Quán bánh căn bên giếng làng Mũi Né
Quán bánh căn bên giếng làng Mũi Né của bà Hồ Thị Kim Loan (53 tuổi) tồn tại gần 20 năm qua, nay con dâu của bà tiếp nối giữ nghề, chiều nào cũng đông khách.
Quán bánh căn bên giếng làng Mũi
Bánh căn là món ăn truyền thống có từ lâu đời ở xứ biển Mũi Né, TP. Phan Thiết. Người dân xứ biển thường ăn bánh căn thay cơm vào buổi chiều. Quán bánh căn của bà Loan và con dâu Thùy Trang bắt đầu mở hàng vào lúc 3h chiều đến 7h tối ở bên giếng làng, cách chợ Mũi Né chừng 200 m. Thực khách phần đông là người dân địa phương, thỉnh thoảng có thêm khách du lịch.
Nguyên liệu chính làm bánh căn là bột gạo. Bột xay loãng được múc đổ vào từng khuôn trên lò than nóng, đậy kín sau ít phút sẽ chín. Bàn tay người ngồi trông lò thoăn thoát, cạy bánh liên tục, không để bánh cháy. Từng miếng bánh tròn trịa được cạy ra xếp từng cặp đặt lên dĩa. Mỗi dĩa thường là 5 cặp. Thực khách gắp bỏ vào tô có sẵn nước chấm, thưởng thức món ăn dân dã đậm đà của người xứ biển.
Ở đây bán bánh căn với giá bình dân. Bánh căn không đổ trứng, bán 10.000 đồng 5 cặp. Còn bánh căn đổ trứng vô thì 15.000 đồng. Còn nếu kèm thêm một cái trứng luộc nữa là một dĩa 20.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Thắm, thường đến ăn bánh căn tại quán cho biết, dân xứ biển cũng thích bánh căn này. Nó có hành, mỡ, hột vịt, rồi xoài, nước mắm, mùi vị rất là ngon, do vậy đi đâu ai cũng nhớ về món bánh căn Mũi Né. “Món bánh căn này đã có từ đời ông nội, đời cha, rồi tới hôm nay tới đời của mình, vẫn nhớ đến mùi vị bánh căn này. Thường ăn món bánh căn trước đã, rồi ăn những món khác sau”, bà Thắm nói.
Bà Nguyễn Thị Bảy, người dân Mũi Né cũng cho biết bà cũng là người mê bánh căn. Tuổi hơn 60, bà ăn khoảng 10 cái là no. Theo bà, cá, nước mắm, người ta làm đầy đủ chất, nguyên liệu đầy đủ nên mình chắm cái bánh vô ăn thấy ngon. “Gia vị của nó ngon, mấy du khách người Mỹ, Pháp… người ta cũng thường ghé tới ăn quán này”, bà Bảy cho hay.
Bà Hồ Thị Kim Loan, chủ lò bánh căn giếng làng Mũi Né kể, trước kia, ở khu vực giếng làng có một bà già từng ngồi bán. Còn bà Loan bán đủ thứ: vịt lộn, chả cuốn, mì quảng... Lúc bà già giải nghệ, bà Loan xin ngồi bán cho tới giờ. “Nay mình đã lớn tuổi, đang tập lại cho con dâu bán”, bà Loan cho hay.
Thùy Trang, con dâu bà Loan, cho biết làm bánh căn cũng đơn giản. Trước hết, ngâm gạo xay thành bột, rồi pha cho vừa bột, đổ nó nở bánh. Nếu lỏng quá nó sẽ không ngon, mà đặc quá nó cũng không ngon, phải vừa bánh mới ngon. Bánh màu vàng ai thích ăn trứng sống đổ vô nó sẽ có màu vàng, còn thích ăn bánh không với trứng luộc thì lấy bột không bỏ vào bánh sẽ màu trắng.
Nước chấm có nước cá kho, mắm nêm, nước mắm ớt chanh. Nếu pha lại ăn sẽ ngon hơn. Nhiều người không thích pha sẽ ăn mắm không. Khách du lịch thích ăn nước mắm với mắm nêm và cá pha vô. Còn dân Mũi Né thì người ta ăn hổn hợp, tức là ăn mắm nêm, cá kho, nước mắm đổ chung vào.
Cá thì thường cá trích, cá nục, nói chung cá nào vừa con là mình sẽ kho được. Cá ngừ cũng được, nhưng thường cá nục với cá trích. “Mắm, cá, thì em làm hằng ngày, không làm nhiều, không để lại. Cá ngày nào ra chợ mua ngày đó về nấu”, Trang nói.
Quán bánh căn của bà Loan tồn tại gần 20 năm bên giếng làng Mũi Né, được nhiều người biết đến. Bánh căn ăn rất lành, vì được làm từ gạo. Nước chấm cũng đơn thuần là nước mắm, nước cá kho. Cá tươi kho trong ngày nên tốt cho sức khỏe người dùng. Người già, người trẻ đều có thể ăn món này thay cơm. Người dân làng biển ăn hằng ngày vẫn không thấy ngán. Gần đây, khách du lịch đến Mũi Né cũng dần làm quen với món dân dã nơi xứ biển thân thương này.
Khải Nguyên