Quách Tĩnh đã bỏ lỡ bí kíp tuyệt thế vô song nào?
Hóa ra, trong vũ trụ kiếm hiệp của Kim Dung từng có một bí kíp mạnh hơn cả Cửu âm chân kinh bị cất giấu đi mà không ai biết.
Cửu âm chân kinh – Bí kíp võ học khiến giang hồ điên đảo
Trong các tuyệt kỹ võ học Kim Dung, Cửu âm chân kinh được xem là bí kíp võ công đáng sợ, ẩn chứa sức mạnh vô biên. Bộ chân kinh này chứa đựng tất cả các môn võ học huyền bí thâm sâu và ảo diệu như kiếm pháp, quyền pháp, chưởng pháp, trảo pháp, khinh công, nội công tâm pháp… Nếu luyện thành một chiêu đã trở thành cao thủ hạng nhất, nếu luyện hết cả bộ có thể vô địch thiên hạ. Vì sức mạnh của nó, Cửu âm chân kinh đã trở thành bộ tuyệt học võ công khiến nhân sĩ võ lâm một thời vấy máu tranh đoạt, cả giang hồ điên đảo săn lùng.
Cửu âm chân kinh thường được biết đến qua tác phẩm Xạ Điêu Tam Bộ Khúc gồm 3 phần: Anh hùng xạ điêu, Thần Điêu hiệp lữ và Ỷ Thiên Đồ Long ký. Kim Dung rất khéo khi không trực tiếp phác họa cụ thể hoàn cảnh ra đời của Cửu âm chân kinh mà để nó hình thành qua lời kể của các cao thủ võ lâm trong giang hồ. Trong Xạ điêu anh hùng truyện viết năm 1957, Kim Dung nói về xuất xứ của Cửu âm chân kinh như sau: Tương truyền Đạt Ma sư tổ của phái Thiếu Lâm lúc mới từ Tây Trúc sang Trung Quốc đã giao chiến với nhiều võ sĩ trung thổ và có thắng, có bại. Sau đó, ông lui về ở ẩn, quay mặt vào tường suốt 9 năm, thấu triệt được các tinh hoa võ học rồi viết thành bộ Cửu âm chân kinh.
Tuy nhiên, trong bản mới đã được sửa chữa, Kim Dung mượn lời Lão Ngoan đồng Châu Bá Thông, sư đệ Vương Trùng Dương - giáo chủ Toàn Chân giáo, cho rằng bí kíp Cửu âm chân kinh là do Hoàng Thường viết. Theo đó, Hoàng Thường là một vị quan "thế ngoại cao nhân".
Thời Bắc Tống, hoàng đế Huy Tông hạ chiếu tập hợp tất cả di thư của đạo gia trong thiên hạ để làm bộ Vạn thọ Đạo tạng và Hoàng Thường phụ trách trông coi việc khắc in. Vì sợ khắc lầm chữ sẽ bị tội khi quân nên ông đã dồn hết tâm trí để đối chiếu cẩn thận từng câu chữ. Dần dần, Hoàng Thường trở nên tinh thông Đạo học, ngộ ra được tầng sâu của võ công. Ông theo đó tu luyện cả nội - ngoại công, trở thành cao thủ.
Về sau, vua Huy Tông phái Hoàng Thường đem binh đi tiêu diệt Ma giáo (Minh giáo). Ông đánh bại nhiều cao thủ nhưng bị trọng thương phải đi trốn. Ở nơi núi hoang, Hoàng Thường nhớ lại những chiêu thức võ công của các địch thủ để tìm cách phá giải. Hơn 40 năm sau, khi đã triệt ngộ, ông muốn hạ sơn báo thù thì kẻ thù xưa đã qua đời hết. Hoàng Thường bèn đem những công phu thượng thừa của các môn phái viết thành Cửu âm chân kinh.
Ngoài Hoàng Thường, người duy nhất trên giang hồ học hết bộ chân kinh chính là Quách Tĩnh, sau đó là Chu Bá Thông (do ông không hiểu phần Tổng Cương bằng tiếng Phạn). Ngoài ra, còn có Bắc Cái Hồng Thất Công, Tây độc Âu Dương Phong, Nam đế Nhất Đăng đại sư, Mai Siêu Phong, Dương Khang, Hoàng Dung, Dương Quá, Tiểu Long Nữ, Chu Chỉ Nhược… từng tu luyện qua một phần bí kíp.
Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong đã tu luyện Cửu âm chân kinh quyển hạ mà chỉ trong thời gian ngắn đã tung hoành giang hồ. Chu Chỉ Nhược tu luyện chưa tới một năm cũng trở thành cao thủ, chỉ kém Trương Vô Kỵ và Hoàng Sam Nữ Tử. Thậm chí Âu Dương Phong dù bị Hoàng Dung cố ý truyền thụ sai khẩu pháp khiến gân mạch nghịch chuyển nhưng tại Hoa Sơn Luận Kiếm lần 2 đã liên tiếp đánh bại Quách Tĩnh, Hoàng Dược Sư và Hồng Thất Công. Còn Vương Trùng Dương chỉ dùng một phần rất nhỏ đã phá giải được Ngọc nữ tâm kinh của Lâm Triều Anh. Những điều này đủ thấy Cửu âm chân kinh mạnh tới nhường nào.
Bí kíp tuyệt thế vô song bị giấu đi
Thế nhưng, ít ai biết rằng, trong 2 phần Anh hùng xạ điêu và Thần Điêu hiệp lữ, một bộ tuyệt học võ công khác có sức mạnh tuyệt thế vô song bị cất giấu đi. Đó chính là Quỳ hoa bảo điển.
Quỳ hoa hảo điển là môn võ công thượng thừa xuất hiện trong tiểu thuyết "Tiếu ngạo giang hồ" của nhà văn Kim Dung. Quỳ hoa bảo điển nổi tiếng với "Thân pháp quỷ mị", xuất chiêu cực nhanh cùng với tuyệt kĩ ám khí "Tú hoa châm" mà vô địch. Quỳ hoa bảo điển không phải không có sơ hở nhưng vì thân pháp quá nhanh chỉ để lại tàn ảnh nên có tìm được yếu điểm cũng không dễ dàng đánh trúng.
Người duy nhất luyện được môn võ này chính là nhân vật được coi là đệ nhất cao thủ đương thời - Đông Phương Bất Bại - Giáo chủ của Nhật Nguyệt Thần Giáo.
Quỳ hoa bảo điển là môn tuyệt kỹ võ công vô cùng lợi hại nhưng cũng cực kỳ đáng sợ do yêu cầu quái dị của nó. Đông Phương Bất Bại cũng từng lăn tăn rất nhiều nhưng vì ham sức mạnh nên vẫn cắn răng chấp nhận điều kiện hà khắc của môn võ công này. Từ đó trở đi, Đông Phương Bất Bại trở thành một người bán nam bán nữ, tính cách thay đổi 180 độ so với trước đây, lại còn đem lòng yêu một nam nhân là Dương Liên Đình.
Đông Phương Bất Bại sau khi luyện thành Quỳ hoa bảo điển thì võ công phi phàm, một mình đấu trên cơ với bốn đại cao thủ, duy chỉ có Lệnh Hồ Xung học được Độc cô cửu kiếm nên có thể nhìn ra sơ hở của Đông Phương Bất Bại nhưng vẫn không thể đánh trúng y, tất cả đều bị Đông Phương Bất Bại dùng kim thêu mà đả thương. Chỉ đến khi Nhậm Doanh Doanh tấn công Dương Liên Đình khiến Đông Phương Bất Bại mất tập trung thì mới bị Lệnh Hồ Xung đánh bại.
Nguồn gốc của môn võ công này, theo lời kể của Phương Chứng đại sư (trụ trì Thiếu Lâm Tự) trong Tiếu ngạo giang hồ. Đây chính là bí kíp võ thuật thượng thừa do một cặp vợ chồng viết ra với tên người chồng có chữ "Quỳ", người vợ có chữ "Hoa" sáng tạo nên. Phần do người chồng sáng tạo gọi là "Càn kinh" và phần do người vợ sáng tạo gọi là "Khôn kinh", đây là hai phần hoàn toàn khác biệt, thậm chí đối kháng nhau (theo như bản sửa đổi sau này của Kim Dung thì Quỳ hoa bảo điển do một thái giám trong cung sáng tạo ra được xưng là "Quỳ Hoa lão tổ"). Nhân vật đó không ai khác, chính là Tam bảo thái giám Trịnh Hòa.
Theo sử liệu đời Minh, Trịnh Hòa giỏi võ nghệ, hùng tài thao lược, lập nhiều chiến công quan trọng giúp Yên vương Chu Đệ lên ngôi Minh Thành tổ. Sau này thái giám Trịnh Hòa chỉ huy hạm đội hùng mạnh nhất thế giới, mượn cớ thám hiểm hàng hải để đánh chiếm khắp nơi, thu về vô số vàng ngọc châu báu.
Với tài trí và căn cơ sẵn có, lại có cơ hội chinh phục đánh chiếm khắp thiên hạ, thì việc tập hợp võ công Trung nguyên với Tây Vực, Đại Lý, Mông Cổ, Tây dương… để viết nên Quỳ hoa bảo điển là việc rất có khả năng?
Trong Tiếu ngạo giang hồ, mật tịch nay không được nhắc tới niên đại ra đời nhưng dựa 2 chi tiết này có thể xác định.
Thứ nhất, trong Tiếu ngạo giang hồ xuất hiện một chức quan là "Tham tướng". Theo các ghi chép lịch sử, chức quan này có từ thời nhà Minh (năm 1368-1644).
Thứ hai, trong Lộc đỉnh ký, Trừng Quan pháp sư từng nhắc tới Lệnh Hồ Xung rằng: "Tiền triều có một vị đại hiệp là Lệnh Hồ Xung. Độc cô cửu kiếm của người này đạt tới cảnh giới vô chiêu thắng hữu chiêu, chẳng lẽ cô nương vừa sử dụng cũng là Độc cô cửu kiếm sao?". Lộc Đỉnh Ký lấy bối cảnh thời nhà Thanh, nên tiền triều mà Trừng Quan pháp sư nói chính là thời nhà Minh. Điều đó chứng tỏ Lệnh Hồ Xung là người Minh triều.
Chính Kim Dung từng mô tả Quỳ hoa bảo điển là bí kíp võ công bị giấu trong hoàng cung tới 300 năm. Nếu bối cảnh của Tiếu ngạo giang hồ là nhà Minh thì 300 năm trước đó chính là triều đại nhà Tống (960-1279). Đây cũng là thời của Quách Tĩnh, khi mà cả giới võ lâm lao vào tranh cướp Cửu âm chân kinh. Bản thân Quách Tĩnh và những nhân sĩ võ lâm không hề biết rằng trong hoàng cung còn lưu giữ Quỳ hoa bảo điển – một bí kíp võ thuật thượng thừa có sức mạnh tương đương Cửu âm chân kinh.