Quan điểm của Italy về các cuộc xung đột trên toàn cầu

Italy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ Ukraine nhằm duy trì 'cân bằng' trên chiến trường và cảnh báo việc leo thang xung đột hơn nữa ở Trung Đông có thể gây ra 'hậu quả không thể tưởng tượng được'.

Thủ tướng Italy đặt sự phát triển của châu Phi và AI vào trọng tâm nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên G7. Ảnh: ANSA

Thủ tướng Italy đặt sự phát triển của châu Phi và AI vào trọng tâm nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên G7. Ảnh: ANSA

Theo kênh truyền thông CGTN (Trung Quốc) ngày 5/1, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết chính phủ nước này sẽ tập trung vào châu Phi và trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên G7 của Rome trong năm nay.

Meloni cho biết tại cuộc họp báo ở Rome: “Tôi vô cùng lo ngại về tác động của [AI] đối với thị trường lao động”.

Italy đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của G7 (gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh và Italy) vào đầu tháng 1 năm nay.

Chính phủ nước này đã thông báo rằng hội nghị thượng đỉnh hàng năm của các nhà lãnh đạo G7 sẽ diễn ra ở miền Nam Italy vào tháng 6 tới. Thủ tướng Meloni cũng cho biết bà muốn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh riêng biệt tập trung đặc biệt vào AI.

Quan điểm của Italy về xung đột toàn cầu

Năm 2024, các nhà lãnh đạo G7 nỗ lực tìm cách ứng phó với cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine và cuộc chiến của Israel với Hamas ở Dải Gaza. Thủ tướng Meloni nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ Ukraine nhằm duy trì “cân bằng” trên chiến trường.

Về cuộc chiến ở Trung Đông, nhà lãnh đạo Italy lặp lại khẳng định rằng Israel "có quyền tự vệ". Tuy nhiên, bà cũng kêu gọi Chính phủ Israel bảo vệ mạng sống dân thường ở Gaza và cần phải tìm ra giải pháp lâu dài hơn cho vấn đề Palestine.

Bên cạnh đó, bà cảnh báo rằng việc leo thang xung đột hơn nữa ở Trung Đông có thể gây ra "hậu quả không thể tưởng tượng được".

Khởi động lại quan hệ thương mại với Trung Quốc

Italy đã rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc vào cuối năm ngoái, nhưng Thủ tướng Meloni cho biết bà có ý định "tái khởi động" quan hệ thương mại với Bắc Kinh vào năm 2024.

Italy trở thành quốc gia G7 đầu tiên và duy nhất tham gia BRI vào năm 2019 nhưng bà Meloni cho biết tư cách thành viên đã dẫn đến cán cân thương mại "kém thuận lợi" hơn cho quốc gia châu Âu này.

Về vấn đề di cư, một ưu tiên chính trị quan trọng của chính phủ liên minh cánh hữu ở Italy do bà Meloni lãnh đạo là cần các quy định mới tốt hơn của EU so với hệ thống trước đó. Tháng trước, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách chính sách di cư của EU.

Tuy nhiên, bà Meloni nói thêm rằng thỏa thuận sẽ "không giải quyết" những thách thức do di cư đặt ra và kêu gọi "đầu tư chiến lược" vào châu Phi.

Thủ tướng Meloni nêu rõ: “Điều tôi nghĩ cần phải làm ở châu Phi không phải là từ thiện mà là xây dựng sự hợp tác và các mối quan hệ chiến lược nghiêm túc và bình đẳng nhằm thúc đẩy nền kinh tế và mức sống của người châu Phi để ngăn cản những người di cư đến châu Âu".

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, hơn 150.000 người di cư đã đến Italy bằng đường biển vào năm ngoái, con số hàng năm cao nhất kể từ năm 2016.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo newseu.cgtn.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/quan-diem-cua-italy-ve-cac-cuoc-xung-dot-tren-toan-cau-20240106004116187.htm