'Quái xế' náo loạn đường phố, xử tội đua xe trái phép được không?

Trong các vụ án liên quan đến 'quái xế' gần đây, nhiều đối tượng đã bị xử lý về các tội Gây rối trật tự công cộng, Cố ý gây thương tích hay thậm chí tội Giết người. Tuy nhiên, chưa có nhiều vụ các đối tượng bị xử lý tội Đua xe trái phép.

Náo loạn đường phố về đêm

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội đã khởi tố 20 bị can liên quan vụ điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng chạy tốc độ cao gây tai nạn làm một cô gái dừng chờ đèn đỏ tử vong.

Một số đối tượng liên quan vụ điều khiển xe lạng lách, đánh võng gây náo loạn đường phố khiến một cô gái dừng chờ đèn đỏ tử vong ở Hà Nội.

Một số đối tượng liên quan vụ điều khiển xe lạng lách, đánh võng gây náo loạn đường phố khiến một cô gái dừng chờ đèn đỏ tử vong ở Hà Nội.

Khoảng 0h15 ngày 3/11, chị N.H.Q (SN 1997, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dừng xe máy dừng chờ đèn đỏ tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu thì bị xe máy do Nguyễn Hồng Nhung (SN 2005, ở quận Tây Hồ) điều khiển lạch lách, đánh võng tông vào.

Sau đó, N.T.M.K (SN 2008, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) chạy xe máy phía sau tông tiếp vào chị Q khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Theo lời khai ban đầu của các đối tượng và một số nhân chứng, trước khi tông vào chị Q, Nguyễn Hồng Nhung, N.T.M.K và khoảng hơn 20 "quái xế" khác chạy xe máy theo đoàn, lạng lách, gây náo loạn đường phố.

Sau quá trình điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm khởi tố Nhung và K cùng về các tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và Gây rối trật tự công cộng. 18 đối tượng còn lại bị khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng.

Hay tại TP.HCM, Công an quận Gò Vấp vừa khởi tố 5 bị can (tuổi từ 16 - 17) cùng về tội Gây rối trật tự công cộng.

Theo kết quả điều tra, sau khi rủ nhau đi đua xe, các đối tượng xách xe máy ra đường, chạy theo đường Nguyễn Thái Sơn, đến khu vực nút giao Phạm Văn Đồng thì hướng về TP Thủ Đức rồi chạy xe vào làn đường dành cho ô tô. Nhóm "quái xế" liên tục lạng lách, đánh võng và nằm dài trên yên xe.

Trong số này, có 2 đối tượng chạy trên một xe sử dụng điện thoại ghi hình lại toàn bộ diễn biến cuộc so kè tốc độ giữa các "quái xế".

Khi nào bị điều tra về hành vi đua xe?

Theo dõi các vụ án này, luật sư Hà Thị Khuyên (Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, thời gian qua xuất hiện nhiều nhóm thanh, thiếu niên có các hành vi đua xe, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hay thậm chí giết người khi cố ý cho phương tiện tông trực diện vào nạn nhân.

Tuy nhiên, đa số vụ án và đối tượng có những hành vi như trên lại bị khởi tố về các tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và Gây rối trật tự công cộng mà không phải là tội đua xe trái phép hay tổ chức đua xe trái phép.

Các mức phạt đối với tội đua xe, tổ chức đua xe trái phép rất nghiêm minh. Mức phạt cao nhất đối với tội danh đua xe trái phép là từ 12 - 20 năm tù; còn tổ chức đua xe trái phép có thể bị phạt tù chung thân.

Trong khi đó, người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng với mức hình phạt cao nhất 7 năm tù.

"Trong nhiều trường hợp, lẽ ra phải xử lý về hai tội khác nhau là đua xe trái phép và cố ý gây thương tích, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại chỉ xử lý tội gây rối trật tự công cộng.

Đó là những vụ việc có tính chất nối tiếp nhau, các đối tượng đua xe, trên đường đua gặp người khác thì có hành vi gây gổ, gây thương tích cho họ.

Trường hợp này cần xem xét xử lý đối với từng hành vi, không thể gộp vào để xử lý chung cho một tội", luật sư Khuyên nhìn nhận.

Một cựu cán bộ CSGT chia sẻ, việc xử lý hình sự những thanh niên đua xe trái phép, tổ chức đua xe trái phép gặp rất nhiều khó khăn.

Dù những người này đã thừa nhận hành vi, cơ quan chức năng vẫn cần phải chứng minh cuộc đua đó có trọng tài, thời điểm xuất phát, thời điểm kết thúc...

"Cần có hướng dẫn cụ thể để phân biệt tội Đua xe trái phép và tội Gây rối trật tự công cộng để tránh nhầm lẫn, sai tội danh, bỏ lọt tội khác; đồng thời cũng để ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi đang có dấu hiệu gia tăng, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông", vị này đề xuất.

Theo luật sư Hà Thị Khuyên, tội tổ chức Đua xe trái phép được quy định tại Điều 265 Bộ luật Hình sự, chủ thể là người từ đủ 14 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Hoạt động tổ chức rất đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm thống nhất, phối hợp hoạt động của các thành viên tạo nên một cuộc đua xe trái pháp luật. Trong đó, người tổ chức đua xe có thể là người khởi xướng, xúi giục, kích động, lôi kéo, tập hợp các tay đua hay chuẩn bị chương trình, kế hoạch đua xe…

Đối với tội Đua xe, chỉ người điều khiển xe tham gia cuộc đua mới là người thực hiện hành vi này. Còn người ngồi sau xe đua (nếu có) có thể giữ vai trò cổ vũ, tùy trường hợp mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do Gây rối trật tự công cộng.

Đáng chú ý, hậu quả của tội Tổ chức đua xe trái phép, Đua xe trái phép là gây mất trật tự an ninh xã hội, an toàn công cộng, gây thương tích hoặc tổn hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Đây là các dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quai-xe-nao-loan-duong-pho-xu-toi-dua-xe-trai-phep-duoc-khong-192241125205329468.htm