Quân bài trong tay ông Trump có thể khiến nỗ lực của Nga ở Ukraine suy giảm mạnh

Nguồn dự trữ ngoại tệ của Liên bang Nga đang cạn kiệt, nhưng không có nghĩa Moskva sẽ hết tiền trong nay mai. Điều này phụ thuộc vào giá dầu khí trong khi đội ngũ của Tổng thống Mỹ đắc cử Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự sẵn sàng đối với kế hoạch tăng đáng kể sản lượng nhằm làm giảm giá dầu.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Pittsburgh, Pennsylvania, ngày 4/11/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Pittsburgh, Pennsylvania, ngày 4/11/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo hãng tin Al Jazeera, trong quá trình tranh cử, ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa việc chấm dứt cuộc chiến giữa Liên bang Nga và Ukraine trở thành trọng tâm trong các lời hứa về chính sách đối ngoại của mình.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng, vào ngày 28/11 vừa qua, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn ông Keith Kellogg, làm đặc phái viên giải quyết xung đột Nga - Ukraine, khiến vị tướng hồi hưu này trở thành một nhân vật quan trọng trong các kế hoạch của ông Trump.

Trước đó vào tháng 4/2024, ông Kellogg đã đồng soạn thảo một kế hoạch chiến lược giải quyết xung đột Nga - Ukraine với cựu quan chức chính phủ Mỹ Fred Fleitz, trong đó nói rằng Washington nên tổ chức đàm phán ngừng bắn giữa Liên bang Nga và Ukraine.

Kế hoạch được công bố bởi tổ chức tư vấn phi lợi nhuận America First Policy Institute (AFPI) thành lập năm 2021 bởi các cựu quan chức phục vụ trong chính quyền Trump 1.0, lập luận cho một chính sách chính thức của Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh bằng "lệnh ngừng bắn” và “thông qua đàm phán".

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để nước này có thể tự vệ trước Liên bang Nga, nhưng viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Kiev có tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Moskva hay không.

Trong khi đó, để thuyết phục Tổng thống Liên bang Nga Valadimir Putin tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ hoãn đơn xin gia nhập NATO của Ukraine. Ngoài ra, Nga có thể được giảm nhẹ một số lệnh trừng phạt, tùy thuộc vào việc nước này ký một thỏa thuận hòa bình với Ukraine.

Kế hoạch mà ông Kellogg là đồng tác giả cũng kêu gọi đánh thuế đối với doanh số bán năng lượng của Liên bang Nga để sử dụng cho mục đích tái thiết Ukraine.

Tướng về hưu Keith Kellogg, nguyên Cố vấn An ninh quốc gia, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington vào ngày 22/9/2020. Ảnh: Getty Images

Tướng về hưu Keith Kellogg, nguyên Cố vấn An ninh quốc gia, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington vào ngày 22/9/2020. Ảnh: Getty Images

Vấn đề là Moskva có đồng ý với kế hoạch này không bởi thực tế chiến trường cho thấy Moskva đang trên thế thắng.

Theo thông báo mới nhất do Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đưa ra ngày 1/12, lực lượng nước này đã kiểm soát được 2 khu dân cư Illinka và Petrivka thuộc vùng Donetsk, miền Đông Ukraine.

Tính chung, hãng tin Reuters cho biết hiện nay quân đội Liên bang Nga kiểm soát gần 20% lãnh thổ Ukraine còn theo dữ liệu từ nguồn mở, tốc độ tiến quân của Moskva ở vùng Donetsk trong 2 tháng qua là nhanh nhất kể từ tháng 3/2022.

Các Lực lượng của Liên bang Nga đang tiến gần tới Kurakhove và thị trấn Pokrovsk - nơi có mỏ than cốc duy nhất cung cấp cho ngành công nghiệp thép của Ukraine.

Dẫu vậy, Moskva không phải không có điểm yếu.

Theo ông Anders Aslund, một nhà kinh tế học người Thụy Điển chuyên nghiên cứu về các nước hậu Xô viết, “những thất bại vĩ mô của Liên bang Nga sẽ trở thành yếu tố then chốt vào năm tới, có lẽ khá sớm, mặc dù những điều này luôn khó dự đoán chính xác”.

Ông Anders Olofsgård, phó Giám đốc Viện Kinh tế chuyển tiếp Stockholm, đồng ý với quan điểm này.

Trả lời phỏng vấn báo The Kyiv Independent, ông Olofsgård cho biết: “Chi phí tài trợ cho chiến tranh của Liên bang Nga ngày càng đắt đỏ, với sản xuất quân sự trong nước đã đạt mức tối đa, lạm phát và tiền lương tăng vọt”.

Hệ quả, theo ông Olofsgård, là Liên bang Nga ngày càng dựa vào các đồng minh để có thiết bị quân sự và thậm chí là binh lính.

“Họ cũng dần cạn kiệt dự trữ ngoại tệ và càng gặp khó khăn kinh tế, họ càng phải dựa vào dự trữ để mở rộng chi tiêu quân sự”, ông Olofsgård nói thêm.

Tuy nhiên, theo ông Olofsgård, điều này không có nghĩa là Moskva “sẽ hết tiền ngay ngày mai”, mà sẽ “tùy thuộc vào giá dầu và khí đốt, hiệu quả và việc thực thi các lệnh trừng phạt cũng như năng lực và uy tín của chính sách kinh tế vĩ mô”.

Xem video nhà lãnh đạo Triều Tiên đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Andrei Belousov ngày 29/11/2024. Nguồn: Reuters

Trong nước, kinh tế Liên bang Nga rõ ràng đang gặp khó khăn.

Do chi tiêu quân sự liên tục gia tăng, thâm hụt ngân sách của Liên bang Nga đã lên tới 3.200 tỷ ruble (30 tỷ USD) trong năm 2023 và dự kiến đạt 3.100 tỷ ruble (29 tỷ USD) vào năm 2024.

Cũng vì chi tiêu quân sự liên tục gia tăng, kể từ năm 2023, lạm phát của Liên bang Nga so với cùng kỳ đã tăng mạnh, từ mức 2,3% của tháng 4/2023 lên 8,2% vào tháng 11/2024.

Lạm phát đã làm suy giảm sức mua của đồng ruble với tỷ giá giảm xuống còn 108 ruble/USD vào ngày 28/11, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022, thời điểm Liên bang Nga vừa triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine không được bao lâu.

Để kiềm chế lạm phát gia tăng, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đã nâng lãi suất từ 7,5% vào tháng 7/2023 lên 21% vào tháng 10/2024 - mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000.

Xem video cho thấy kho dầu Atlas tại vùng Rostov của Liên bang Nga đang bốc cháy dữ dội sau khi bị Ukraine tấn công vào đêm 28, rạng sáng 29/11/2024. Nguồn: Reuters

Một điểm đáng chú ý nữa là trong khi dầu khí là nguồn thu quan trọng của chính phủ Nga (đóng góp khoảng 30-50% ngân sách nước này trong thập kỷ trước) thì vào ngày 21/11, chính quyền Mỹ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với hàng chục ngân hàng của Liên bang Nga, bao gồm cả Gazprombank, ngân hàng xử lý các khoản thanh toán liên quan tới dầu khí của nước này.

Biện pháp trừng phạt này chắc chắn sẽ siết chặt nguồn thu của Liên bang Nga từ lĩnh vực dầu khí, trong khi đội ngũ của Tổng thống Mỹ đắc cử Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự sẵn sàng đối với kế hoạch tăng đáng kể sản lượng nhằm làm giảm giá dầu.

Hãng tin Reuters ngày 25/11 đưa tin rằng nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch này và sẽ triển khai trong vài ngày sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025.

Theo nhà phân tích chính trị Dmitry Oreshkin, tình trạng bất ổn kinh tế hiện tại của Liên bang Nga khó có thể giúp Ukraine tăng lợi thế trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng. Tuy nhiên, nếu ông Trump thành công trong việc giảm giá dầu và ngăn chặn việc Moskva lách các lệnh trừng phạt dầu mỏ, Ukraine sẽ có vị thế mạnh hơn.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Reuters/The Kyiv Independent/Al Jazeera)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/quan-bai-trong-tay-ong-trump-co-the-khien-no-luc-cua-nga-o-ukraine-suy-giam-manh-20241202114505380.htm