Quái chiêu thay đổi, đeo biển kiểm soát giả để né... 'phạt nguội'
Tình trạng các lái xe dùng biển kiểm soát (BKS) giả hoặc thay đổi số, chữ, ký tự trên BKS để né 'phạt nguội' đang diễn biến ngày càng phức tạp. Việc Cục CSGT, Bộ Công an chỉ đạo CSGT Công an các đơn vị địa phương tăng cường kiểm tra xử lý đối với những vi phạm trên không chỉ góp phần làm 'sạch' vi phạm mà còn phòng, chống hiệu quả những hệ lụy, mầm mống nảy sinh tội phạm từ chính những thủ đoạn vi phạm trên.
Đủ mọi thủ đoạn “né” phạt
Dù sự việc đã trôi qua vài tháng, song mỗi khi nhắc lại, anh Thanh Dũng ở Hà Nội vẫn không khỏi bức xúc trước hành vi “tráo biển” mà lái xe vi phạm đã gây ra. Đầu năm 2022, anh nhận được thông báo của CSGT mời lên đơn vị để làm rõ và xử lý về hành vi vi phạm quy định khi tham gia giao thông. Theo như giấy mời thông báo, chiếc xe của anh vi phạm giao thông ở tận… Thái Bình trong khi thời điểm đó anh chưa hề đến hoặc chiếc xe được cho mượn để đi về Thái Bình.
Mang thắc mắc này lên trao đổi với CSGT, anh được đơn vị chức năng làm rõ một lái xe khác đã sử dụng BKS giả trùng với BKS xe của anh Dũng để lưu thông trên đường. Và khi lái xe kia vi phạm, trên hệ thống camera kiểm soát vi phạm ghi nhận lại dữ liệu đăng ký “đổ” về trùng khớp với thông tin BKS anh Dũng đã đăng ký cho chiếc xe của mình. “Chiếc xe của tôi đã được “minh oan”, song lái xe vi phạm vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ để xử lý. Hành vi của lái xe trên không chỉ vi phạm các quy định về Luật Giao thông mà còn gây ra nhiều hệ lụy, phiền phức cho những chủ xe đăng ký chính chủ BKS”- anh Thanh Dũng cho biết.
Cũng giống như anh Dũng, anh Trần Minh Hòa nhà ở Hoàn Kiếm khi mang chiếc xe của mình đi đăng kiểm thì ngỡ ngàng nhận được thông báo từ chối đăng kiểm của cơ quan chức năng với lý do… xe bị “phạt nguội”. Tra trên hệ thống xác định chiếc xe của anh bị xử phạt tại Quảng Ninh, trong khi thời điểm vi phạm chiếc xe của anh Hòa hoàn toàn nằm ở Hà Nội và cũng không có bất cứ ai mượn xe của anh đi xuống Quảng Ninh. Hành vi “quýt làm cam chịu” của lái xe vi phạm đã được CSGT làm rõ nhưng rõ ràng đã gây ra không ít phiền phức cho các lái xe chính chủ bỗng dưng bị… “phạt”. Đó là thời gian, công sức và thậm chí những rắc rối, phiền hà chủ xe có thể gặp phải khi các đối tượng vi phạm sử dụng BKS giả đó thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.
Nếu như anh Thanh Dũng và Trần Minh Hòa chỉ phát hiện chiếc xe ôtô của mình bị “nhái” BKS sau khi nhận được thông báo của CSGT hoặc đi đăng kiểm thì khá nhiều lái xe khi di chuyển trên đường đã bất ngờ phát hiện BKS phương tiện của mình lại đang được xe khác “cóp pi” để sử dụng. Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội về ôtô, có không ít chủ xe “kêu trời” vì bỗng nhiên bị phạt nguội hoặc tài khoản bị trừ khi qua trạm thu phí dù chiếc xe của mình vẫn đang nằm trong gara. Không chỉ dùng BKS giả của các phương tiện khác gắn vào xe để di chuyển “né” phạt nguội, những đối tượng trên còn lợi dụng để hoạt động phạm tội, vận chuyển hàng hóa lậu, mua bán xe không rõ nguồn gốc… Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, nhiều lái xe vi phạm sử dụng BKS giả, thay đổi số, chữ, ký tự trên BKS đã bị CSGT phát hiện xử lý. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội còn phát hiện, triệt xóa đường dây mua bán xe ôtô nhập lậu từ chính sự phát hiện, trình báo của người dân khi phát hiện chiếc xe đi trên đường đeo BKS giống chiếc xe của mình.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông, Công an TP Hà Nội cho biết: Chủ nhân của chiếc xe hạng sang mang BKS 30E-844.16 là anh Nguyễn Anh Dũng ở Cầu Giấy, TP Hà Nội bất ngờ phát hiện chiếc xe trùng nhãn hiệu, đeo đúng BKS của mình lưu thông trên đường Vạn Phúc thuộc quận Hà Đông. Qua điều tra, lái xe mang BKS trùng với BKS xe của anh Dũng là Nguyễn Đình Bảo ở huyện Chương Mỹ, khai nhận mua chiếc xe này của Nguyễn Đình Lãm (SN 1991, trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông đã làm rõ, Lãm chuyên thu mua xe ôtô các loại trong đó có nhiều xe hạng sang, xe không có nguồn gốc, giấy tờ về để làm giả giấy tờ, BKS rồi bán cho những ai có nhu cầu để sử dụng. Một đường dây mua bán xe gian, không rõ nguồn gốc, làm giả giấy tờ, BKS liên tỉnh đã bị Công an quận Hà Đông điều tra làm rõ, phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.
Kiểm soát kỹ, xử lý nghiêm
Đề cập đến những thủ đoạn của các lái xe sử dụng BKS giả hoặc dán, thay đổi con số, ký tự nhằm “đánh tráo” BKS vi phạm, thông tin với PV, Trung tá Lý Hoài Nam, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết: Mới đây, đơn vị phát hiện, điều tra và đánh sập một đường dây chuyên sản xuất giấy tờ giả liên tỉnh với hàng chục đối tượng ở nhiều tỉnh, thành tham gia. Ngoài những giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, các đối tượng còn chế ra cả BKS giả để hợp thức hóa cho những phương tiện trộm cắp được rao bán. Khi những BKS giả được lắp đặt vào các phương tiện trên, các đối tượng sử dụng sẽ che giấu đi danh tính để thực hiện vi phạm khác. Trong những vụ án trộm, cướp, cướp giật, những đối tượng sử dụng phương tiện đeo BKS giả luôn chiếm tỷ lệ cao, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, xác minh, truy bắt. “Hành vi sử dụng BKS giả của các chủ phương tiện không những vi phạm Luật Giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT, là mầm mống nảy sinh tội phạm, cần phải bị xử lý nghiêm khắc” - Trung tá Lý Hoài Nam khẳng định.
Là một trong những địa bàn trọng điểm, Công an quận Hoàn Kiếm không chỉ làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm mà còn tăng cường xử lý nghiêm, ngăn chặn không để xảy ra đua xe, cổ vũ đua xe trái phép. Thời gian qua, hàng chục đối tượng điều khiển xe máy phóng với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng trên đường phố, gây rối trật tự công cộng đã bị đơn vị cùng các tổ công tác 141, Phòng CSHS phát hiện, bắt giữ. Qua kiểm tra, nhiều đối tượng sử dụng BKS giả. Trung tá Mai Hồ Bắc, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, qua rà soát đơn vị đã yêu cầu 20 chủ cửa hàng buôn bán biển số nhà trên phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật ký cam kết không mua bán, tàng trữ, sản xuất BKS giả. Trong thời gian qua, Đội Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Cục CSGT, Công an các đơn vị tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm những chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh BKS giả. Việc tăng cường kiểm tra, xử lý của Công an quận Hoàn Kiếm góp phần cùng với Cục CSGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội kịp thời phát hiện, xử nghiêm đối với những lái xe sử dụng BKS giả vi phạm.
Thông tin với PV, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn pháp luật về trật tự ATGT, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết: Hành vi sử dụng BKS giả của các lái xe xuất hiện từ nhiều năm nay, tuy nhiên rộ lên mạnh trong khoảng 2 năm trở lại đây khi hệ thống xử “phạt nguội” được CSGT hoàn thiện trên các tuyến cao tốc, những khu đô thị lớn ở nhiều tỉnh, thành. Bên cạnh đó, ở những tuyến cao tốc, hệ thống thu phí tự động không dừng cũng được các đơn vị quản lý vận hành đường bộ triển khai. Một số đối tượng đã dùng BKS giả, tẩy xóa, dán, thay đổi chữ, số trên BKS nhằm né “phạt nguội” hoặc trốn thu phí không dừng. “Không chỉ ý thức kém, thiếu trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, không loại trừ nhiều trường hợp các lái xe trên còn lợi dụng vi phạm từ BKS giả để hoạt động phạm tội. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ đối tượng trộm cắp, cướp giật, giết người sử dụng BKS giả lắp vào phương tiện để gây án, trốn chạy, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, truy bắt”- Đại tá Nguyễn Quang Nhật đánh giá.
Nhìn nhận rõ và có chiều sâu những hệ lụy từ vi phạm trên, trong thời gian qua lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT xây dựng và triển khai kế hoạch tổng kiểm tra xử lý nghiêm đối với những lái xe lắp BKS giả, BKS không đúng so với đăng ký khi lưu thông trên đường. “Chúng tôi đang chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc chủ động phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, cấp biển số của các công ty sản xuất biển số xe cho Công an các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp Công an cấp cơ sở, các lực lượng nghiệp vụ xử lý nghiêm các đối tượng có biểu hiện sản xuất, mua bán biển số xe trái phép trên địa bàn để tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật”- Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin.
Đại diện Cục CSGT cũng khẳng định, để đạt hiệu quả cao trong quá trình kiểm tra, phát hiện và phòng ngừa vi phạm, ngoài những biện pháp trực tiếp như: tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, đăng ký xe, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, lực lượng CSGT sẽ đối chiếu với cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, hệ thống giám sát trật tự ATGT, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phối hợp với các đơn vị thu phí trên tuyến, địa bàn quản lý,... để phát hiện các trường hợp phương tiện ôtô gắn BKS không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc BKS không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đối với những trường hợp sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số; gắn thiết bị “thay đổi” biển số xe; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng... CSGT chủ động điều tra, xác minh để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đối với những chủ xe có BKS chính chủ không vi phạm, khi nhận được giấy mời, thông báo của CSGT cần nhanh chóng phối hợp với các đơn vị chức năng, CSGT để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm lái xe vi phạm. Đại diện Cục CSGT cũng khuyến cáo, tất cả thông báo, giấy mời của CSGT liên quan đến vi phạm đều có đóng dấu của cơ quan chức năng, CSGT không làm việc qua điện thoại. Các chủ xe cần nâng cao ý thức cảnh giác, tránh bị những đối tượng lừa đảo thông báo "phạt nguội", tuyệt đối không nộp tiền vào tài khoản hoặc những đường link, đề phòng chúng chiếm đoạt mã OTP, tài khoản…