Quận Cầu Giấy: Bề dày lịch sử trường tồn cùng Kinh thành Thăng Long

Cầu Giấy là một vùng đất cổ xưa, với nhiều làng nghề truyền thống. Cùng với sự trường tồn, cổ kính của Kinh thành Thăng Long, vùng đất Cầu Giấy có một bề dày lịch sử rất đáng tự hào.

Quận Cầu Giấy là một trong những cửa ngõ quan trọng của Hà Nội, là nơi có làng Cót, thuộc một trong “Tứ danh hương: Mỗ-La-Canh-Cót” của đất kinh kỳ Thăng Long xưa, minh chứng cho một thời vang danh hiếu học và khoa bảng.

Quận nằm ở phía Tây của thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm, phía Đông giáp quận Đống Đa và quận Ba Đình, phía Nam giáp quận Thanh Xuân, phía Tây giáp quận Nam Từ Liêm.

Lịch sử hình thành

Theo lịch sử ghi lại, trước kia, Cầu Giấy là một phần của huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.

Từ năm 1831, thời nhà Nguyễn thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Sau giải phóng Thủ đô năm 1954 thuộc quận VI ngoại thành Hà Nội.

Đến năm 1961, Hà Nội mở rộng địa giới, xóa bỏ các quận, lập ra 4 khu phố nội thành và 4 huyện ngoại thành, từ đó huyện Từ Liêm được lập lại, gồm đất hai quận V và VI, dân cư sống tập trung tại các vùng như: Vùng Kẻ Bưởi (nay là Nghĩa Đô, Nghĩa Tân); Vùng Kẻ Vòng (nay là Dịch Vọng, Mai Dịch); Vùng Kẻ Cót-Giấy (nay là Quan Hoa, Yên Hòa); Vùng Đàn Kính Chủ (nay là Trung Hòa).

Ngày 22/11/1996, Chính phủ ra Nghị định 74-CP về việc thành lập quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy, thành lập và đổi tên một số phường thuộc thành phố Hà Nội.

Theo nghị định, quận Cầu Giấy được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 thị trấn Cầu Giấy, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch và 3 xã Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa thuộc huyện Từ Liêm.

Vì trùng tên với quận nên thị trấn Cầu Giấy phải đổi tên thành phường Quan Hoa. Do đó, quận gồm 7 đơn vị hành chính trực thuộc là: Quan Hoa, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Dịch Vọng, Yên Hòa và Trung Hòa.

Sau khi điều chỉnh, hiện nay quận Cầu Giấy có 8 phường gồm Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Mai Dịch, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Quan Hoa, Trung Hòa, Yên Hòa.

Văn hóa và di tích lịch sử

Vùng đất Cầu Giấy xưa ngăn cách với nội thành Thăng Long bằng dòng sông Tô Lịch.

Trục đường từ cửa phía Tây của thành Thăng Long, băng ngang qua sông Tô Lịch để đi lên xứ Đoài (Sơn Tây) xưa chính là tiền thân của tuyến đường Cầu Giấy ngày nay. Cây cầu bắc qua sông Tô Lịch ngày ấy được mang tên Cầu Giấy.

Chùa Hà. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)

Chùa Hà. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)

Văn bia "Trùng tu Tô Giang kiều bi ký" do Bùi Văn Trinh1 viết, dựng năm Vĩnh Trị thứ tư (1679), bản dập còn lưu tại Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam, miêu tả như sau:

"Cầu dài 15 gian như cánh nhạn vút qua trời Thu hòa cùng non cao nước biếc, như cầu vồng ôm vòng dải Ngân Hà, một gác cao tỏa chiếu ánh hồng thịnh vượng, rực rỡ, thanh thoát. Trụ cầu vững vàng giữa dòng, đi trên ván khác nào dẫm nơi đất bằng... Xã Thượng Yên Quyết là thắng cảnh có cầu nổi tiếng ở sông Tô. Phía Đông cầu tiếp cận với kinh thành tụ hội văn vật, thuyền xe sum vầy. Phía Tây cầu núi Tản mờ xa, dáng vẻ lạ kỳ, anh linh hiển ứng. Dòng nhị thủy vòng phía Bắc đi về. Miếu thần phía Nam phù cho dân trong hạt phồn vinh. Bên cầu khách vui chén tạc chén thù. Trên đường người qua lại tấp nập. Thật là nơi ngoại ô lớn thông suốt bốn phương, năm ngả với đường thiên lý..."

Cầu Giấy là một vùng đất cổ xưa, với nhiều làng nghề truyền thống. Cùng với sự trường tồn, cổ kính của kinh thành Thăng Long, vùng đất Cầu Giấy có một bề dày lịch sử rất đáng tự hào.

Cái tên Cầu Giấy bắt nguồn từ nghề làm giấy của cả một vùng Bưởi thủa xa xưa. Mỗi làng chuyên làm một loại giấy. Làng Yên Hòa làm giấy thô, giấy gió, làng An Thái làm giấy bản, giấy lệnh, làng Nghĩa Đô làm giấy sắc phong.

Ngoài ra Cầu Giấy còn có nhiều làng nghề khác, có những cái tên rất quen thuộc với người dân Hà Nội như Làng Vọng (Dịch Vọng Hậu) nổi tiếng với nghề làm cốm, Làng Giàn có nghề làm hương, Làng Nghĩa Đô (làng Nghè) chuyên sản xuất kẹo mạch nha… như ca dao xưa từng nhắc:

Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
Kìa giấy Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
Đầu chợ Bưởi có điếm cầm canh
Người đi kẻ lại như tranh họa đồ
Cổng chợ có miếu thờ vua
Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên
Chùa Thiên Niên có cây vọng cách
Chùa Bà Sách có cây đa lông
Cổng làng Đông có cây khế ngọt
Con gái Kẻ Cót thì đi buôn xề
Con trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa
An Phú nấu kẹo mạch nha
Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua
Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê.

Không chỉ các làng nghề, người dân Cầu Giấy còn có truyền thống hiếu học, với người người học giỏi đỗ cao. Làng Giấy (Thượng Yên Quyết) từng có 9 tiến sỹ, làng Cót (Hạ Yên Quyết) cũng có 9 tiến sỹ, làng Nghĩa Đô (làng Nghè) 3 tiến sỹ, cử nhân tú tài thì lên đến hàng trăm người.

Trên địa bàn quận có nhiều di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng. Tại Nghĩa Đô có đền thờ Tướng quân Trần Công Tích và miếu thờ hai chị em họ Lê có công giúp vua Lê Đại Hành phá quân Tống (Năm 981). Chùa Dụ Ân ở Bái Ân (Nghĩa Đô) là nơi tu hành và dạy học của vị tông thất nhà Lý là Lý Công Ẩn (tiêu biểu nhất trong số các học trò của cụ là Anh hùng Dân tộc Lý Thường Kiệt).

Ở Dịch Vọng Tiền (nay là phường Quan Hoa) có chùa Hoa Lăng thờ mẹ của thiền sư Từ Đạo Hạnh, người đã có công dạy dỗ, nuôi dưỡng vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn).

Ở phường Dịch Vọng có Chùa Hà là di tích lịch sử văn hóa - cách mạng; phường Quan Hoa có di tích cách mạng gia đình cụ Hai Nhã, gia đình cụ Tạ Đình Tán ở Dịch Vọng là cơ sở đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội...

Chùa Hà

Người Hà Nội vẫn thường nói với nhau rằng muốn cầu công danh tài lộc thì lễ phủ Tây Hồ, cầu xin bình an thì đến chùa Trấn Quốc, còn cầu xin tình duyên thì đến chùa Hà.

Nằm trong một khoảng công gian rộng và thoáng đãng, với khuôn viên rộng rãi, chùa Hà, ngôi chùa có lịch sử từ thế kỷ thứ 6 này trở thành nơi ghé thăm của rất nhiều phật tử và khách du lịch.

Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất của ngôi chùa là nơi này đã trở thành chốn cầu duyên thu hút rất nhiều bạn trẻ, dù rằng chùa không hề thờ bất cứ một nhân vật nào có điển tích liên quan đến tình yêu.

Ngoài ra, kiến trúc cổ kính và không gian mát rượi, tĩnh lặng của ngôi chùa cũng khiến cho du khách cảm thấy tâm hồn thư thái, yên ả, tách biệt hẳn với phố phường tấp nập ngoài kia.

Làng Vòng

Làng Vòng trước có tên là thôn Hậu, thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng Vòng được biết đến với đặc sản cốm Vòng nổi tiếng bao đời nay.

Làng Vòng. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)

Làng Vòng. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)

Không ai rõ nghề làm cốm Vòng bắt đầu từ bao giờ. Các bậc cao nhân trong làng vẫn kể lại một truyền thuyết, đó là vào một mùa Thu từ nhiều thế kỷ trước, khi lúa bắt đầu uốn móc câu thì thiên tai ập đến, mưa to, đê vỡ, toàn bộ ruộng vườn bị nhấn chìm.

Không còn gì ăn, người làng Vòng đành lội nước cắt những bông lúa còn non về rang khô để dành ăn dần. Không ngờ món ăn tưởng chừng như tạm bợ ấy lại có hương vị thơm ngon vô cùng và được tiếp tục lưu truyền cho đến ngày nay.

Cốm Vòng đã trở thành một cái gì đó rất Hà Nội, là nguyên liệu cho chiếc bánh cốm xanh mướt đưa các cô gái bước chân vào nhà chồng, là quà tặng cho khách phương xa, thành hương mùa Thu, thành nỗi nhớ quê của người Hà Nội…

Đến nay, làng đã lên thành phố, làng Vòng không còn nhiều người làm cốm nữa, những công đoạn làm cốm cũng đã được hiện đại hóa rất nhiều.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người con của đất làng Vòng mong muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông, để hương cốm vẫn thoang thoảng đâu đó trong mỗi con đường, góc phố của ngôi làng cổ kính này.

Cầu Giấy hôm nay

Ngày nay, Cầu Giấy đã thay đổi rất nhiều. Kể từ khi Hà Nội mở rộng về phía Tây, Cầu Giấy là quận nội thành với kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng văn minh hiện đại.

Cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy) là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô với tổng mức đầu tư 560 tỷ đồng, tổng chiều dài 278m, rộng 16m, khánh thành ngày 28/8/2020. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Cầu vượt nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy) là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô với tổng mức đầu tư 560 tỷ đồng, tổng chiều dài 278m, rộng 16m, khánh thành ngày 28/8/2020. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Cây cầu cổ kính dài 15 gian xưa đã trở thành một chiếc cầu ximăng hiện đại kiên cố. Con đường lên xứ Đoài xưa giờ chạy xuyên qua một vùng đô thị tấp nập, với rất nhiều chợ, cửa hàng trong những khu dân cư sầm uất, những trung tâm thương mại, trụ sở cơ quan lớn, với tuyến đường sắt trên cao đang trong giai đoạn hoàn thiện, với những công viên cây xanh, khiến vùng đất ven đô ngày nào giờ đã thay đổi hoàn toàn.

Cầu Giấy cũng là nơi tọa lạc của nhiều ngôi trường lớn như Học viện Báo chí và Tuyên truyền,Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội Đại học Công nghệ, Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Học viện Múa Việt Nam, Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Thương mại, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân, Trung tâm nhiệt đới Việt-Nga...

Nơi đây có những cái tên “top đầu” trong danh sách các trường Trung học Phổ thông của cả nước như trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội-Amsterdam,Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội,Trường Trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ-Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội...

Chợ Nhà Xanh

Hầu như các sinh viên trong khu vực đều biết đến chợ Nhà Xanh. Cách đây nhiều năm, chợ Nhà Xanh có thể được coi như một trung tâm thương mại mini cho các sinh viên có thể mua đủ mọi mặt hàng với giá cả hết sức phù hợp. Hiện tại, chợ Nhà Xanh vẫn là địa điểm thu hút đông đảo người đến mua sắm và ăn vặt.

Công viên Cầu Giấy

Công viên có không gian rộng rãi, chia làm ba khu chính là khu thể dục thể thao, khu vui chơi trẻ em và khu thư giãn. Với không gian thoáng đãng, thiết kế đẹp, khu vực này luôn thu hút hàng nghìn người đến dạo bộ, vui chơi, trượt patin cùng vô vàn hình thức giải trí khác giúp giải tỏa hết những mệt mỏi sau một tuần làm việc vất vả.

Công viên Nghĩa Đô. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)

Công viên Nghĩa Đô. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)

Công viên Nghĩa Đô

Công viên Nghĩa Đô với những cây xanh lớn, với hồ nước mát rượi và bầu không khí trong lành là một trong những “lá phổi” rất cần thiết của thủ đô, cũng như là địa điểm thư giãn yêu thích của nhiều người dân. Đặc biệt, không gian rộng rãi cùng bãi cỏ xanh bạt ngàn khiến nhiều gia đình lựa chọn nơi này làm nơi cắm trại, như một điểm picnic lý tưởng ngay giữa lòng Hà Nội.

Bảo tàng Dân tộc học

Có những thời điểm, nhịp sống hối hả khiến nhiều người Hà Nội xao lãng đi những giá trị văn hóa trong đời sống hàng ngày, quan tâm đến những bảo tàng, triển lãm tranh…

Và do đó, sự ra đời của Bảo tàng Dân tộc học vào năm 1997 đã thổi một luồng gió mới cho món ăn tinh thần của người dân Hà Nội. Hình thức trải nghiệm tại chỗ mới lạ cùng không gian rộng lớn đã khiến nơi này lập tức trở thành địa điểm hút khách trong dịp cuối tuần, đặc biệt là các hộ gia đình, giúp các em nhỏ có cơ hội tìm hiểu văn hóa dân tộc một cách trực quan và sinh động nhất.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là bảo tàng cấp quốc gia, đầu hệ trong hệ thống các bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam. Nơi này được thành lập nhằm lưu trữ các giá trị thiên nhiên của Việt Nam với nhiều loài động vật phong phú được sắp xếp khoa học.

Công viên Cầu Giấy. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)

Công viên Cầu Giấy. (Ảnh: Huy Khánh/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/quan-cau-giay-be-day-lich-su-truong-ton-cung-kinh-thanh-thang-long/888360.vnp