Quân đoàn 1 với quê hương Quảng Trị
Quảng Trị là một trong những chiến trường ác liệt trong chiến tranh, nơi đọ sức quyết liệt của những cuộc đối đầu khốc liệt, nhưng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chiến thắng trên chiến trường Quảng Trị là chiến thắng của lòng quả cảm, sự đoàn kết máu thịt thắm đượm tình quân - dân, cùng với sự trợ giúp kịp thời và vô cùng to lớn, nghĩa tình sắt son của các quân, binh đoàn chủ lực để đi tới giành thắng lợi cuối cùng giải phóng quê hương.
Tại Quảng Trị, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đơn vị của Quân đoàn 1 tham gia nhiều chiến dịch lớn như Đường 9 - Khe Sanh, hạ Lào, Trị Thiên. Đặc biệt, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đơn vị là một trong 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước và xây dựng nên truyền thống quang vinh “Thần tốc - Quyết thắng”. Với những chiến công và thành tích xuất sắc, ngày 29/8/1985, Quân đoàn 1 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Những năm kháng chiến gian khổ, ác liệt nhất, quân dân Quảng Trị đã gắn bó và có nghĩa tình đặc biệt với các đơn vị của Quân đoàn 1. Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị không thể nào quên hình ảnh cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Quân đoàn 1 anh dũng bám trụ chiến đấu, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị bạn, với chính quyền và Nhân dân Quảng Trị tiêu diệt từng bộ phận địch, đánh bại các cuộc hành quân giải tỏa của địch, góp phần làm nên chiến thắng vang dội ở chiến trường Đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Thành Cổ Quảng Trị... Đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn 1 vì quê hương, đất nước mãi mãi nằm lại Quảng Trị khi mới ở tuổi hai mươi.
Bấy giờ, trên chiến trường Quảng Trị, Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1) đã trực tiếp tham gia 3 chiến dịch lớn như: Chiến dịch Khe Sanh (1968), Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971) và Chiến dịch giải phóng Quảng Trị (1972). Tại Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, Sư đoàn 308 đã tham gia đợt 4 trong chiến dịch. Hơn 1 tháng, đã đánh hàng chục trận, quy mô từ đại đội đến tiểu đoàn, nhiều trận chủ động đánh địch ban ngày, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ, bắn rơi 39 máy bay, phá hủy 11 khẩu pháo, súng cối các loại cùng nhiều vũ khí, khí tài của quân Mỹ.
Trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Sư đoàn 308 tiêu diệt 4.023 binh sĩ, bắt sống 127 binh sĩ, diệt gọn Thiết đoàn 17 Quân lực Việt Nam Cộng hòa và 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng Liên đoàn 1 Biệt động quân và Tiểu đoàn 1 dù, phá hủy 337 xe quân sự các loại (có 205 xe tăng và xe bọc thép, 48 khẩu pháo, súng cối cỡ lớn, thu gần 500 súng các loại, cùng hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật).
Năm 1972, Sư đoàn 308 tham gia hướng Trị - Thiên, đã tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Hà - Lai Phước, là trận đánh hiệp đồng quân binh chủng, được coi là điểm mốc của cuộc tiến công, một trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam tính đến thời điểm đó. Trong đợt này, Sư đoàn 308 cùng các đơn vị tăng cường đã anh dũng chiến đấu, đập tan cụm cứ điểm kiên cố của địch, giáng một đòn nặng vào tinh thần của Mỹ - ngụy trên toàn chiến trường miền Nam. Có được chiến công lớn như vậy là nhờ sự chuẩn bị kỹ càng cho chiến dịch.
Đặc biệt, trong chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, Sư đoàn 308 - Quân Tiên phong (Quân đoàn 1) là một trong những đơn vị chủ lực tham gia chiến dịch từ những ngày đầu, lập nhiều thành tích xuất sắc. Đến tháng 6/1972, khi địch mở cuộc phản công quy mô lớn mang tên “Lam Sơn 72” với kế hoạch chiếm lại Quảng Trị, Sư đoàn 308 đã cùng với các lực lượng chiến đấu trong 81 ngày đêm để giữ vững Thành Cổ Quảng Trị.
Thời gian chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị với nhiều đợt kế tiếp, sư đoàn đã đánh gần 800 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt và bắt hơn 10.000 tên địch, phá hủy và thu 151 xe tăng, thiết giáp, 17 khẩu pháo, bắn rơi 23 máy bay các loại, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của quân và dân ta trên Mặt trận Quảng Trị cũng như toàn chiến trường miền Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Những chiến công xuất sắc trong chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 được cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 ghi nhớ, tô thắm truyền thống “Tiên phong, anh dũng, đoàn kết, kỷ luật, thần tốc, quyết chiến, quyết thắng”.
Trong chiến tranh gian khổ, mất mát, hy sinh, những người con ưu tú trên mọi miền đất nước từng sống, chiến đấu trên mảnh đất Quảng Trị đã được Nhân dân yêu thương như máu thịt. Ký ức khắc sâu trong tâm khảm quân dân Quảng Trị là hình ảnh chiến sĩ các đơn vị chủ lực ngày đêm “nếm mật, nằm gai”, sống trong lòng dân, cùng Nhân dân gây dựng phong trào đấu tranh chống giặc.
Quên sao được tấm lòng yêu thương của những người mẹ, người chị dành cho các chú bộ đội giải phóng quân. Nhớ hình ảnh người mẹ Vân Kiều, Pa Kô gùi lương, tải đạn, chia sẻ từng bát gạo, hạt muối, củ khoai, cái kim, sợi chỉ cho bộ đội. Và hơn thế nữa, họ sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, giữa vòng vây kẻ thù, giữa cái sống và cái chết để chở che, nuôi giấu bộ đội.
51 năm quê hương Quảng Trị được giải phóng, đất nước được hòa bình, non sông nối liền một dải. Cuộc sống mới đang đổi thay từng ngày. Với những người lính Quân đoàn 1, nghĩa tình với quê hương Quảng Trị luôn được bồi đắp thủy chung theo năm tháng. Một thời chung lưng, đấu cật chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.
Nay trong thời bình, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 tiếp tục tô thắm nghĩa tình quân dân bằng những hoạt động, việc làm tri ân sâu sắc, giàu tình thương và trách nhiệm. Hàng chục năm qua, Quân đoàn 1 đã tổ chức nhiều đợt hành quân về chiến trường xưa tri ân các anh hùng liệt sĩ, thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Từ năm 2005 đến nay, Quân đoàn 1 đã tổ chức trao tặng 44 nhà tình nghĩa tổng trị giá 2 tỉ 350 triệu đồng, trên 500 suất quà với tổng số tiền 820 triệu đồng cho hàng trăm đối tượng chính sách và người có công của tỉnh Quảng Trị. Ngoài những chương trình trên, Quân đoàn 1 còn phối hợp với địa phương tích cực hỗ trợ thông tin, xác định các vị trí chôn cất liệt sĩ để tiến hành cất bốc, quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 với quê hương Quảng Trị là mạch nguồn chảy mãi và được bồi đắp theo năm tháng. Đó chính là sức mạnh của lòng dân, sức mạnh quân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân, vì một Việt Nam hòa bình và phát triển.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/quan-doan-1-voi-que-huong-quang-tri/179564.htm