Quan chức Mỹ loại trừ lệnh cấm thị thực đối với công dân Nga
Một quan chức Mỹ cho rằng việc việc cấm thị thực đối với tất cả người Nga không phải là một biện pháp hiệu quả.
Theo kênh truyền hình RT, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Dozhd TV phát sóng ngày 3/9, ông John Kirby - Điều phối viên truyền thông chiến lược thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - cho biết Washington sẽ không hạn chế thị thực đối với tất cả người Nga.
Theo ông Kirby, trước đó, Mỹ đã đưa ra các hạn chế về thị thực đối với một số cá nhân người Nga mà họ coi là có liên quan. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng quy trách nhiệm cho tất cả người Nga là một biện pháp không hiệu quả, vì Mỹ không thể đưa ra một quyết định mà có nguy cơ trở thành một cuộc chiến với toàn thể nhân dân Nga.
Trong một diễn biến liên quan, theo hãng Reuters, Nga đã đề nghị Mỹ cấp thị thực cho phái đoàn gồm 56 thành viên, do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu, tới New York tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 77 trong tháng 9, song tới nay vẫn chưa nhận phản hồi từ phía Washington.
Trong bức thư gửi Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 2/9, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho biết thông tin trên là “đáng báo động” do trong vài tháng qua, Mỹ liên tiếp từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho một số đại biểu Nga tham dự các sự kiện khác của LHQ.
Trong khi đó, người phát ngôn LHQ Eri Kaneko thông báo Tổng Thư ký Guterres cùng các quan chức cấp cao khác của LHQ đang liên lạc chặt chẽ với Mỹ và Nga liên quan tới vấn đề thị thực.
Ngày 31/8, ngoại trưởng của 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đình chỉ thỏa thuận đơn giản hóa thị thực đối với Nga, đồng nghĩa với việc giảm số lượng thị thực được cấp và khiến việc xin thị thực trở nên khó khăn hơn. Các thông tin cụ thể hơn vẫn chưa được công bố, nhưng rõ ràng rằng việc ban hành lệnh cấm sẽ dẫn đến quá trình làm thủ tục khó khăn hơn, lâu hơn và tốn kém hơn cho người Nga để có được thị thực Schengen.
Ba Lan và 3 nước Baltic cho biết đang cân nhắc việc cấm du khách Nga nhập cảnh nếu EU không có lệnh cấm thị thực. Trong một tuyên bố chung, Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva - những nước giáp giới với Nga - cho rằng bước đi cần thiết đầu tiên là đình chỉ thỏa thuận về việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực giữa EU và Nga năm 2007.