Quan chức Fed cảnh báo thuế quan sẽ đẩy lạm phát Mỹ đi lên
Các quan chức Fed cho rằng giá cả tăng cao là do thuế nhập khẩu của Mỹ tăng lên, tuy vậy cần kiên nhẫn trước khi đưa ra quyết định lãi suất nếu chưa xác định được cú sốc lạm phát sẽ là thoáng qua hay dai dẳng hơn.
Sẽ cần thêm thời gian để đánh giá tác động thuế quan
"Một điều chúng tôi nghe được là nhiều tác động của thuế quan cho đến nay thực sự vẫn chưa được phản ánh qua các con số. Có rất nhiều hành động dự liệu trước, tích lũy hàng tồn kho và tất cả những thứ tương tự như vậy. Và chúng tôi đang nghe ngày càng nhiều từ doanh nghiệp rằng những chiến lược đó ... đang bắt đầu phát huy tác dụng", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, chia sẻ bên lề một hội nghị diễn ra tại bang Florida vào ngày 20/5.
"Nếu các kế hoạch tiền thuế quan này đã đi đến hồi kết, chúng ta sắp thấy một số thay đổi về giá cả, và sau đó chúng ta sẽ thấy người tiêu dùng sẽ phản ứng như thế nào với điều đó", ông Bostic lưu ý.
Ông Bostic hiện cho rằng Fed sẽ phải chờ lâu hơn để nhận diện rõ ràng về hướng đi của nền kinh tế Mỹ và thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với lãi suất.
"Chúng ta nên chờ xem nền kinh tế sẽ đi về đâu trước khi thực hiện bất kỳ điều gì chắc chắn", ông Bostic nhấn mạnh. Chủ tịch Fed tại chi nhánh Atlanta cho rằng Fed sẽ chỉ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm nay, ở mức 0,25 điểm phần trăm, và chờ đợi nhiều tháng để xem tác động từ các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump trở nên rõ ràng.
"Tôi nghĩ hành động tốt nhất mà chúng ta có thể thực hiện là ngồi yên và thực sự thận trọng xem xét dữ liệu, tương tác với cộng đồng của chúng ta, lắng nghe những gì họ đang nghĩ đến, lắng nghe những lựa chọn mà họ đang thực hiện và xem tất cả những điều đó kết hợp với nhau như thế nào", Chủ tịch Fed tại chi nhánh Cleveland Beth, bà Hammack, khuyến nghị.

Theo Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4/2025 đã tăng 0,2% theo mùa, đưa tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng lên 2,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Ảnh: AFP
Cho đến nay, tác động chính từ các chính sách của Tổng thống Trump được phản ánh rõ qua kết quả các cuộc khảo sát tâm lý cho thấy các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ ít tự tin hơn về triển vọng kinh tế và kỳ vọng lạm phát cao hơn.
Phát biểu trên kênh truyền hình Bloomberg, ông Stephen Miran, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, đã phản đối quan điểm rằng mức thuế quan mà chính quyền Tổng thống Trump áp dụng cho đến nay và có khả năng được áp dụng trong những tuần tới sẽ gây ra lạm phát đáng lo ngại.
"Chúng tôi đã áp dụng mức thuế quan kể từ ngày đầu tiên của chính quyền này", ông Miran cho biết, nhưng "không gây ra tác động thực sự có ý nghĩa nào đối với lạm phát", với các báo cáo chỉ số giá tiêu dùng gần đây yếu hơn dự kiến.
Trong khi đó, các quan chức Fed và giới phân tích cho rằng tác động thuế quan vẫn chưa thực sự ngấm vào nền kinh tế Mỹ.
Về phía doanh nghiệp, Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới và là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn từ Trung Quốc, tuần trước lưu ý rằng giá cả sẽ tăng. "Chúng tôi có thể kiểm soát những gì chúng tôi có thể kiểm soát", Giám đốc điều hành Walmart Doug McMillon cho biết trong cuộc họp công bố lợi nhuận của công ty.
Ông McMillon cho biết, ngay cả việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30% như chính quyền Tổng thống Trump gần đây đã làm khi bãi bỏ mức thuế 145% quá cao, chúng cũng "sẽ dẫn đến giá cả tăng cao hơn".
Cảnh giác với lạm phát
Fed đã giữ nguyên lãi suất cơ bản trong ngưỡng từ 4,25 - 4,50% kể từ tháng 12 năm ngoái, nhưng cơ quan này nhận thấy sẽ vẫn khó có thể dự đoán được nền kinh tế Mỹ sẽ đi về đâu cho đến khi vấn đề thuế quan và các chính sách khác được giải quyết dứt điểm.
Trong các bình luận gửi đến Câu lạc bộ Kinh tế Minnesota vào ngày 19/5, Chủ tịch Fed tại chi nhánh St. Louis, ông Alberto Musalem, đã kêu gọi Fed trước hết cần phải cảnh giác trước sự gia tăng kỳ vọng lạm phát và chìa khóa cho nỗ lực đó sẽ là đánh giá xem liệu các đợt tăng giá sắp tới có vẻ như chỉ là tăng một lần hay có nguy cơ biến thành thứ gì đó dai dẳng hơn.
Các kế hoạch thuế quan của Mỹ có thể đã được thu hẹp, nhưng "có vẻ như vẫn có khả năng tác động đáng kể đến triển vọng kinh tế trong ngắn hạn", với "những tác động trực tiếp một lần đến giá hàng hóa cuối cùng nhập khẩu, những tác động gián tiếp đến giá hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước, và có thể là những tác động vòng hai đến lạm phát", ông Musalem cảnh báo.
Hơn nữa, việc xác định trước rằng những tác động đó sẽ tự biến mất "có nguy cơ đánh giá thấp mức độ và tính dai dẳng" và tạo ra nhiều vấn đề lạm phát hơn trong tương lai, theo Chủ tịch Fed tại St. Louis.