Quan chức Mỹ - Trung sắp gặp ở Geneva để 'phá băng' căng thẳng thương mại

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Trưởng đoàn đàm phán thương mại Jamieson Greer sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Geneva, Thụy Sĩ vào cuối tuần này để đàm phán nhằm phá vỡ hàng rào thuế quan.

Chờ đợi tín hiệu tích cực

Theo hãng tin Reuters, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ xác nhận ông Greer và ông Bessent sẽ cùng đến Geneva vào ngày 8/5, đồng thời có cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter bàn về các cuộc đàm phán thương mại song phương.

Các container hàng hóa Trung Quốc tại cảng Los Angeles, thành phố San Pedro, bang California, Mỹ (Ảnh: Reuters).

Các container hàng hóa Trung Quốc tại cảng Los Angeles, thành phố San Pedro, bang California, Mỹ (Ảnh: Reuters).

"Cuộc gặp này sẽ nhằm mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng. Chúng tôi đều hiểu không thể duy trì tình trạng hiện tại. Mức thuế 145%, 125% chẳng khác nào lệnh cấm vận. Điều chúng tôi mong muốn là thương mại công bằng", Bộ trưởng Bessent chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trong chương trình The Ingraham Angle của kênh Fox News tối 6/5.

Sau tuyên bố từ phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận, Bắc Kinh đồng ý tái khởi động đối thoại với Washington.

Tổng thống Trump tuyên bố khả năng giảm thuế với Trung QuốcĐỌC NGAY

"Trên cơ sở cân nhắc đầy đủ kỳ vọng toàn cầu, lợi ích của Trung Quốc, cũng như những đề xuất từ ngành công nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, Trung Quốc quyết định tái kết nối với Mỹ", theo thông cáo từ Trung Quốc.

Cuộc gặp trên diễn ra sau nhiều tháng căng thẳng leo thang, trong đó mức thuế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng vượt mốc 100%. Đây là lần đầu tiên quan chức cấp cao hai nước gặp mặt trực tiếp kể từ khi Thượng nghị sĩ Mỹ Steve Daines hội đàm với Thủ tướng Lý Cường tại Bắc Kinh hồi tháng 3.

Hai nguồn tin cho hay, tại cuộc gặp sắp tới, Bắc Kinh và Washington dự kiến thảo luận về giảm bớt thuế quan nói chung.

Bên cạnh đó, nội dung đàm phán còn bao gồm loại bỏ thuế đối với một số mặt hàng cụ thể, chính sách de minimis liên quan đến mức giá trị tối thiểu của hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu hoặc thủ tục hải quan của Mỹ và danh sách kiểm soát hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ của Washington.

Những hệ lụy từ việc áp thuế cao của Mỹ

Thời gian qua, cả Mỹ và Trung Quốc liên tục có những động thái đáp trả về thuế quan, khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo và chuỗi cung ứng đảo lộn.

Dù vậy, gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng nhóm phụ trách thương mại của ông đưa ra nhiều tín hiệu trái chiều về tiến độ đàm phán với các đối tác thương mại lớn, trong bối cảnh các nước đang nỗ lực đạt thỏa thuận để tránh áp thuế nặng từ Mỹ.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế cao với nhiều quốc gia trên thế giới đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng tới thương mại toàn cầu (Ảnh: Getty Images).

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế cao với nhiều quốc gia trên thế giới đã gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng tới thương mại toàn cầu (Ảnh: Getty Images).

Kể từ khi công bố mức thuế 10% lên hầu hết các quốc gia vào ngày 2/4, ông Trump và các quan chức trong Nội các Mỹ đã tổ chức hàng loạt cuộc gặp với các đối tác thương mại. Mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực từ 9/7, trừ khi các bên đạt được các thỏa thuận song phương.

Ông Trump: Canada, Trung Quốc, Mexico không thể tránh đòn thuế quan từ MỹĐỌC NGAY

Đến thời điểm này, Washington đã áp thuế 25% với ô tô, thép và nhôm; 25% với Canada và Mexico; 145% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Nhiều mặt hàng khác bao gồm dược phẩm dự kiến cũng bị áp thuế trong những tuần tới. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách nâng thuế lên hàng hóa Mỹ ở mức 125%. Liên minh châu Âu hiện cũng chuẩn bị các biện pháp đối phó.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ ngày 6/5 công bố dữ liệu cho thấy thâm hụt thương mại trong tháng 3 đã tăng kỷ lục, do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa để tránh đợt thuế mới.

Thực trạng này đã góp phần kéo tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý I/2025 xuống mức âm lần đầu tiên trong ba năm qua.

Đáng chú ý, nỗ lực nhập khẩu thuốc nhằm né thuế đe dọa từ ông Trump đã khiến nhập khẩu dược phẩm tăng vọt. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lại thu hẹp đáng kể do các mức thuế cao đã kìm hãm mạnh dòng hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh.

Khánh An

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/quan-chuc-my-trung-sap-gap-o-geneva-de-pha-bang-cang-thang-thuong-mai-192250507091139954.htm