Quả vả rừng xưa chỉ dân nghèo ăn nay thành đặc sản nhà giàu cũng muốn ăn
Quả vả (tiếng Tày gọi là mác ngỏa), tên khoa học Ficus Auriculata, là một loài cây thuộc chi Ficus. Quả vả to hơn quả sung gấp nhiều lần, khi quả còn xanh có nhiều nhựa, nhiều nước bên trong, ăn rất chát.
Vả là loại cây thân gỗ nhỏ, cao từ 5 - 10 m hoặc cao hơn nếu mọc trong rừng sâu; cây có nhiều cành, đầu ngọn nhiều lông; cây có lõi rỗng khi còn non, gióng như gióng tre, nứa. Lá vả rất to và tròn như lá sen, có thể được dùng để gói đồ; lá non dùng gói bánh bột lọc, bánh chứng kiến; tán lá rộng, phiến lá hình trái xoan, có lông ở mặt dưới. Cây vả thường mọc ở nơi ẩm ướt trong rừng, bờ mương, bờ suối.
Những ai đã có một thời thơ ấu lên rừng chăn trâu, lấy củi sẽ không thể nào quên được vị ngọt, mát của những quả vả mật chín ngọt khi mùa hè đến.Mùa vả thường kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 7 năm sau, còn những tháng khác trong năm cây vẫn ra quả rải rác. Cụm quả vả mọc ở gốc hay trên cành già, rồi lớn dần phát triển thành quả to, hình cầu dẹt.
Quả thường mọc thành từng chùm dài từ 10 - 50 quả ở gốc hoặc trên những cành riêng không có lá; quả còn non có vỏ màu xanh, lông mịn; lớp thịt bên trong quả có lớp cơm màu trắng hoặc màu đỏ tùy vào từng loại vả khác nhau.Khi quả chín, những quả vả mật to có màu đỏ tím, quả to bằng nắm tay. Quả càng to, bên trong chia thành nhiều màu.
Lớp thịt ngoài cùng có màu trắng, lớp thịt tiếp theo màu đỏ tươi, lớp thịt trong cùng có màu vàng nhiều sợi tua rua trông như một bông hoa. Bên trong ruột là lớp mật sóng sánh, ngọt dịu, màu vàng nâu như thạch. Khi bổ quả ra thấy ứa nhiều nhựa màu trắng như sữa. Quả vả khi chín ăn ngọt dịu, cắn thử một miếng sẽ thấy vị ngọt nhẹ của thịt quả vả tan dần nơi đầu lưỡi, tiếp theo là vị ngọt mát của lớp mật trong quả không lẫn vào đâu được.
Theo đông y, quả vả có vị ngọt, tính bình, tác dụng làm mạnh dạ dày, nhuận tràng, thanh nhiệt, giải độc, tiêu đờm, lợi tiểu. Trong quả vả chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, kiện vị, cầm tiêu chảy. Thích hợp sử dụng cho người tỳ vị hư yếu, tiêu hóa kém, trẻ em tiêu chảy lâu ngày, táo bón, khản tiếng.
Các nghiên cứu cho thấy quả vả có khả năng chống ung thư, phòng bệnh tim mạch, ngăn ngừa huyết áp cao và nhồi máu cơ tim, giúp xương chắc khỏe, làm tăng tiết sữa. Rễ và lá có tác dụng tiêu thũng, giải độc, tiêu viêm và chỉ thống.Quả vả mật có vị ngọt và thơm, có thể đem ngâm rượu, phơi khô làm mứt hoặc làm nộm, mấu canh, kho chân giò... ăn đều rất ngon; nhưng nếu ăn nhiều quả vả mật lúc đói bạn sẽ bị say, khi say có triệu chứng choáng đầu, hoa mắt, buồn nôn, chảy nước dãi rất khó chịu.
Hiện nay, quả vả mật không còn nhiều như trước đây, nhưng đến mùa vả chín, thi thoảng tại một số chợ phiên ở các huyện, đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh quen thuộc của người dân bán từng túi vả chín thơm ngọt với giá khoảng 30 - 40 nghìn đồng/kg. Tuy đây chỉ là thứ quả dân dã nhưng luôn gắn bó với tuổi thơ của con người miền núi khiến ai cũng không bao giờ quên.
(Theo Báo Cao Bằng)