Mở cửa vào khung giờ tréo ngoe, khi đã quá giờ ăn trưa, nhưng cũng chưa đến giờ ăn chiều, nhưng quán bít tết Tín Hưng (quận 5, TP.HCM) lại luôn chật kín khách mỗi khi mở bán.
Tọa lạc trên đường An Dương Vương rộng lớn, nơi vốn nổi tiếng với những salon xe ôtô hoành tráng, quán Tín Hưng nằm lọt thỏm chính giữa, với chiều ngang chỉ khoảng 3 m. Tuy nhiên, ai đi ngang qua đây vào giờ quán hoạt động sẽ dễ dàng nhận ra vì quán tập trung rất đông người vào giờ mở cửa.
Nổi tiếng nhất tại đây là món bít tết, ăn kèm với tỏi, hoặc nui, hay mì Ý. Ngoài ra, quán còn phục vụ một số món ăn đặc trưng như chả đùm, thú linh chiên giòn với giá dao động từ 70.000 - 110.000 đồng/món. Thậm chí, nhiều người sành ăn còn kháo nhau rằng muốn ăn bít tết và chả đùm ngon nhất Sài Gòn thì phải đến Tín Hưng, nhưng phải đi trước 5h chiều.
Món bít tết tại đây là tâm huyết của vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Chi (70 tuổi). Theo bà, thịt bò được chọn làm bít tết phải là những miếng thịt ngon, chất lượng, và chỉ được nêm nếm hai loại gia vị là muối và tiêu nhằm "giữ được độ ngọt và béo nguyên bản của thịt bò". Sau đó, thịt bò mới được xử lý trên chảo nóng, chín đều lớp ngoài, nhưng còn hơi tái bên trong, dọn ra ăn cùng với nước chấm là nước tương, tương ớt, mù tạt hạt cải vàng, thêm ít ớt ngâm giấm và đồ chua.
Cũng theo lời bà Chi, quán khống chế số lượng món ăn bán ra mỗi ngày. Ví dụ, bít tết tỏi mỗi ngày chỉ làm 50 phần, bít tết khoai tây chiên là 70 phần, chả đùm khoảng 90-100 phần. Có sự khống chế số lượng như vậy, theo bà, là vì "thà làm ít mà chất lượng chứ không làm đại trà mà loãng hương vị".
Chính vì yếu tố quan trọng này mà những người sành ăn, đặc biệt là những người lớn tuổi, chính là khách hàng thường xuyên tìm đến quán để thưởng thức. Ông Hà Nhơn Sâm (65 tuổi, người ngoài cùng bên phải) và ông Huỳnh Sang (ngoài cùng bên trái) chính là những thực khách như vậy. Lặn lội từ quận 7 sang quận 5 để ăn bò, hai ông đều cùng quan điểm khi cho rằng: "Chính vì quán nhỏ, làm ít nên mới còn ngon, khác hẳn với những chỗ bít tết khác".
"Thưởng thức đúng điệu bít tết Tín Hưng thì phải kêu thêm đầu hành sống ngâm lạnh, chấm với chén nước chấm mù tạt trộn muối tiêu, nước tương. Khách quen ở đây biết ý thì có thể kêu thêm tóp mỡ bò", ông Sâm cho biết thêm.
Không chỉ người Việt yêu thích món ăn tại đây, mà người nước ngoài cũng đánh giá rất cao bít tết Tín Hưng. Ông Richard Schroeder (65 tuổi, đến từ Minnesota, Mỹ) cho hay: "Điều quan trọng nhất của món bít tết là chất lượng của thịt bò, và thịt bò tại đây có thể được xếp vào hàng khá cao cấp tại Mỹ, nơi vốn có rất nhiều chủng loại bít tết, từ rẻ tiền đến cao cấp".
Ngoài những nhóm bạn là đàn ông, một thành phần khách hàng lớn của quán là các gia đình có con nhỏ, thường xuyên ghé quán vào dịp cuối tuần để cùng thưởng thức bít tết. Tuy nhiên, các gia đình phải sắp xếp ghé quán vào thứ bảy, vì quán đóng cửa vào chủ nhật hàng tuần.
Ngoài ra, số lượng người đặt giao hàng tại quán cũng không phải là ít, khi không thể sắp xếp thời gian ghé quán vào khung giờ tréo ngoe buổi chiều.
Hiện tại, bà Ngọc Chi (ngoài cùng bên phải) không còn đứng bếp để nấu ăn nữa, mà chỉ phụ trách công việc tiếp nhận gọi món từ khách hàng và quản lý thu chi.
"Ngày xưa, chỉ từ một quán vỉa hè, vợ chồng tôi đã gầy dựng được thành cái quán đàng hoàng, cũng là nhờ thực khách gần xa ủng hộ. Cũng nhờ cái quán này mà tôi nuôi mấy đứa con ăn học thành tài", bà Chi tâm sự.
Luôn chật kín khách vào giờ mở cửa, mật độ khách hàng của Tín Hưng có lẽ là niềm mơ ước của hầu hết hàng quán ở Sài Gòn. Điểm trừ duy nhất của quán, có chăng, là không gian nhỏ hẹp, khách hàng phải đứng chờ để có bàn trống, hoặc thường xuyên phải ghép bàn. Ngoài ra, do không có chỗ để xe nên khách đến ăn phải giữ xe với giá 5.000 đồng/chiếc ở con hẻm gần đó.
Liêu Lãm