Quân bài tẩy giúp Hodeco tự tin tăng lãi gấp 6 lần
Hodeco đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 424 tỷ đồng năm 2025, tăng 633% so với thực hiện năm ngoái. Cơ sở nào để doanh nghiệp địa ốc này đặt mục tiêu 'khủng'?
Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco) vừa hoàn tất ký kết hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng 24,1 triệu cổ phần, tương đương 37,3% vốn điều lệ tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và giải trí Đại Dương Vũng Tàu. Bên nhận chuyển nhượng là Công ty CP Tư vấn đầu tư và thương mại Tân Cương.
Giao dịch được ký kết ngày 29/4/2025. Sau chuyển nhượng, Hodeco tiếp tục nắm giữ khoảng 10% cổ phần tại doanh nghiệp này. Hai lãnh đạo chủ chốt - ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch HĐQT và ông Lê Viết Liên, Tổng giám đốc - được ủy quyền tiếp tục thực hiện các thủ tục liên quan.
Công ty Đại Dương Vũng Tàu hiện là chủ đầu tư dự án Khu du lịch Đại Dương quy mô gần 20 ha, tọa lạc gần trung tâm TP. Vũng Tàu. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.500 tỷ đồng và được xem là một trong những trọng điểm phát triển du lịch – nghỉ dưỡng của khu vực trong giai đoạn tới.
Kỳ vọng tăng trưởng đột biến
Giao dịch diễn ra trong bối cảnh Hodeco đặt mục tiêu kinh doanh năm 2025 với mức tăng trưởng vượt trội so với kết quả thực hiện năm trước, bất chấp bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều bất ổn.
Theo kế hoạch kinh doanh vừa công bố, doanh thu năm 2025 dự kiến đạt 1.459 tỷ đồng, tăng hơn 256% so với mức thực hiện năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế được đặt ở mức 530 tỷ đồng, cao gấp gần sáu lần kết quả năm trước (89 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 424 tỷ đồng, tăng 634% so với năm 2024.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những con số này cần được nhìn nhận thận trọng, trong bối cảnh Hodeco không hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024. Doanh thu năm ngoái chỉ đạt 568 tỷ đồng, tương đương 34,2% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 67 tỷ đồng, bằng 15,8% mục tiêu năm.
Ban lãnh đạo Hodeco cũng thừa nhận những khó khăn trong năm nay, đặc biệt là tiếp cận vốn tín dụng khi các ngân hàng ngày càng siết điều kiện cho vay, yêu cầu hồ sơ và năng lực tài chính minh bạch hơn.

Phối cảnh dự án Chung cư Eco Home 1 được Hodeco khởi công cuối năm 2024. Ảnh Hodeco
Lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn cao so với khả năng chi trả của nhiều doanh nghiệp. Tình trạng nợ xấu gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, làm giảm niềm tin từ các tổ chức tín dụng khiến việc giải ngân vốn vay càng trở nên khó khăn.
Đặc biệt, rào cản pháp lý và cơ chế chính sách vẫn hiện hữu. Theo Hodeco, dù các luật mới như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực từ năm 2025, việc triển khai thực tế cần thêm thời gian để đồng bộ hóa các văn bản hướng dẫn và tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý lâu năm.
“Sự phức tạp trong thủ tục hành chính, chậm trễ trong phê duyệt dự án, và thiếu nhất quán trong thực thi chính sách vẫn là thách thức lớn, làm tăng chi phí và kéo dài thời gian triển khai dự án”, ông Lê Viết Liên, Tổng giám đốc Hodeco thừa nhận trong báo cáo gửi đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.
Dù vậy, ông Liên cũng nhấn mạnh: “Đi đôi với thách thức là cơ hội, trong khó khăn có thuận lợi. Do đó, chúng ta cần quyết tâm và nỗ lực hơn 100% sức lực để quyết tâm đạt được các mục tiêu và kế hoạch trọng tâm đặt ra trong năm 2025”.
Và cơ sở để Hodeco thực hiện mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2025 đến chủ yếu từ việc bán cổ phần Công ty CP Đầu tư xây dựng và giải trí Đại Dương Vũng Tàu, bán dự án chung cư Thống Nhất; bán sản phẩm dự án the Ngọc Tước và dự án The Light.
Soi tiềm lực tài chính của Hodeco
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 4.876 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là tài sản dở dang dài hạn (1.364 tỷ đồng) và hàng tồn kho (1.360 tỷ đồng), lần lượt chiếm 28% và 27% tổng tài sản.
Hodeco đang phân bổ nguồn vốn lớn vào các dự án đang triển khai như The Light City (910 tỷ đồng), khu biệt thự Trần Phú (94 tỷ đồng) và khu nhà ở phía Tây đường 3/2 (72,5 tỷ đồng).
Đến cuối năm 2024, Hodeco ghi nhận tổng nợ vay tài chính ở mức 1.598 tỷ đồng, tương đương 32% tổng tài sản. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm khoảng 74%, đạt 1.176 tỷ đồng. Công ty đã tất toán toàn bộ nợ trái phiếu còn lại trị giá 97,6 tỷ đồng trong năm qua, cho thấy nỗ lực kiểm soát rủi ro tài chính.
Tuy nhiên, báo cáo định kỳ của tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà Hodeco công bố hôm 28/3/2025 cho thấy tổng nợ phải trả ở mức 2.541 tỷ đồng, trong đó có 367 tỷ đồng là nợ khác chưa được chi tiết hóa.
Đáng chú ý, số dư tiền mặt cuối năm 2024 chỉ còn 15 tỷ đồng – giảm mạnh so với cuối năm 2023, và chiếm vỏn vẹn 0,3% tổng tài sản. Hệ số thanh toán tiền mặt ở mức 0,01 lần - ngưỡng rất thấp, cho thấy doanh nghiệp gần như không có dư địa vốn ngắn hạn để đối phó với các nghĩa vụ tài chính tức thời.
Trong một báo cáo phát hành cuối tháng 3, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá hệ số nợ vay của Hodeco ở mức cao và lưu ý rủi ro tiềm tàng từ một khoản phạt thuế trị giá khoảng 40 tỷ đồng, chưa được thuyết minh rõ trên báo cáo tài chính. Ngoài ra, tiến độ pháp lý chậm của các dự án - vốn là vấn đề phổ biến trong ngành bất động sản - cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch doanh thu và dòng tiền của công ty.
Dù vậy, với quỹ đất lớn, vị trí đắc địa và giá trị tích lũy trong danh mục hàng tồn kho, Hodeco vẫn có tiềm năng tạo ra dòng tiền mạnh nếu thị trường cải thiện và các dự án được tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong trung hạn.