Quán ăn ở TP.HCM giảm món, hạ giá vì thiếu nhân viên
Đầu tháng 10, chị Thùy (chủ quán lẩu nướng ở TP Thủ Đức) đăng tin tuyển một đầu bếp, một thu ngân và 3 phục vụ. Nhưng sau một tháng, chị vẫn chưa tìm được người làm.
Có khoảng 4-5 người ứng tuyển song phần lớn đều không đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm và làm việc toàn thời gian.
"Giờ tuyển mới rất khó. Chúng tôi sẽ phải tốn công, thời gian đào tạo lại từ đầu. Với người chưa có kinh nghiệm làm việc thì khó khăn lại nhân đôi", chị Thùy nói với Zing.
Không tuyển được người làm nên trong suốt một tháng qua, hai vợ chồng chị Thùy cùng một đầu bếp, hai nhân viên phục vụ và một bảo vệ phải cáng đáng hết mọi việc.
"Giờ chủ quán hay nhà bếp gì mà cứ đông khách cũng phải phụ chạy bàn, bưng bê hết. Không có chuyện phân chia công việc rạch ròi được như trước. Vì ôm việc nhiều hơn nên nhân viên đều được tôi tăng lương, thưởng thêm".
Mở cửa trở lại sau dịch, nhiều chủ quán cà phê, hàng ăn ở TP.HCM mất nhân sự, phải tuyển và đào tạo người mới. Trong khi đó, không ít nơi chật vật tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới, sửa sang lại quán xá, chấp nhận giảm giá món ăn dù giá thành nguyên liệu tăng.
Chật vật tuyển và đào tạo nhân viên mới
Đầu tháng 11, anh Phạm Anh Quân, chủ quán mì spaghetti trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), mới mở bán trở lại. Vốn chỉ kinh doanh qua các app giao đồ ăn song thời gian giãn cách, quán của anh không thể hoạt động vì nhân viên về quê, không tuyển được người mới.
“Quán không cần nhiều người, chỉ cần 4 nhân viên bao gồm cả tôi là có thể hoạt động. Tuy nhiên, thời gian này tuyển dụng khá khó khăn, tôi đã nhờ những người quen biết giới thiệu. Ngoài những yêu cầu như tiêm đủ 2 mũi vaccine, chăm chỉ, nhiệt tình, tôi cũng muốn chọn người đã có kinh nghiệm làm về ăn uống để đỡ phải đào tạo lại quy trình”.
Sau khoảng 1 tuần tìm kiếm, anh Quân đã tuyển được 2 nhân viên toàn thời gian và một sinh viên làm part-time buổi chiều.
Do không sắp xếp được để nhân viên ăn ở tại quán nên anh Quân khá lo lắng trong thời gian dịch còn diễn biến phức tạp, nếu lỡ có người nhiễm bệnh, quán lại phải nghỉ bán một thời gian.
“Tuần trước, một bạn nhân viên có người nhà dương tính với Covid-19 nên thành ra giờ hụt mất một nhân viên. Dù đã có kết quả test âm tính, tôi vẫn phải đợi tới khi bạn ấy cách ly đủ ngày mới có thể gọi sang làm tiếp”.
Chị Nguyễn Diễm My, quản lý Tiệm lẩu Cù Lao (quận Bình Thạnh), cho biết sau dịch, quán phải tuyển mới 80% nhân viên khi mở bán tại chỗ.
“Đa phần các bạn là người mới nên phải đào tạo lại toàn bộ. Tuy nhiên thời gian quá gấp rút, phải chạy đua với thời gian để kịp mở cửa nên các bạn cũng chưa thành thạo hết công việc, đôi khi xảy ra sai sót trong lúc phục vụ. Quán cố gắng cải thiện trong thời gian tới”.
Chị My cho hay do lao động các tỉnh đang ở quê nên chủ yếu tuyển người ở TP.HCM, những sinh viên ở lại học online hay mắc kẹt do dịch bệnh. “Có một số shipper cũng xin làm phục vụ part time cho quán lẩu, vì thời gian này không chạy được nhiều đơn như hồi giãn cách. Sáng họ chạy giao hàng, chiều tối về đây phụ bán lẩu”.
Với các quy định phòng dịch, tiệm lẩu chỉ hoạt động 50% công suất. Trước đây, quán chia làm 4 khu vực, có hơn 100 bàn. Sau khi mở cửa lại, những khu vực trước đây kê 30 bàn giờ chỉ còn 12-15 bàn để đảm bảo giãn cách.
“Thời gian làm việc của quán cũng thay đổi. Do yêu cầu đóng cửa trước 21h nên khách tập trung đông vào khung giờ 18-20h, nhân viên phải làm việc với cường độ cao hơn. Không được nhận khách sau 21h nên lượng khách và doanh thu của quán giảm so với trước”.
Giảm món, giảm bàn
Ngoài khó khăn về nhân sự, chủ tiệm cà phê Vi Vu Rooftop (quận Bình Thạnh) cho biết quán còn phải chật vật tìm nguồn cung nguyên liệu mới; sửa chữa, thay mới nội thất và phần trang trí quán.
"Nhiều khách đến đây rất thích chụp hình nên quán cũng phải làm mới lại không gian, bàn ghế cũng phải thay thế do hư hỏng nặng sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh".
Tuy nhiên, theo chủ quán khó khăn lớn nhất ở thời điểm hiện tại là quy định đóng quán trước 21h và cấm phục vụ đồ uống có cồn.
"Trước dịch, quán mở cửa đến quá nửa đêm và khách thích ngồi buổi tối để vừa mát mẻ, vừa ngắm cảnh đêm thành phố và thưởng thức loại cocktail đặc trưng của quán. Nhưng hiện tại, chúng tôi phải mở cửa sớm hơn và buộc lòng mời khách về từ lúc 21h theo đúng quy định", chủ quán cho hay.
Tương tự, anh Phát, chủ tiệm ốc Phát (trên đường Vĩnh Khánh, quận 4) cho biết trong thời gian đầu mở cửa trở lại, quán nhậu của anh gặp rất nhiều khó khăn.
"Phấn khởi vì được bán lại sau 5 tháng nghỉ dịch, nhưng cũng hơi buồn vì vẫn còn nhiều hạn chế như quy định cấm bia rượu, khiến việc buôn bán chưa suôn sẻ".
Việc nhập nguyên liệu khó khăn, đắt đỏ hơn, song phần lớn các món ăn trong menu đều phải hạ giá để vừa với túi tiền của khách hàng trong thời kỳ khó khăn kinh tế.
Bên cạnh đó, quán nhậu này cắt giảm số bàn từ 60-70 xuống còn 30-35. Menu cũng phải bỏ bớt nhiều món, chỉ tập trung vào ốc, hải sản.
"Chỉ hy vọng giai đoạn khó khăn này sớm qua đi. Không biết bao giờ mới lại ổn định được việc buôn bán như trước dịch", chủ tiệm ốc nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quan-an-o-tphcm-giam-mon-ha-gia-vi-thieu-nhan-vien-post1276270.html