Quan điểm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Quan điểm về kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát triển từ quá trình đào tạo và công tác lâu dài của ông. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967, ông được điều động về công tác tại Tạp chí Học tập, cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu khởi đầu sự nghiệp nghiên cứu lý luận chính trị chuyên nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Năm 1973, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được cử đi học lớp nghiên cứu sinh tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tại đây, ông tập trung nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là bộ “Tư bản”. Năm 1981, ông được cử sang Liên Xô học tập và bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô, hoàn thành xuất sắc trước thời hạn. Sau khi trở về nước vào tháng 8-1983, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục công tác tại Ban Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản, trải qua nhiều vị trí quan trọng như Trưởng ban, Phó tổng Biên tập và Tổng biên tập. Trong gần 30 năm công tác, ông đã viết và biên tập hàng trăm bài báo lý luận, góp phần đổi mới nội dung và hình thức của Tạp chí, làm cho các bài viết trở nên gần gũi hơn với thực tiễn.

Năm 1992, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phong hàm Phó giáo sư và 10 năm sau được phong hàm Giáo sư. Tháng 1-1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, ông được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 8-1996, ông được điều về làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, phụ trách công tác tuyên giáo. Tháng 1-2000 đến tháng 6-2006, đồng chí làm Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV.... Trong sự nghiệp phong phú của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao, luôn kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, đặc biệt là tư tưởng về KTTT định hướng XHCN. Ông đã trực tiếp tham gia và chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết và phát triển lý luận của Đảng, đóng góp quan trọng vào các văn kiện như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Báo cáo Chính trị các Đại hội VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII, và nhiều nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương. Tại các Đại hội XI, XII, XIII của Đảng, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục củng cố và phát triển các quan điểm tư tưởng lý luận, trong đó có quan điểm về KTTT định hướng XHCN.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh một đặc trưng cơ bản và mang tính quy luật của kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế và xã hội. Ảnh: Baochinhphu.vn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh một đặc trưng cơ bản và mang tính quy luật của kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế và xã hội. Ảnh: Baochinhphu.vn

Quan điểm về KTTT định hướng XHCN của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng mô hình này phù hợp để xây dựng chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu phát triển vì con người, kết hợp giữa phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội[1]. Điều này đòi hỏi phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với điều kiện cụ thể của Việt Nam - một quốc gia còn nghèo, kinh tế - kỹ thuật lạc hậu, không thể áp dụng mô hình KTTT tư bản chủ nghĩa hay mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp. Thay vào đó, Việt Nam phải phát triển KTTT định hướng XHCN và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa[2].

Khái niệm KTTT định hướng XHCN được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát triển qua nhiều năm nghiên cứu lý luận và chỉ đạo thực tiễn. Theo ông, đây là “nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”[3]. Mục đích của KTTT định hướng XHCN là “phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới, tiên tiến”[4]. Bản chất của KTTT định hướng XHCN được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định là “một kiểu KTTT mới trong lịch sử phát triển của KTTT; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của KTTT vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền KTTT tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền KTTT XHCN đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ)”[5].

KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam có những đặc trưng rõ rệt thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau. Một trong những điểm nổi bật trong quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự đa dạng về sở hữu và thành phần kinh tế. Nền kinh tế này không chỉ chấp nhận mà còn khuyến khích nhiều hình thức sở hữu khác nhau, từ sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể đến sở hữu tư nhân. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo rằng các tài sản và nguồn lực quan trọng nhất đều thuộc về toàn dân và được nhà nước quản lý vì lợi ích chung. Hệ thống phân phối trong KTTT định hướng XHCN phải đảm bảo công bằng và tạo động lực cho phát triển. Thu nhập và của cải không chỉ được phân phối dựa trên kết quả lao động và hiệu quả kinh tế mà còn theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác. Hơn nữa, hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự bất bình đẳng và nâng cao chất lượng sống cho mọi tầng lớp trong xã hội.

KTTT định hướng XHCN tại Việt Nam hoạt động dựa trên sự kết hợp giữa cơ chế thị trường và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước không chỉ điều tiết thị trường mà còn đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thông qua chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và pháp luật. Điều này giúp kích thích sản xuất, giải phóng sức sản xuất, phát huy mặt tích cực và khắc phục mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân[6]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh một đặc trưng cơ bản và mang tính quy luật của KTTT định hướng XHCN là sự gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế và xã hội. Chính sách kinh tế phải đi đôi với chính sách xã hội và tăng trưởng kinh tế phải đồng hành cùng tiến bộ và công bằng xã hội. Một xã hội công bằng và tiến bộ không thể thiếu một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Phát triển xã hội trên nguyên tắc công bằng không có nghĩa là cào bằng, mà phải tạo điều kiện để mọi người đều có cơ hội tiếp cận công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, việc làm, tín dụng và an sinh xã hội. Điều này giúp họ cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng không thể đợi đến khi kinh tế phát triển cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; mỗi chính sách kinh tế phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội và mỗi chính sách xã hội phải tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa và giáo dục, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phải giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân nhằm nâng cao dân trí, giáo dục và đào tạo con người, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát triển KTTT định hướng XHCN là một thách thức lớn cần được giải quyết từng bước thông qua thực tiễn và quá trình đúc rút kinh nghiệm. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần một cách nhất quán, coi mọi thành phần kinh tế khi hoạt động theo pháp luật là bộ phận cấu thành quan trọng của nền KTTT định hướng XHCN. Các thành phần này cần được phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, không có sự định kiến hay kỳ thị đối với bất kỳ thành phần kinh tế nào.

Cần tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, đẩy mạnh việc hình thành các loại thị trường và chủ động hội nhập quốc tế. Hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh, đồng thời đổi mới sâu rộng cơ chế quản lý kinh tế, triệt để xóa bỏ bao cấp trong kinh doanh. Vai trò quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước phải được tăng cường, cùng với việc đấu tranh hiệu quả chống tham nhũng, lãng phí và gây phiền hà. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội hướng vào phát triển và lành mạnh hóa xã hội, thực hiện công bằng xã hội là nội dung rất quan trọng của định hướng XHCN. Điều này không chỉ tạo động lực mạnh mẽ để phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động, mà còn thực hiện bình đẳng trong các quan hệ xã hội, khuyến khích nhân dân làm giàu chính đáng và hợp pháp, điều tiết các quan hệ xã hội.

Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là yếu tố nguyên tắc và quyết định nhất để bảo đảm định hướng XHCN của KTTT cũng như toàn bộ sự nghiệp phát triển của đất nước[7].

Trước năm 1986, Việt Nam nghèo khó và chịu nhiều tổn thất do chiến tranh. Nhờ đổi mới, kinh tế tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 17 lần, đạt 3.512 USD. Việt Nam thoát khỏi nhóm thu nhập thấp từ năm 2008, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 3% năm 2020. Việt Nam hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục và y tế cơ bản cho toàn dân, tuổi thọ trung bình tăng lên 73,7 tuổi. Liên hợp quốc công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, với chỉ số HDI năm 2019 đạt 0,704, thuộc nhóm cao trên thế giới[8].

Những thành tựu trên là kết quả của sự đoàn kết và nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người lãnh đạo cao nhất và trung tâm đoàn kết của toàn Đảng và dân tộc - là vô cùng to lớn và quan trọng.

TS NGUYỄN VĂN ĐẠO

Trường Đại học Văn Lang

[1] Xem Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 21-22.

[2] Xem Nguyễn Phú Trọng (2003), “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Quan niệm và giải pháp phát triển”, Tạp chí Cộng sản, số 31 (11/2003), tr. 5 và Nguyễn Phú Trọng (2005), “Đổi mới tư duy lý luận vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”, Tạp chí Cộng sản, số 3 năm 2005.

[3] Nguyễn Phú Trọng (2022), Sđd, tr. 25-26.

[4] Nguyễn Phú Trọng (2003), Sđd, tr. 7.

[5] Nguyễn Phú Trọng (2022) Sđd, tr. 26.

[6] Nguyễn Phú Trọng (2003), Sđd, tr. 7.

[7] Xem Nguyễn Phú Trọng (2003), Sđd, tr. 3-12.

[8] Nguyễn Phú Trọng (2022), Sđd, tr. 30-33.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/quan-diem-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-786370