ.

Bản của ngài Đức Thanh đời Minh, Khởi tín luận trực giải, 2 quyển.

Bản của ngài Tục Pháp đời Thanh, Khởi tín luận sớ ký hội duyệt quyển thủ (1 quyển); Khởi tín luận sớ ký hội duyệt, 10 quyển.

Bản của ngài Trí Húc đời Minh, Khởi tín luận liệt võng sớ, 6 quyển.

Bản của ngài Pháp Mẫm đời Đường, Thích ma ha diễn luận sớ, 6 quyển.

Bản của ngài Thánh Pháp đời Đường, Thích ma ha diễn luận ký, 1 quyển.

Bản của ngài Pháp Ngộ đời Tống, Thích ma ha diễn tán quyền sớ, 5 quyển.

Bản của ngài Phổ Quan đời Tống, Thích ma ha diễn ký, 6 quyển.

Bản của ngài Chí Phúc đời Tống, Thích ma ha diễn thông huyền sao, 4 quyển.

Bản của nháp sư Bảo Tỉnh, Khởi tín luận diễn nghĩa, xuất bản năm 1967.

Đại Thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Ký của ngài Hiền Thủ.

Đại Thừa Khởi Tín Luận Trực Giải của ngài Hám Sơn.

Đại Thừa Khởi Tín Luận Giảng Ký của HT.Ấn Thuận.

Như vậy, chúng ta thấy ở Trung Hoa có rất nhiều bậc đại sư, nhà Phật học, nhà nghiên cứu giảng giải chú sớ về bộ Đại thừa khởi tín luận đủ thấy vai trò và tầm quan trọng của nó trong nền Phật học Trung Hoa.

Ở Việt Nam ta, các bản Việt dịch hiện tại có rất nhiều, giáo án, tiểu luận, bài viết, video thuyết giảng khác nhau về bộ luận này nhưng người viết chỉ đề cập đến một số bản tiêu biểu, có ảnh hưởng nhiều đến nền Phật học Việt Nam:

Bản dịch của Tâm Minh – Lê Đình Thám: Có thể là bản dịch tiếng Việt đầu tiên, bản dịch giải của bác sĩ được giải thích theo luận Thích ma ha diễn. Bản dịch này được HT.Trí Quang giới thiệu trong tác phẩm Khởi tín luận của Ngài.

Bản dịch của Thích Thiện Thông Việt dịch từ sách của Pháp sư Bảo Tịnh Diễm giảng Đại thừa khởi tín luận tại hội Phật giáo cư sĩ Long (do Thông Hoài và Hiển Minh ghi chép). Diễn giải luận chia làm hai khoa, khoa thứ nhất giải thích nghĩa mầu tựa đề bộ luận, khoa thứ hai: giải thích thể văn bộ luận. Bản Việt dịch của Thích Thiện Thông hoàn thành năm Kỷ Mão (1939) tại Giảng thất Hương Hải hoằng pháp.

Bản dịch mang tựa đề: Đại thừa khởi tín luận diễn nghĩa, cách trình bày Đại thừa khởi tín luận diễn nghĩa như sau: đầu tiên là chánh văn sau đó diễn nghĩa, không có dịch nghĩa vì đã lồng ghép dịch nghĩa vào phần diễn nghĩa.

Phần cuối sách có chữ Hán. Đây cũng thuộc những quyển sách giai đoạn đầu Việt dịch Đại thừa khởi tín luận.

Bản dịch của HT.Thích Trí Quang có hai bản dịch, tựa đề là Khởi tín luận. Bản dịch đầu tiên được xuất bản vào năm 1949. Bản dịch mới nhất có bổ sung và chú thích đầy đủ hơn được xuất bản năm 1993. Bản dịch của HT.Thích Trí Quang được dịch từ bộ luận đời nhà Lương, nhưng có sự đối chiếu, khảo chính với bản đời Đường và tham khảo những bản chú thích đáng tin cậy khác. Bản dịch này từ khi mới xuất bản đến nay vẫn là bản dịch được giới học giả nghiên cứu chi tiết Đại thừa khởi tín luận rất quan tâm. Nguyên nhân là do ủy tín của HT.Thích Trí Quang và cách so sánh đối chiếu rất kỹ, sử dụng ngôn từ gần nghĩa nhất với bản Hán văn và có phần chú thích giả nghĩa những từ then chốt gần với bản gốc.

Bản dịch của HT.Thích Thiện Hoa mang tựa đề Luận đại thừa khởi tín trong bộ Phật học phổ thông, khóa X-XI, được dịch xong năm 1962, bộ Phật học phổ thông được tái bản nhiều lần. Luận đại thừa khởi tín được chia thành từng bài cụ thể, mỗi bài gồm phần chính văn, phần dịch nghĩa và phần lược giải, rất cô đọng và dễ hiểu. HT.Thích Thiện Hoa Việt dịch từ bản đời Lương của Ngài Chân Đế. Tuy giai đoạn hiện nay đã có nhiều bộ dịch khác ra đời nhưng Phật học phổ thông từng là sách gối đầu giường của hành giả giai đoạn đầu nghiên cứu Phật học trước kia.

Bản dịch của cư sĩ Tâm Nguyên – Cao Hữu Đính hoàn tất vào năm 1983 và được NXB Thuận Hóa ấn hành vào năm 1996, với tựa đề Luận đại thừa khởi tín. Đây là bản dịch có phân tiết mục, phiên âm bản Hán, dịch nghĩa tiếng Việt và giải thích nghĩa lý từng phần, tiện cho người học tham khảo.

Bản dịch của Tỳ kheo Thích Giác Quả: Tên tựa đề là Luận khởi tín đại thừa, dịch năm 1995 (áp dụng giảng dạy trung cấp Thừa Thiên Huế) đến sau mới in thành sách năm 2012, NXB Thuận Hóa, Huế. Tỳ kheo Thích Giác Quả cũng lấy bộ đời nhà Lương của Chân Đế để Việt dịch.

Bản dịch của cư sĩ Chân Hiền Tâm, tựa đề là Đại thừa khởi tín luận, hoàn thành năm 2004, Bản dịch này được dịch từ bản Hán văn của ngài Hám Sơn. Về phần giải thích, tác giả có tham khảo 3 bản: Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký của ngài Hiền Thủ. Đại thừa khởi tín luận trực giải của Ngài Hám Sơn và Đại thừa khởi tín luận giảng ký của ngài Ấn Thuận. Trong Đại thừa khởi tín luận của Chân Hiền Tâm dịch không có phần âm Hán Việt mà chỉ có dịch và giảng giải. Trong bản dịch giảng này có sự so sánh đối chiếu nhiều bản nên đã làm rõ nghĩa nhiều vấn đề. Tuy không quá toàn vẹn nhưng cũng là một trong những tài liệu để mọi người có thể tiếp cận đến Đại thừa khởi tín luận thông qua quyển sách này.

Liên quan đến Đại thừa khởi tín luận Chân Hiền Tâm còn có những bài liên quan như: Đại thừa khởi tín trực giảng của Ngài Hám Sơn (10 bài nhỏ) đăng năm 2001; Đại thừa khởi tín luận nghĩa ký của ngài Hiền Thủ đăng năm 2017. Ngoài ra Chân Hiền Tâm còn viết bài Tranh chăn trâu qua cái nhìn của Luận đại thừa khởi tín được đăng trên Nguyệt san Giác ngộ.

Bản dịch của HT.Thích Thanh Từ: tựa đề là Luận đại thừa khởi tín, Hòa thượng lấy bộ chữ Hán đời nhà Lương của Chân Đế để dịch. HT.Thích Thanh Từ hoàn thành bản dịch năm 2011, Luận đại thừa khởi tín của HT.Thích Thanh Từ xếp theo hệ thống gồm phần chính văn, phần dịch nghĩa và phần lược giải và được chia thành các phần cụ thể. Bản dịch này rất được quan tâm hiện nay.

Một số trường trung cấp, cao đẳng, lớp cao cấp giảng sư lấy bộ này làm chuẩn để giảng dạy. Nguyên nhân là do: Sự phân chia trong sách rõ ràng nên dễ chia tiết dạy; hệ thống có âm Hán Việt, nghĩa và giảng nên dễ đối chiếu; phần dịch nghĩa tương đối chuẩn, đặc biệt là lời bình giảng rất gần và dễ hiểu nên những ai bước đầu nghiên cứu bộ luận này dễ dàng tiếp nhận. Song song đó, sự tu tập của Hòa thượng thể hiện qua từng lời giảng nên người đọc có thể hiểu lời văn và cảm nhận được nhiệt huyết tu hành mà thông qua tác phẩm tác giả đã gửi lại cho hậu thế. Tuy so với những ai muốn tìm hiểu (dịch thuật) chuyên sâu thì bản này chưa phải là sự lựa chọn đầu tiên nhưng tùy vào mục đích của tác giả mà cho ra tác phẩm có khác nhau.

Bản dịch của Hạnh Bình – Quán Như: tên tác phẩm là Giảng giải Luận đại thừa khởi tín, Xuất bản năm 2012. Thầy Hạnh Bình – Quán Như dịch từ tác phẩm chữ Hán của ngài Ấn Thuận. Nội dung sách Giảng giải Luận đại thừa khởi tín của Hạnh Bình – Quán Như trong phần tổng quát nêu rõ những quan điểm khác nhau về sự chính thống của Đại thừa khởi tín luận. Trong đó đề cập đến quan điểm của Lương Khải Siêu, ở Nhật Bản có Vọng Nguyệt Tín Hạnh căn cứ truyền thuyết của Quân Chánh và Pháp Kinh, vv.., Lữ Trừng (học viện China), Âu Dương Cánh, Đại sư Thái Hư..x. Trong phần giảng luận của Hạnh Bình – Quán Như sử dụng ngôn ngữ gần với thời hiện đại nên cũng tương đối dễ hiểu. Tác phẩm gồm 459 trang được chia làm sáu chương, nội dung mỗi chương có phần chữ Hán và giảng luận không có phần phiên âm trong mỗi phần luận giảng cụ thể. Đây cũng là một trong những quyển sách về Đại thừa khởi tín luận khá dài và chi tiết.

Đương đạo Nguyễn Thế Đăng dịch và chú giảng, tên tác phẩm là Thực hành theo luận đại thừa khởi tín, NXB Tri Thức, năm 2022. Trong phần nội dung, tác giả đề cập nghĩa và giảng không đề cập phần âm Hán Việt. Lời văn gần với ngôn ngữ hiện đại nên rất dễ hiểu có thể ứng dụng tu hành và tham khảo trong nghiên cứu. Trong phần bình giảng, tác giả chú trọng vào sự thực hành, nên những lời bình giảng ở đây chưa đủ và lặp lại nhiều lần có chủ đích những chữ trong luận như: niệm, lìa niệm, phân biệt, vô tướng, vô niệm, vô trụ, huân tập, tùy thuận.

Bản dịch của Thích Liêm Chính: Tên tác phẩm là Luận đại thừa khởi tín, phần đại cương Đại thừa khởi tín luận, Thích Liêm Chính cẩn dịch từ bản Hán Văn của Đại Sư Trí Khải soạn. Phần nội dung, Thích Liêm Chính Việt dịch từ bản đời Lương của Chân Đế. Theo thứ tự âm, nghĩa và cương yếu.

Bản dịch của TT.Thích Nhật Từ, tên tác phẩm là Đại thừa khởi tín luận, nội dung có phần đại ý, nguyên văn, nhận xét và chú thích thuật ngữ (trong chú thích thuật ngữ (những từ trọng tâm) có đề cập chữ Hán cả thời Lương dịch và Đường dịch nên dễ đối chiếu.

TS.Thích Hạnh Tuệ và TS.Thích Thanh Quế biên soạn tác phẩm Đại thừa khởi tín luận thực giải (có đối chiếu các bản dịch Hán – Việt) để làm giáo trình giảng dạy cho lớp cao cấp giảng sư của Ban Hoằng Pháp T.Ư tại TP.HCM.

Các bản dịch của các tác giả khác như: Tâm Thái với tựa đề là Niềm Tin Đại Thừa; Bản dịch của Nguyên Hồng với tựa đề Luận đại thừa khởi tín.

Bên cạnh đó còn có có những công trình, sách vở, bài viết liên quan Đại thừa khởi tín luận như: Luận khởi tín đại thừa, Bồ-tát Mã Minh tạo luận, Việt dịch & Giải: Tỳ kheo Thích Giác Quả; Luận đại thừa khởi tín, Bồ tát Mã Minh tạo luận, Hán dịch: Đời Lương, Tam Tạng Pháp sư Chân Đế việt dịch: Linh Sơn pháp bảo đại tạng kinh hội Văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản; Số 1666/1, 1667 Luận đại thừa khởi tín, Tam tạng pháp sư Chân Đế dịch, Nguyên Hồng dịch tiếng Việt; Số 1666, Đại thừa khởi tín luận, Tam tạng pháp sư Chân Đế dịch Cao Hữu Đính dịch ra Việt văn; Số 1668 Luận thích ma ha diễn, Hán dịch: Đại sư Phiệt Đề Ma Đa đời Diêu Tần, Việt dịch Cư sĩ Nguyên Huệ (năm 2013); Đại thừa khởi tín luận liệt võng sớ (Sớ giải xé lưới mê chấp luận đại thừa khởi tín), Sa-môn, Ngẫu Ích Trí Húc ở Linh Phong soạn, Việt dịch: Linh sơn pháp bảo đại tạng kinh hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản; Luận Đại thừa khởi tín nội nghĩa lược thám ký, Thái Hiền soạn, Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, hội Văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản; Khởi tín luận sớ bút sảo ký, Sa-môn Tử Tuyền ở Trường Thủy ghi, Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, Hội văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản; Luận đại thừa khởi tín nghĩa ký biệt ký, Sa-môn Pháp Tạng Chùa Sùng Phước soạn, Việt dịch: Linh Sơn pháp bảo đại tạng kinh hội Văn hóa giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản.

Hiện nay, Đại thừa khởi tín luận được giảng dạy tại các Học viện Phật giáo Việt Nam, như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM chọn là một trong những môn chính của khoa Triết học Phật giáo và đào tạo từ xa. Ngoài ra trong một số trường trung cấp (Tp.HCM, Huế, Đồng Nai…, cao đẳng Tp.HCM, lớp cao cấp giảng sư… cũng đưa bộ luận này vào chương trình giảng dạy…

Trên đây chúng tôi chỉ phác thảo một cách khái lược về sự tiếp nhận Đại thừa khởi tín luận ở Việt Nam ta, dựa trên cơ sở kế thừa những công trình của các bậc đại sư, học giả đi trước.

SC.Thích nữ Trung Hiếu & TT.TS Thích Hạnh Tuệ
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
ĐTKVN, (2018), Kinh Tăng Chi, Chương Năm Pháp
CHÂN HIỀN TÂM dịch, (2004), Con Đường Dẫn Đến Giác Ngộ Đại Thừa Khởi Tín Luận, NXB Tổng Hợp HCM. HT THÍCH TRÍ QUANG dịch, (2011), Khởi tín luận, NXB Tổng hợp TP HCM.
HT. THÍCH THIỆN HOA, (1997), Phật học phổ thông, Q. 3, NXB TP HCM.
HT. THÍCH THANH TỪ dịch giải, (2018), Luận đại thừa khởi tín, NXB Hồng Đức. THÍCH NHẤT HẠNH, (1996), Duy biểu học, NXB Lá Bố.
NGUYỄN MINH TIẾN Dịch và chú giải, (2000), Quy Sơn cảnh sách, NXB Tôn Giáo, TP Hồ Chí Minh.
THÍCH PHƯỚC ĐẠT, (2020) Trần Thái Tông và Khóa hư lục nhìn từ góc độ Văn học, NXB Hồng Đức, Hà Nội. NHƯ HUYỄN Thiền sư dịch, (2013), Chứng đạo ca trực chỉ đề cương, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.
HT THÍCH MINH CHÂU dịch, (2010), Kinh Pháp cú, NXB Hồng Đức, Hà Nội. TK THÍCH GIÁC QUẢ, (2012), Luận khởi tín đại thừa, NXB Thuận Hóa.
HT THÍCH THANH TỪ, (2018), Luận đại thừa khởi tín, NXB Hồng Đức, Hà Nội. Lão thiền sư PHÁP MINH, (2013), Chú giải kinh Pháp cú, NXB Tổng hợp TP HCM. THÍCH THIỆN HOA, (1958), kinh Viên giác, NXB Hướng Đạo.
THÍCH THANH TỪ, (2016), kinh Kim cang giảng giải, NXB Tôn Giáo. THÍCH TRÍ TỊNH, (2022) kinh Đại Tạng Bồ tát bổn nguyện, NXB Tôn Giáo.
Thích Hạnh Tuệ – Thích Thanh Quế (2015), Đại thừa khởi tín luận thực giải (giáo trình giảng dạy lớp cao cấp giảng sư, Bạn Hoằng Pháp TW)
Phẩm Thập-địa – kinh Sanskrit/Hán Tạng – THƯ VIỆN HOA SEN (thuvienhoasen.org) “Tâm” trong Kinh điển Phật giáo Bắc truyền (phatgiao.org.vn)
Tâm – Wikipedia tiếng Việt Tâm Là Gì? — Study Buddhism
TÂM Ý THỨC | hoa tâm tư (wordpress.com)

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/qua-trinh-tiep-nhan-dai-thua-khoi-tin-luan-o-viet-nam-hien-nay.html