Quân đội Đài Loan không thể chống đỡ trước Trung Quốc?
Sự thiếu hụt chuẩn bị và tinh thần chiến đấu của lính chưa cao có thể là lý do khiến Đài Loan khó chống lại Trung Quốc đại lục nếu Bắc Kinh tấn công đổ bộ vào hòn đảo này.
Mối lo ngại Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan đang khiến các nhà hoạch định quân sự và quan chức chính quyền Mỹ bận tâm. Rất ít người trong số họ nghĩ rằng lực lượng vũ trang Đài Loan có thể ngăn chặn được Trung Quốc, theo Wall Street Journal.
Các binh sĩ, chiến lược gia và quan chức ở Đài Loan và Mỹ cho biết lực lượng vũ trang của hòn đảo đang gặp khó khăn trong nội bộ. Sự thịnh vượng về kinh tế và bình yên qua nhiều năm đã "ăn mòn" khả năng phòng thủ trước Trung Quốc của Đài Loan.
Quân đội chưa chuẩn bị tinh thần
Một trong những mối quan tâm cấp bách nhất là thiếu sự chuẩn bị và tinh thần chiến đấu thấp của khoảng 80.000 người Đài Loan nhập ngũ mỗi năm và gần 2,2 triệu lính dự bị.
Xiao Cheng-zhi, 26 tuổi đến từ miền Trung Đài Loan, cho biết trong 4 tháng huấn luyện, anh chủ yếu quét lá, di chuyển lốp dự phòng và nhổ cỏ. Ngoài vài khóa huấn luyện thiện xạ, anh nói các lớp học đều vô nghĩa.
Anh Xiao không cho rằng các binh lính khác là "lính dâu tây" - thuật ngữ sử dụng ở Đài Loan để mô tả người trẻ tuổi được nuôi dưỡng và bao bọc quá mức bởi cha mẹ khiến họ "dễ bị bầm dập". Xiao nói anh sẵn sàng phục vụ quân ngũ, nhưng anh nghi ngờ hòn đảo không có nhiều cơ hội chống lại Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Trong các cuộc phỏng vấn, quân nhân Đài Loan bày tỏ quan ngại về việc huấn luyện và tư thế sẵn sàng chiến đấu. Một người nói anh đã xem phim về chiến tranh của Mỹ trong quá trình huấn luyện, sau khi không còn việc gì hữu ích để làm.
Một người khác nói anh dành nhiều thời gian để đọc và vẽ, và "dù sao thì cũng không có gì phải lo lắng". Nhiều cuộc thăm dò dư luận và phỏng vấn cho thấy nhiều người Đài Loan hy vọng Mỹ sẽ dẫn dắt nếu có chuyện nghiêm trọng xảy ra.
Tăng cân để bị loại khỏi nghĩa vụ quân sự là thực tế phổ biến mà một số thanh niên Đài Loan thừa nhận. Một người cho biết anh nhồi bản thân một phần ăn lớn mỗi bốn giờ trong vòng 1 tháng để chạm tới cân nặng được miễn nghĩa vụ quân sự.
Harry Goo, nhà sản xuất phim 31 tuổi ở Đài Bắc, cho biết anh sẵn sàng đấu tranh để ngăn “Đài Loan trở nên giống Hong Kong”. Tuy nhiên, khi được gọi nhập ngũ vào năm 2012, anh đã nghe theo lời khuyên tăng cân nhanh chóng để tránh phải nhập ngũ. Người cha nói anh hãy kiếm một công việc thay vì lãng phí thời gian trong quân ngũ.
Ronan Fu - cựu thiếu úy tại Cơ quan Chỉ huy Dự bị Đài Loan - chất vấn liệu những người trẻ tuổi có đủ tinh thần trách nhiệm hay không. Trong khi việc đào tạo đã được cải thiện phần nào, ông nói "những người đàn ông trưởng thành ở Đài Loan không thực sự muốn chiến đấu".
Cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy khoảng một nửa người Đài Loan sẽ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ hòn đảo, nhưng hầu hết không mong đợi điều đó.
Việc tuyển dụng binh lính cũng ảnh hưởng bởi quan điểm Trung Quốc sẽ không xâm lược Đài Loan vì điều đó gây tổn hại quá lớn cho vị thế quốc tế của Bắc Kinh, hoặc vì các quốc gia như Mỹ sẽ can thiệp.
Sự phô trương của Trung Quốc
Lực lượng vũ trang Đài Loan đang bị thiếu hụt vốn, và hệ thống dự trữ của hòn đảo là một mớ hỗn độn, ông Grant Newsham - cựu đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ, người dành cả năm 2019 ở Đài Loan để nghiên cứu khả năng phòng thủ của hòn đảo - nói.
Chính quyền Đài Loan thừa nhận nhiều điểm yếu và cho biết họ đang nỗ lực để khắc phục. Một cơ quan giám sát tiết lộ vào tháng 7 rằng một số lính dự bị có tâm lý "làm cho xong" khi huấn luyện.
Tháng 9, cơ quan phòng vệ Đài Loan đã thực hiện nhiều thay đổi trong hoạt động huấn luyện quân sự bắt buộc. Tất cả lính nhập ngũ sẽ được gửi đến các đơn vị chiến đấu để có thêm kinh nghiệm thực tế.
Mối lo ngại về sự sẵn sàng chiến đấu của Đài Loan càng tăng khi Trung Quốc phô trương sức mạnh, điều thêm các chuyến bay quân sự tới gần Đài Loan, trong khi mạnh tay hơn ở Hong Kong.
Điều khác khiến các quan chức không khỏi lo lắng là các khoản đầu tư lớn của lực lượng vũ trang Trung Quốc. Với ngân sách quân sự gấp 13 lần quy mô của Đài Loan, Trung Quốc hiện có hơn một triệu lính bộ binh, theo Lầu Năm Góc. Lực lượng vũ trang Đài Loan đã giảm xuống còn 187.660 binh sĩ tại ngũ, từ 275.000 vào năm 2011.
Trung Quốc cũng tổ chức tập trận mô phỏng những cuộc vượt biển và đổ bộ vào bờ biển, đồng thời trang bị hệ thống pháo tên lửa có tầm bắn để tấn công các mục tiêu của Đài Loan.
Đài Loan vẫn có một số lợi thế, bao gồm đường bờ biển phức tạp mà lực lượng PLA khó đổ bộ. Ngoài ra, có những nghi ngờ về khả năng sẵn sàng chiến đấu của Trung Quốc, khi nước này đã không tham chiến trong nhiều năm.
Đánh giá hàng năm của cơ quan phòng vệ Đài Loan về quân đội Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh có thể sử dụng các cuộc tấn công mạng để làm tê liệt trung tâm chỉ huy của Đài Bắc.
Lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết PLA đủ khả năng phát động cuộc tấn công toàn diện vào Đài Loan với tổn thất tối thiểu vào năm 2025.
Mỹ tiến thoái lưỡng nan
Mỹ không cam kết bảo vệ Đài Loan, nhưng hầu hết nhà phân tích quân sự đều cho rằng điều đó sẽ xảy ra.
Hiện tại, Mỹ duy trì chính sách “chiến lược mơ hồ", trong đó nước này ngăn chặn xung đột bằng cách từ chối cho biết họ sẽ làm gì nếu xung đột nổ ra. Một số chuyên gia về chính sách đối ngoại của Washington muốn Mỹ cam kết can thiệp một cách rõ ràng nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Những người khác lo lắng ngay cả những cử chỉ nhỏ cũng kích động Bắc Kinh và khiến Mỹ vướng vào rắc rối đối ngoại.
Mỹ hỗ trợ Đài Loan chủ yếu bằng cách bán vũ khí và các thiết bị quốc phòng. Trong năm qua, Mỹ đã cử lượng nhỏ Lực lượng Đặc nhiệm và Thủy quân lục chiến để giúp huấn luyện lực lượng mặt đất và hàng hải.
Một số chiến lược gia đã gợi ý Đài Loan cần trở nên giống Israel. Mặc dù chưa bằng một nửa dân số Đài Loan, Israel chi gần 22 tỷ USD cho quốc phòng hàng năm, so với 13 tỷ USD của Đài Loan vào năm 2020. Nam thanh niên Israel phải nhập ngũ 2,5 năm, trong khi phụ nữ mất gần hai năm.
Đài Loan từng yêu cầu hai năm nghĩa vụ bắt buộc đối với nam giới, còn bây giờ là 4 tháng. Sau đó, những người này thành lính dự bị. Một số, không phải tất cả, được gọi sau mỗi 1-2 năm cho khóa bồi dưỡng kéo dài từ 5-7 ngày. Khoảng thời gian này kéo dài đến 2 tuần bắt đầu từ năm 2022.
Nhiều chuyên gia Mỹ nói rằng Đài Loan phải chi nhiều hơn cho các loại vũ khí như thủy lôi và tên lửa hành trình ven biển để ngăn chặn một cuộc tấn công. Điều đó có thể cho phép hòn đảo đánh chặn trong vài ngày, tạo thời gian cho phép Washington đưa ra biện pháp phòng thủ hoặc có đủ thương vong để Bắc Kinh phải suy nghĩ lại.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã cố gắng kêu gọi công chúng ủng hộ cải thiện lực lượng vũ trang, đồng thời thúc đẩy sáng kiến đóng thêm tàu hải quân và tên lửa ở Đài Loan. Cơ quan giám sát việc cải tổ lực lượng dự bị quân sự sẽ ra mắt vào đầu năm 2022.
Chi tiêu quân sự tăng, mặc dù không được một số người Đài Loan ủng hộ. Tháng 9, chính quyền đã đề xuất chi ngân sách 8,7 tỷ USD cho tên lửa, tàu hải quân và các hệ thống vũ khí. Mức chi tiêu hàng năm dự kiến tăng 4% vào năm 2022, lên mức kỷ lục 15,1 tỷ USD.
Một số nhà phân tích cho rằng Đài Loan cần xây dựng cam kết tự vệ dân sự, như ở Phần Lan và Thụy Sĩ.