Quân dân đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Tại các vùng biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã trở thành 'điểm tựa' vững chắc của nhân dân. Các anh là người con của làng biển, người thầy thuốc mang quân hàm xanh; chiến sĩ tuyên truyền văn hóa, phổ biến pháp luật, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Quân với dân đồng hành cùng nhau bảo vệ bình yên các vùng biển, đảo, biên cương của Tổ quốc.
Sinh sống ở khu vực biên giới biển, ông Huỳnh Hương (72 tuổi), ở phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi gắn bó với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phổ Quang như một quy luật tự nhiên. Thời trai trẻ, ông Hương theo nghiệp biển, những chuyện vui buồn, được mất xoay quanh con tàu, tấm lưới đều có sự chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Tuổi già, tay lưới, tay chèo mỏi mệt, lên bờ làm nông, ông được BĐBP tặng con giống, cây trồng chăn nuôi, sản xuất. Sự hỗ trợ đó đã giúp người nông dân tuổi ở bên kia sườn dốc tìm được lối đi mới để ổn định kinh tế gia đình. Ông Hương trải lòng: “Tôi và anh em Biên phòng quen biết nhau qua nhiều thế hệ. Mấy anh biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên thường giúp đỡ. Vài năm trước, anh em có cho tôi con bò nuôi để xóa đói, giảm nghèo. Nhờ giống bò “mắn” đẻ nên kinh tế gia đình tôi bây giờ khá hơn nhiều. Ơn bộ đội, tôi cố gắng dạy bảo con cháu chí thú làm ăn, chấp hành nghiêm pháp luật”.
Trên chuyến xe đi về cơ sở gặp gỡ bà con ngư dân phổ biến pháp luật, Đại tá Trương Quang Đảng, Chính ủy BĐBP Quảng Ngãi cho biết: “Xây dựng cơ sở chính trị, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong xây dựng “thế trận lòng dân”. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ngãi không chỉ là đội quân chiến đấu, mà còn là đội quân sản xuất "chất lượng cao". Mỗi chiến sĩ là một cán bộ khuyến nông, giúp nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thay đổi phương thức đánh bắt hợp lý, hiệu quả”.
Đưa tay về phía những con tàu xa bờ đang bán hải sản tại cảng cá Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, Đại tá Trương Quang Đảng trao đổi với niềm tự hào về quê hương mình: “Quảng Ngãi có đội tàu khai thác thủy sản hùng hậu với 5.565 chiếc; trong đó, tàu đánh bắt xa bờ chiếm hơn 60%. Ngư dân hằng ngày hiện diện ở khắp các ngư trường trong nước. Xác định mỗi ngư dân là “tai mắt” của lực lượng thực thi pháp luật, mỗi con tàu là “cột mốc chủ quyền” nên chúng tôi luôn tạo thuận lợi cho bà con ra biển làm ăn; tăng cường tuyên truyền để ngư dân hiểu biết và chấp hành nghiêm pháp luật”. Đại tá Trương Quang Đảng phân trần: “Ở Quảng Ngãi, khẩu hiệu “tàu là nhà, biển cả là quê hương” không chỉ để cổ động, mà là câu chuyện nặng lòng, luôn hiện hữu với bà con ngư dân”.
Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt khẳng định: “Ở đảo tiền tiêu này, BĐBP và nhân dân như “môi với răng”. Môi hở thì răng lạnh, nên chúng tôi đoàn kết, bao bọc nhau. Chính sự yêu thương ấy mà BĐBP vận động được người dân hiến đất xây dựng đường giao thông, bà con nghe BĐBP chấp hành pháp luật... tạo điều kiện cho địa phương thực hiện thắng lợi nhiều chính sách, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Nhân dân đồng hành cùng BĐBP trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở quê hương Hải đội Hoàng Sa”.
“Biển là nhà, là núm ruột của chúng tôi. Sau khi ra ngoài biển đánh cá đầy ghe, chúng tôi vô bờ bán. Ngày hôm sau, chúng tôi lấy lương thực, thực phẩm, đá lạnh đầy đủ ra bám biển, không để đối tượng xấu làm điều phi pháp”. Lời bộc bạch từ đáy lòng của thuyền trưởng Đặng Nhiều, ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi làm cho nhiều người có mặt tại cảng cá Tịnh Kỳ thấu hiểu tình yêu biển, đảo Tổ quốc của ngư dân nơi đây. Dù bất luận trong hoàn cảnh nào, họ cũng là người tiên phong cùng BĐBP trên tuyến đầu giữ biển.
Trời chiều buông ánh hoàng hôn, từng cơn gió thốc trên mặt biển làm chao đảo những chiếc tàu đang xuôi về bến cảng. Nắm chắc tay lái, ngư dân Phù Văn Giỏi, ở đảo tiền tiêu Lý Sơn, Quảng Ngãi điều khiển tàu lách qua từng con sóng tiến vào cập cảng cùng với 15 tấn cá đỏ khai thác ở ngư trường Hoàng Sa. Chuyến đi này mang về cho ông Giỏi và bạn thuyền gần 600 triệu đồng. Ngư dân Giỏi cho biết, sở dĩ ông có nhiều phiên biển thu lợi cao là nhờ sự giúp đỡ của BĐBP. Các anh luôn hỗ trợ ông tìm kiếm ngư trường, thông tin tình hình thời tiết...
Hơn 30 năm nối nghiệp cha bám biển, ngư dân Giỏi không chỉ hoàn thành khát vọng làm giàu, mà mỗi lần ra khơi, ông và bạn thuyền đều gắn trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên con tàu của mình. Người thuyền trưởng quê hương Hải đội Hoàng Sa thổ lộ về câu chuyện bám biển, giữ đảo: “Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống bảo vệ chủ quyền. Truyền thống ấy đã hun đúc trong tôi tình yêu biển, đảo. Học xong lớp 8, tôi nối nghiệp cha vươn khơi bám biển mưu sinh. Những năm tháng rong ruổi trên biển, tôi báo cho Đồn Biên phòng Lý Sơn nhiều tin về hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam của tàu thuyền nước ngoài. Năm 2014, tôi cùng bạn thuyền tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở vùng biển Hoàng Sa. Chúng tôi đã thực thi nhiệm vụ ròng rã 28 ngày trên biển”.
Hằng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, ngư dân ở các làng chài từ Bình Sơn, Sa Huỳnh đến Lý Sơn bắt đầu mở biển vươn khơi. Nhiều con tàu của ngư dân mãi mãi nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa vì những hành động tông va, cướp phá của tàu nước ngoài. Song, ở nơi vạn dặm xa xôi, ngư dân vẫn kiên trì, đồng hành cùng các lực lượng bám giữ phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Câu chuyện truyền đời, người lính mang quân hàm xanh với nhân dân khu vực biên giới là “anh em ruột thịt”. Đây cũng là lẽ thường tình. Dù không “máu mủ, ruột rà”, nhưng họ cùng sinh sống, lao động, công tác ở khu vực biên giới. Chính tấm lòng tận tụy của người lính Biên phòng đã gắn kết bền chặt nghĩa tình quân dân. Thương dân, mong bà con làm ăn giàu có, người lính Biên phòng mang về địa phương chương trình tập huấn tổng hợp, những kiến thức y học biển truyền đạt cho dân, từ đây, những vụ ốm đau, tai nạn xảy ra trên biển ngày càng thưa dần. “Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị Biên phòng trong tỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân ra vào làm ăn trên biển. Hướng dẫn ngư dân đăng ký tần số liên lạc để BĐBP bảo vệ tài sản, tính mạng cho bà con trong lúc thiên tai, sự cố” - Đại tá Trương Quang Đảng chia sẻ.
Có đi, có đến mới cảm nhận được hết nghĩa tình quân dân. Cái nắm tay trìu mến, nụ cười đôn hậu của nhân dân dành cho người lính Biên phòng đủ để thấy rằng, họ thương yêu, đùm bọc và sẵn sàng sẻ chia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo với BĐBP như thế nào.
Nghĩa tình quân dân sẽ còn nối dài như những đoàn tàu vươn khơi bám biển. Biên giới lòng dân sẽ được người lính Biên phòng xây dựng vững chắc. Để mỗi con tàu là một cột mốc và mỗi ngư dân là một người lính bảo vệ chủ quyền.