Quà từ đất

Tôi nghiệm ra trong thời ấu thơ, người mà chúng ta nhớ nhất là người cho chúng ta... ăn. Ngoài ba mẹ lo ăn từng bữa, còn có ông anh bà chị, ông cậu bà dì dắt đi ăn hàng, từng chén chè tô cháo miếng bánh tráng kẹo làm chúng ta nhớ, đến tận bây giờ.

Tuy nhiên, quà vặt mua bằng tiền không bao giờ đáp ứng đủ sức trẻ đang lớn. Ngày xưa nhà nào con cái cũng đông đúc, bảy tám đứa là thường, ba mẹ nào phát tiền ăn vặt hằng ngày cho đủ. Trong năm học thì không sao, đến ba tháng hè, đám con nít suốt ngày lang thang ngoài đường hết chơi đá banh lại nhảy dây, đánh trổng... trò nào cũng hao tổn năng lượng nên mau đói, thèm ăn. Phải lang thang đi hái mận, hái trứng cá, bắt chim sẻ đem nướng... đủ trò, cốt để có món ăn vặt.

Khi gặp lại anh Cường ở xóm nhà tôi nay đã bảy mươi tuổi, tôi hỏi anh còn nhớ món hạt gòn rang anh cho con nít trong xóm ăn không? Anh cười lắc đầu. Anh quên nhưng tôi nhớ, nhớ đến tận bây giờ. Hồi đó, anh đi lính đóng quân tận Đà Nẵng. Tết nào mà anh được về phép, đám con nít thích lắm. Thế nào anh cũng mang vài trái hỏa châu về.

Đêm Giao thừa, anh mang ống phóng hỏa châu ra, dộng đầu ống vào cái cột thấp một bên cửa cổng nhà anh. Một tia sáng xẹt lên cùng tiếng nổ bùm. Hỏa châu vọt lên trời sáng rực được một khoảng một phút, đỏ rực. Khoảng khắc đó ngắn ngủi nhưng tuyệt vời. Thời gian còn lại, đám con nít bám theo anh để hỏi chuyện chiến trường, chuyện súng ống xe tăng. Lúc kể chuyện, thế nào anh cũng mang ra cho ăn thứ gì đó từ trong nhà. Trong đó, tôi nhớ nhất là món hột gòn rang.

Phía sau nhà tôi lúc ấy có cây gòn, sinh ra những trái gòn hình trám dài và nhọn hai đầu. Trái gòn chín nứt ra, lộ từ bên trong chùm bông gòn màu vàng nâu, dùng để nhồi gối nằm. Ngoài ra còn có những cái hột màu đen trong giống hột tiêu, có vẻ xốp. Không biết có phải anh Cường lấy hạt ở đó chăng mà đem hột rang cả rổ, thơm nức. Vừa kể chuyện, anh cho mỗi đứa một vốc. Hột gòn giòn, thơm và bùi. Nó không thơm ngon như hột đậu phộng nhưng vậy là đủ nhớ tới bây giờ.

Ảnh minh họa: TL

Ảnh minh họa: TL

Trong xóm còn có một phụ nữ mà đến giờ tôi vẫn mong gặp lại. Đó là cô Vinh, cháu của ông bà cụ người Bắc ở quãng giữa con hẻm. Ai đó kể cô theo ông bà cụ từ Bắc di cư vào từ năm 1954 khi mới hơn mười tuổi và quanh năm lo nấu cơm, giặt đồ cho ông bà cụ. Trong nhà đó, ông bà cụ khó tính bao nhiêu thì cô Vinh lại xởi lởi bấy nhiêu. Lúc ấy cô đã hơn ba mươi, không có chồng con gì. Có lẽ vì vậy mà cô thích con nít và lúc nào cũng tươi cười với chúng tôi.

Sân nhà cô ở có một cây khế chua sai trái. Đám con nít thỉnh thoảng ra lén dùng cây khều khế nhưng thường bị ông hay bà cụ ra mắng xối xả. Thương tụi nhỏ, cô đợi hôm nào ông bà đi vắng thì dùng lồng hái vài chục trái khế. Hái xuống, cô dùng dao xắt khế theo chiều ngang thành từng lát mỏng hình ngôi sao rồi sắp cho kín cái mâm nhôm. Việc cuối cùng, cô rắc muối trắng lên mặt khế rồi đem phơi trên nóc nhà sau khi cẩn thận dùng miếng vải mùng sạch đậy lên.

Nắng mùa hè chiếu xuyên qua lớp vải, làm bốc hơi nước trong những lát khế đã thấm muối. Sau vài nắng, cô cạy từng lát khế ra bỏ vô hũ thủy tinh. Trời ạ, chúng tôi sẵn sàng đổi rất nhiều món ngon để được ăn món “ô mai khế” của cô, món ăn thơm mùi khế và mùi nắng, vị chua và vị mặn đã dịu xuống thành một vị chua mặn nhẹ nhàng, hài hòa (nhắc đến mà chảy nước bọt).

Hũ ô mai khế của cô làm được thì mất thời giờ nhưng ăn thì rất nhanh, dù cũng chỉ có khoảng ba bốn đứa được ăn vì cô gọi. Chúng tôi thì ăn, còn cô thì cười nhăn mặt tạo thành nếp. Sau này nghĩ lại, phải chăng cô Vinh coi chúng tôi như đám em nhỏ của cô ở quê nhà ngoài Bắc, hay như là những đứa con cô mong có được? Tất cả đều là võ đoán về người phụ nữ nhân hậu và an phận này.

Lúc tôi còn nhỏ, người Mỹ đã tham chiến và xe nhà binh Mỹ đã đông nên tôi không còn được đi câu cá như các anh lớn. Các anh kể những năm trước 1965, đạp xe lên tận miệt Bà Quẹo, len lỏi vào các miếng ruộng mang theo cần câu và câu cắm. Cả đám đào trùng, chọt lỗ trứng kiến vàng, nhân tiện nghịch phá trái cây vườn thiên hạ hái cả bụm trái cây. Có bữa chủ vườn để yên, còn hái cho thêm. Bữa khác chủ vườn khó tính rượt chạy tơi bời. Xong cả đám chọn một bờ ruộng có bóng cây, trải áo mưa nằm dài dưới đất, cắm chiếc cần câu, nằm ngửa mặt lên trời xước khúc mía giòn, nhai tóp tép trái ổi, trái mận hái trộm, ăn rồi nghêu ngao hát. Bữa nào kiếm được vài con cá thì đem về nhà nhờ chị Tư nướng trên bếp than, chấm muối ớt ăn ngon lành. Có bữa câu về gặp trời mưa, cả đám đi xe đạp ướt như chuột lột, cá văng mất, cần câu gãy rụm vứt luôn, nhìn nhau cười trừ.

Lớn lên, tôi lang thang qua nhà bạn chơi và đi “kiếm ăn” với đám bạn bè. Lúc thì đi hái me, hái trái keo, hái chùm ruột đem về giã rồi trộn với muối ớt. Có đứa mang ra từ nhà đến mớ hột mít luộc, hột sầu riêng luộc hay hột bí rang là thấy như có tiệc. Hôm nào nhà mua trái nhãn, đợi ăn xong thì gom hết hột để đó. Khi thấy có ai đốt lá còn âm ỉ cháy thì quăng mớ hột vô, đợi một chút lấy ra, tách cái vỏ đã nứt. Hột nhãn bùi và thơm mùi nhãn. Nếu có hột chôm chôm đem nướng nhai nhóc nhách cũng cảm thấy ngon.

Có lần chúng tôi còn mượn cái rổ tre, lén lấy cuộn chỉ trong rổ may ở nhà để đem ra sân trống bẫy chim sẻ. Cái rổ được chống lên bằng một que củi, dưới để một nắm gạo. Cuộn chỉ cột que củi và kéo cho xa, một đứa nắm sợi chỉ nấp cho kín. Đám se sẻ nhào xuống ăn một cách thận trọng, bị giật dính vô rổ. Một thằng thò tay vô trong rổ thật khéo túm từng con, con nào muốn bay ra là ụp lại nhanh. Vậy là có một bữa tiệc chim sẻ nướng ngoài chỗ đường rầy xe lửa, sau khi một đứa nhổ lông, làm sạch và ướp muối.

Mùa hè, tôi thường qua một xóm gần nhà vì có đứa bạn thân học cùng lớp. Ở đó, tôi thường thấy T., một đứa nhà khá giả, ba nó có xe đò chạy đường dài. Nó luôn trắng trẻo và mập mạp, bảnh bao hơn đám con nít nhà nghèo. Tuy vậy, bạn tôi bảo đám nhà nghèo đi đâu nó cũng đòi đi theo. Nó không thiếu thứ gì, từ nho khô, kẹo cứng của Mỹ nhưng lại ghiền các món ăn tạp nhạp của đám bạn, không bao giờ chê con dế cơm chiên đậu phộng, con chim sẻ nướng gầy nhẵng hay trái ổi xanh. Lâu lâu thấy nó bị nhốt trong sân nhà sau hàng rào sắt, tụi tôi lại lòn vô trong cho nó trái ổi hay mớ chùm ruột.

Sau 1975, gia đình cho nó đi vượt biên và mất tích trên biển. Những đứa bạn khoai củ ngày xưa gặp lại bên ly cà phê khi đã gần tuổi sáu mươi bảo nhau: Thằng T. chưa chắc ham thích gì mấy món tụi mình đi mót đâu, nó thèm bạn bè đó thôi. Trong xóm, nó không chơi với tụi mình thì chơi với ai suốt ba tháng nghỉ hè?

Phạm Công Luận

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/qua-tu-dat-35953.html