Quan điểm trái chiều về sàn giao dịch bất động sản
Chiều 23-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Quy định về sàn giao dịch chưa chặt chẽ
Đối với các quy định về sàn giao dịch bất động sản dự thảo Luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Ban soạn thảo rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tạo điều kiện cho các giao dịch bất động sản. Điều này không chỉ thuận lợi trong công việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch bất động sản mà còn bảo đảm tính chặt chẽ cũng như cơ sở pháp lý cho tổ chức, cá nhân tham gia.
Quan tâm nội dung này, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) kiến nghị cân nhắc, bổ sung một phương án mở hơn, là có loại giao dịch bắt buộc thực tiện thông qua sàn giao dịch bất động sản, nhưng có loại chỉ cần giao dịch trực tiếp.
Đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) cho rằng, sàn giao dịch bất động sản là doanh nghiệp thông thường, không phải chủ thể cung cấp dịch vụ công. Do đó, việc bắt buộc các chủ thể khác phải sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp thông thường tạo nên sự bất bình đẳng, vi phạm các nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh, xung đột với Luật Công chứng.
“Với hợp đồng mua bán, chuyển đổi bất động sản, khi thực hiện công chứng, công chứng viên có nghĩa vụ đánh giá tính pháp lý của tài sản giao dịch. Nếu không đủ điều kiện giao dịch thì phải từ chối công chứng”, đại biểu nói.
Về ý kiến cho rằng không cần thiết giao dịch bất động sản qua sàn mà chỉ cần qua văn phòng công chứng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) không đồng ý. “Bao nhiêu đại biểu ở đây có thể tự đi mua bất động sản mà không thông qua bên thứ ba?” - đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề.
Nhận định thị trường bất động sản gồm có 3 bộ phận cấu thành: Người mua, người bán và người môi giới. Đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ về sàn giao dịch và môi giới bất động sản để người dân yên tâm với việc giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) nêu rõ, quy định về điều kiện của người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản có hạn chế là đã để lọt 2 nhóm đối tượng cũng phải bị cấm quản lý, điều hành là: người đang chấp hành án do phạm tội trong hoạt động hoặc liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản; người đang bị tạm giữ chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản hoặc đang bị tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn do vi phạm trong hoạt động hoặc có liên quan hoạt động kinh doanh bất động sản.
Kiểm soát giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai
Về bất động sản hình thành trong tương lai, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm quy định giới hạn giao dịch về bất động sản hình thành trong tương lai nhằm góp phần điều tiết và bình ổn thị trường, có thể kiểm soát thông qua phòng công chứng.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) cho rằng, chủ đầu tư dự án phải có thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để được bán, cho thuê, mua. Cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh phải có trách nhiệm với các loại nhà bán, cho thuê, mua để bảo đảm quyền lợi cho người mua.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, cần cân nhắc cho phép chủ đầu tư nhận đặt cọc từ khách hàng và bổ sung quy định về giới hạn tối đa số tiền đặt cọc để tránh việc chủ đầu tư lạm dụng hình thức đặt cọc nhằm huy động, chiếm dụng vốn của khách hàng trong thời gian dự án chưa hoàn tất các điều kiện mở bán.
Theo Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội), tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 3 luật có liên quan mật thiết đến nhau, đó là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cần được rà soát kỹ lưỡng nội dung về xây dựng và quản lý dữ liêu thông tin nhà ở và thị trường bất động sản nhằm đồng bộ với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
“Lấy hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong Luật Đất đai (sửa đổi) làm gốc, làm cơ sở để thiết kế, vận hành, quản lý hệ thống thông tin về thị trường bất động sản”, đại biểu nói, đồng thời đề nghị cần có quy định, cơ chế phối hợp giữa ngành Tài nguyên và Môi trường với ngành Xây dựng để vận hành hai hệ thống cơ sở thông tin bảo đảm tính liên thông, minh bạch và hiệu quả.
Làm rõ ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về phạm vi điều chỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo luật, làm rõ phạm vi, nội dung điều chỉnh của luật theo hướng bảo đảm phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bao quát được hoạt động kinh doanh bất động sản, phân định rõ hoạt động kinh doanh bất động sản và các giao dịch dân sự không vì mục đích kinh doanh khác.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để quy định đồng bộ các nội dung liên quan đến giao dịch nhà ở, giữa các luật có liên quan để đảm bảo việc kinh doanh nhà ở thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản; chính sách phát phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, các giao dịch nhà ở khác thực hiện theo Luật Nhà ở, bảo đảm thống nhất, không chồng chéo.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quan-diem-trai-chieu-ve-san-giao-dich-bat-dong-san-623567.html