Quan điểm đột phá trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 30/4/2025, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật tại Việt Nam, xác định đây là 'đột phá của đột phá' trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết này được xem là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.

Theo Luật sư Lê Văn Khánh, Trưởng Văn phòng luật sư 118 - Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nghị quyết này đặt ra mục tiêu tổng quát cao về chất lượng và hiệu quả của hệ thống pháp luật, không chỉ dừng lại ở việc ban hành mà còn chú trọng đến hiệu quả thực thi.

Luật sư Lê Văn Khánh, Trưởng Văn phòng luật sư 118 - Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Luật sư Lê Văn Khánh, Trưởng Văn phòng luật sư 118 - Hà Nội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

Nghị quyết nêu rõ năm quan điểm chỉ đạo quan trọng, trong đó nhấn mạnh: Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại.

Cùng với đó gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, xây dựng văn hóa tuân thủ, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển, với cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội.

Còn theo PGS.TS. Trịnh Văn Tùng, Giảng viên cao cấp, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nghị quyết đề ra bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, bao gồm: Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng. Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.

Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm công bằng, nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật.

Bên cạnh đó tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Nâng cao vai trò của nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền

Một trong những điểm nhấn nổi bật của Nghị quyết 66-NQ/TW là việc khẳng định rõ vai trò trung tâm của nhân dân trong quá trình xây dựng và vận hành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, đồng thời là người trực tiếp thụ hưởng các thành quả phát triển.

Theo đó, nghị quyết nhấn mạnh việc “thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp”, từ đó góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

PGS.TS. Trịnh Văn Tùng, Giảng viên cao cấp, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

PGS.TS. Trịnh Văn Tùng, Giảng viên cao cấp, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Nội dung của Nghị quyết nhấn mạnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân là điều mà PGS.TS. Trịnh Văn Tùng đặc biệt tâm đắc. Nghị quyết khẳng định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Nghị quyết yêu cầu: Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Nhấn mạnh cần “phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân”. Thực hiện nhất quán quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm”.

Đặc biệt, nghị quyết đặt mục tiêu đề cao việc “lắng nghe phản ánh, kiến nghị, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương”.

Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, xây dựng Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”

Luật sư Lê Văn Khánh cho biết, Nghị quyết 66-NQ/TW xác định rõ, quyền con người không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực cho sự phát triển. Các chính sách, pháp luật trong tương lai sẽ phải tiếp tục được hoàn thiện theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực như tư pháp, hành chính, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Việc xây dựng cơ chế pháp lý bảo vệ người dân, đặc biệt trong môi trường số, cũng được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết để thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ. Nghị quyết 66-NQ/TW nhấn mạnh: mọi hoạt động của Nhà nước đều phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân, chịu sự giám sát của nhân dân và phục vụ nhân dân.

Luật sư Lê Văn Khánh nhấn mạnh việc nghị quyết coi trọng vai trò của người dân và doanh nghiệp, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ làm trung tâm trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật. Ông lý giải đây là sự cụ thể hóa sâu sắc nguyên tắc "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" theo Hiến pháp năm 2013.

Việc này giúp pháp luật có tính khả thi cao hơn, dễ đi vào cuộc sống và tăng cường sự đồng thuận xã hội, niềm tin vào pháp luật. Đồng thời, nó cũng là cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực, hạn chế "lợi ích nhóm" và các hành vi tiêu cực.

Nghị quyết 66-NQ/TW được tuyên truyền dưới nhiều hình thức

Nghị quyết 66-NQ/TW được tuyên truyền dưới nhiều hình thức

Để đáp ứng các yêu cầu của nghị quyết, đặc biệt là việc đặt người dân làm trung tâm, luật sư Lê Văn Khánh đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật: Nghiên cứu, dự báo sâu sắc hơn để pháp luật phù hợp thực tiễn và có tầm nhìn dài hạn; Mở rộng dân chủ trong lập pháp với quy trình lấy ý kiến thực chất, công khai, minh bạch.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng dự thảo, kiên quyết không ban hành văn bản vướng mắc, chồng chéo; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật định kỳ để kịp thời sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định không phù hợp.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Trịnh Văn Tùng nhấn mạnh rằng, các yêu cầu của nghị quyết cần bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, nâng cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

“Việc xây dựng pháp luật cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Công tác thi hành pháp luật cần tạo đột phá thực chất, xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật và phát huy tinh thần phụng sự nhân dân trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, PGS.TS. Trịnh Văn Tùng nêu quan điểm.

Cao Thắng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quan-diem-dot-pha-trong-cong-tac-xay-dung-va-thi-hanh-phap-luat-post1214010.vov