Quan điểm kinh tế của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris
Phó Tổng thống Kamala Harris nhiều khả năng sẽ thay thế ông Biden trở thành ứng viên tranh cử của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới...
Ngày 21/7, thông báo trên mạng xã hội X, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố dừng tái tranh cử. Theo đó, Phó Tổng thống Kamala Harris nhiều khả năng sẽ thay thế ông Biden trở thành ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Quan điểm về các vấn đề kinh tế cũng như các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp của bà Harris hiện nhận được sự quan tâm lớn.
QUAN ĐIỂM VỚI DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ
Từng là ứng viên cho chức Tổng chưởng lý bang California, bà Harris được cho là từng nhấn mạnh với các nhà tài trợ tiềm năng rằng bà là một “nhà tư bản”. Theo hãng tin Reuters, nhìn chung, bà Harris có lập trường mềm mỏng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư công nghệ - lĩnh vực quan trọng ở quê nhà Bay Area, bang California của mình.
Bản thân Phó Tổng thống Mỹ cũng có nhiều mối quan hệ cá nhân trong lĩnh vực công nghệ. Trước đây, bà từng dự đám cưới của Sean Parker, một giám đốc của Facebook – nay là Meta Platforms. Ngoài ra, em rể của bà Harris, ông Tony West, hiện là giám đốc pháp lý của Uber.
Trước đây, bà từng nhận tiền quyên góp của Reid Hoffma – một trong những nhà tài trợ hàng đầu của đảng Dân chủ. Ông Hoffma là nhà đầu tư, người đồng sáng lập LinkIn và một trong những người ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch tái tranh cử của ông Biden. Sau tuyên bố dừng tranh cử của Tổng thống Mỹ, ông Hoffma cho biết hoàn toàn ủng hộ bà Harris trở thành ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ.
Bà Harris cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư công nghệ Mỹ như tỷ phú John Doerr, nhà đầu tư mạo hiểm Ron Conway, Sheryl Sandberg – cựu giám đốc hoạt động của Facebook, Marc Benioff – CEO của Salesforce.
VẤN ĐỀ KHÍ HẬU VÀ NĂNG LƯỢNG
Phó Tổng thống Mỹ có quan điểm tương tự với ông Biden về vấn đề môi trường và năng lượng. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, bà Harris luôn nhấn mạnh rằng năng lượng sạch và công lý môi trường là ưu tiên hàng đầu.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, khi thông báo bà Harris là cấp phó của mình, ông Biden cũng nhấn mạnh lập trường cứng rắn của bà đối với các công ty dầu khí lớn lúc còn giữ các chức vụ ở bang California.
Bà Harris từng khởi xướng nhiều vụ kiện về môi trường với vai trò là công tố viên quận ở San Francisco từ năm 2004-2011 và với vai trò tổng chưởng lý bang từ năm 2011 tới năm 2017. Sau năm 2017, bà là thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ.
Năm ngoái, Phó Tổng thống Mỹ đã lần đầu tiên xuất hiện tại các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế, nhấn mạnh cam kết của Mỹ dành 3 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh. Bà cũng có bài diễn thuyết quốc tế lớn đầu tiên về vấn đề khí hậu tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 (COP28) ở Dubai vào cuối năm ngoái.
Dưới cương vị Phó Tổng thống, bà Harris cũng tham gia triển khai chính sách của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) nhằm giải quyết các vấn đề công lý môi trường tồn tại lâu năm, bao gồm một chương trình trị giá nhiều tỷ USD nhằm thay thế hệ thống đường ống dẫn nước bằng chì và sơn có chứa chì trên khắp nước Mỹ.
TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Bà Harris có quan điểm cứng rắn về vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI). Tại một sự kiện vào tháng 11/2023, bà từng cảnh báo AI là một mối đe dọa mang tính sống còn, có thể “gây nguy hiểm cho sự tồn vong của loài người”.
Tại một cuộc họp với các nhà lãnh đạo công nghệ như Satya Nadella của Microsoft, Sam Altman của OpenAI và Sundar Pichai của Alphabet, bà cũng cảnh báo rằng họ nên tuân thủ các nghĩa vụ về đạo đức để bảo vệ loài người trước những mối nguy hiểm từ AI.
Bà Haris ủng hộ sắc lệnh của ông Biden với các quy định bảo vệ người dùng mạnh mẽ hơn trước những cuộc gọi lừa đảo và nội dung sai lệch do AI tạo ra.
VẤN ĐỀ NHẬP CƯ VÀ BIÊN GIỚI
Được mệnh danh là “nữ hoàng biên giới”, bà Harris từng phụ trách công tác ngoại giao với Mexico và vùng Tam giác phía Bắc (Northern Triangle) nhằm giải quyết gốc rễ các vấn đề nhập cư. Với cương vị phó tổng thống, bà được giao phụ trách các vấn đề nhập cư dọc biên giới phía Nam vào năm 2021, với nhiệm vụ chủ yếu là “ngăn chặn người di cư bất hợp pháp” – theo thông báo của Nhà Trắng khi đó.
Vấn đề nhập cư cũng là một chủ đề “nóng” trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay. Tại hội nghị gần đây của Ủy Ban Quốc Gia Đảng Cộng Hòa (RNC), các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích kịch liệt cách tiếp cận vấn đề biên giới của chính quyền Biden-Harris, khiến lượng người nhập cư tăng lên kỷ lục.
Dưới chính quyền của ông Biden, người nhập tư từ Mexico vào Mỹ lập kỷ lục vào cuối năm 2023 với 250.000 người chỉ riêng trong tháng 12, vượt qua kỷ lục cũ 224.000 người vào tháng 5/2022.
Hồi tháng 3, bà Harris cho biết, dưới sự hướng dẫn của bà, các công ty tư nhân đã cam kết chi 5,2 tỷ USD để hỗ trợ các cộng đồng ở Trung Mỹ nhằm nỗ lực ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.
“Tất nhiên, đây không phải vấn đề chỉ diễn ra trong một sớm một chiều và cũng không thể có các giải pháp trong một sớm một chiều”, bà Harris nói về vấn đề nhập cư bất hợp pháp khi đó.
KINH TẾ VÀ LẠM PHÁT
Tại một sự kiện của Nhà Trắng hồi tháng 5, bà Harris tỏ ra lạc quan về các kết quả kinh tế của chính quyền Biden.
“Nhờ Đạo luật Giảm lạm phát, chúng ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ USD xây dựng lại đường xá, cầu cống, vỉa hè, vào nền kinh tế năng lượng xanh. Việc này giúp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu theo hướng tăng cường khả năng thích nghi và khả năng chống chịu”, bà Harris phát biểu.
Cũng trong tháng 5, bà Harris có bài phát biểu nhấn mạnh rằng bà mong muốn mọi người Mỹ đều thành công về mặt tài chính.
“Tôi tin rằng nền kinh tế Mỹ được tiếp sức bởi tham vọng và khát vọng đổi mới sáng tạo, làm giàu của mọi người Mỹ. Do đó, để phát triển nền kinh tế, chúng ta phải đầu tư vào tham vọng và khát vọng đó”, bà phát biểu tại một sự kiện ở bang Detroit. “Tôi tin rằng mọi người dân trên đất Mỹ phải có cơ hội tiếp cận các cơ hội để thành công và phát triển”.
Trong thời gian là thượng nghị sĩ, bà Harris từng cố gắng thúc đẩy thông qua một dự luật mà theo đó hỗ trợ thuế tối đa 6.000 USD cho các hộ gia đình thu nhập từ thấp tới trung bình ở Mỹ. Bà cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc xóa nợ sinh viên và chính là người đứng đầu việc thúc dẩy xóa nợ cho hàng trăm nghìn sinh viên Cao đẳng Corinthian của chính quyền Biden.
CHIẾN TRANH Ở UKRAINE
Tháng trước, bà Harris thông báp Mỹ sẽ ủng hộ hơn 1,5 tỷ USD cho Ukraine, với nguồn tiền đến từ Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Hỗ trợ tài chính này nằm xây dựng lại cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh và hỗ trợ người tị nạn.
Bà là người đồng thành cùng ông Biden trong các chính sách hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Trong một hội nghị hôi tháng 6 về vấn đề hòa bình ở Ukraine, bà Harris nhấn mạnh cam kết của Mỹ với quốc gia Đông Âu này.
“Hôm nay tôi ở đây để ủng hộ Ukraine, cùng các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới ủng hộ một nền hòa bình công bằng và bền vững”, bà Harris phát biểu. “Khi chúng ta hướng tới và hành động để hướng tới nền hòa bình đó, Mỹ cam kết giúp Ukraine tái thiết đất nước”.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quan-diem-kinh-te-cua-pho-tong-thong-my-kamala-harris.htm