Ngoài sức công phá lớn, S-23 thậm chí có thể bắn được đạn hạt nhân, nhưng rất may là “quái vật pháo binh” này chưa thể hiện được khả năng hỏa lực vượt trội của mình.
Như đã biết, "Ngày tận thế hạt nhân" đã không xảy ra ở châu Âu. Tuy nhiên, trong các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ, hệ thống pháo binh cỡ lớn này vẫn bộc lộ những ưu điểm riêng.
Lựu pháo kéo S-23 đã được cung cấp cho các quốc gia thân thiện với Liên Xô, nhưng hiện tại chúng hầu như chỉ có thể được nhìn thấy trong các bảo tàng quân sự.
Được biết những khẩu pháo như vậy ra đời vào nửa sau thập niên 1940 và chúng được đưa vào sản xuất hàng loạt từ giữa những năm 1950.
Nhưng sau khi sản xuất một lô nhỏ, dây chuyền chế tạo đã bị ngừng lại do không có nhu cầu. Đáng ngạc nhiên là S-23 lại được "tái sinh" vào đầu những năm 1970, chủ yếu để xuất khẩu.
S-23 được sử dụng tích cực trong Chiến tranh Yom Kippur tháng 10 năm 1973. Ngoài ra khẩu pháo này đã chiến đấu cả ở khu vực kênh đào Suez và trong chiến dịch do Quân đội Syria tiến hành trên Cao nguyên Golan.
Điểm độc đáo của vũ khí này nằm ở loại đạn mà nó sử dụng, bao gồm đạn phân mảnh có sức nổ cao nặng 88 kg, có thể bắn trúng mục tiêu từ cự ly hơn 30.000 m, và đạn tăng tầm lắp tầng đẩy phụ giúp vươn tới khoảng cách 43.800 m.
Nhược điểm của loại pháo này là khối lượng lớn, lên tới 21 tấn và tốc độ bắn thấp - chỉ 1 phát mỗi phút, đi kèm đội ngũ phục vụ rất đông - 16 người. Xe kéo pháo bánh xích hạng nặng AT-T thường được sử dụng để kéo pháo S-23 trên chiến trường.
Cho đến gần đây, S-23 vẫn được Quân đội Syria sử dụng, khi quốc gia này còn một lượng đạn dược nhất định trong kho.
Bạch Dương