Quân chủng Hải quân tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ
Ngày 1/8, tại vùng biển Cửa Lục (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh), Quân chủng Hải quân chủ trì phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và Nhân dân hy sinh trong trận chiến đấu lịch sử ngày 2 và 5/8/1964.
Tại Lễ tưởng niệm, Trung tướng, Chính ủy Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Bổng chia sẻ: “Trong giờ phút trang nghiêm và trọng thể này, chúng ta thành kính tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh trên khắp các chiến trường trong đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc; nhất là những cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đã chiến đấu hy sinh trong trận đánh ngày 2 và 5/8/1964 chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng trận đầu oanh liệt của bộ đội Hải quân, Phòng không Không quân và quân dân miền Bắc”.
Cách đây 60 năm, nhằm cứu vãn sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng Không quân và Hải quân - nơi mà chúng cho là “gốc rễ”, là hậu thuẫn của cách mạng miền Nam, để triệt tiêu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam; hòng làm nhụt ý chí quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta.
Từ tháng 3/1964, Mỹ cho tàu khu trục tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam vừa trinh sát, vừa thăm dò ta và làm hậu thuẫn cho hải quân ngụy đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu 4.
Ngày 31/7/1964, ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, tàu khu trục Ma-đốc tiến mạnh về phía Bắc, xâm phạm nghiêm trọng hải phận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, vừa do thám, vừa đe dọa uy hiếp các tàu đánh cá của ngư dân ta.
Ngày 5/8/1964, chúng huy động 64 lần chiếc máy bay hiện đại của Hạm đội 7, chia làm nhiều tốp tấn công gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu thuyền của Hải quân ta dọc ven biển từ Sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy, Hòn Gai (Quảng Ninh), hòng tiêu diệt lực lượng Hải quân ta, mở đầu cho kế hoạch phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc.
Tại Quảng Ninh, ngày 5/8/1964, lực lượng không quân Mỹ bay từ hướng biển Long Châu vào ném bom, bắn rốc-két tấn công tác tàu Hải quân ta đang neo đậu tại Cửa Lục. Các tàu Hải quân ta đã phối hợp với Tiểu đoàn Phòng không 217 và lực lượng phòng không của tự vệ, công an vũ trang, quân và dân tỉnh Quảng Ninh kiên quyết đánh trả, bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống Trung úy phi công An-vơ-rét.
Trong trận chiến đấu ngày 5/8/1964, Hải quân Việt Nam đã sử dụng hơn 20 tàu và các trạm ra đa... hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội Phòng không, công an vũ trang, dân quân tự vệ và nhân dân các tỉnh ven biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình) chiến đấu anh dũng đập tan cuộc tập kích bằng không quân của đế quốc Mỹ, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên miền Bắc nước ta.
Trong đó có 78 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh. Máu của các anh đã thấm đẫm, hòa quyện vào từng tấc đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, tô thắm lá cờ vinh quang của Đảng, của Tổ quốc, làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, làm rạng rỡ trang sử vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng. Đó là những tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hy sinh quên mình vì Tổ quốc, vì Nhân dân.
Chúng ta mãi mãi tự hào, ghi nhớ và biết ơn về những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình vì Tổ quốc như: Thuyền trưởng Tàu 336 Phạm Tự; hay Thuyền trưởng Tàu 187 Lê Văn Tiếu, khi một cánh tay bị dập nát, anh đã bình tĩnh dùng băng treo tay ngang ngực, tay còn lại vẫn nắm vững tay chuông điều khiển tàu cơ động đánh trả các đợt công kích của máy bay địch và đưa tàu về bến an toàn.
Cùng với bộ đội Hải quân và bộ đội Phòng không, chúng ta cũng luôn ghi nhớ, biết ơn về sự đùm bọc, giúp đỡ của rất nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên, lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình... đã dũng cảm xung phong, không sợ hiểm nguy, vượt sóng gió dưới mưa bom, bão đạn của địch để cứu chữa thương binh, tiếp đạn cho các tàu Hải quân chiến đấu.
Trận chiến đấu ngày 2 và 5/8/1964 đã lùi xa 60 năm, nhưng giá trị lịch sử cùng những bài học kinh nghiệm và những tấm gương chiến đấu dũng cảm của bộ đội Hải quân, Phòng không Không quân và quân dân miền Bắc vẫn luôn sống mãi với thời gian, là niềm tự hào của các thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.
Những năm qua, để tri ân, chia sẻ những đau thương mất mát với thân nhân các gia đình liệt sĩ, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, các địa phương và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân luôn chăm lo làm tốt công tác chính sách đối với thân nhân các gia đình liệt sĩ.
"Ngày hôm nay tại nơi các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống giữa biển trời sóng nước Hạ Long - nơi kỳ quan thiên nhiên thế giới; trong không khí trang nghiêm và trọng thể này, trước anh linh các anh hùng liệt sĩ; trong niềm tin sắc son về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam Anh hùng, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân"- Trung tướng, Chính ủy Quân chủng Hải quân Nguyễn Văn Bổng xúc động cho biết.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-chung-hai-quan-tuong-niem-cac-anh-hung-liet-si.html