Quân đội Đức nói về tình tiết vụ bị Nga chặn thu cuộc họp mật về tên lửa Taurus
'Đây là một sai lầm nghiêm trọng', Bộ trưởng Quốc phòng Đức – ông Boris Pistorius – thừa nhận.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức – ông Boris Pistorius (ảnh: Reuters)
Phát biểu trước báo giới hôm 5/3, ông Pistorius cho biết, lỗi cá nhân của một sĩ quan Đức đã giúp tình báo Nga chặn thu được nội dung cuộc họp mật về Ukraine.
“Đây là một sai lầm nghiêm trọng và đáng lẽ không được phép xảy ra”, ông Pistorius nói, đề cập tới đoạn ghi âm dài 38 phút mà hãng tin RT (Nga) công bố tuần trước, trong đó một số sĩ quan cao cấp của Đức thảo luận về việc giúp Ukraine sử dụng tên lửa Taurus tấn công cầu Crimea.
Đức chưa viện trợ cho Ukraine loại tên lửa này.
“Hệ thống liên lạc của chúng tôi không hề bị xâm phạm”, ông Pistorius nhấn mạnh.
“Lý do cuộc gọi bị ghi âm là bởi sai sót trong hành động của một cá nhân”, ông Pistorius nói, từ chối nêu tên sĩ quan mắc lỗi.
Theo ông Pistorius, một số sĩ quan Đức tham gia triển lãm Hàng không Singapore (diễn ra từ ngày 20 đến tháng 25/2) đã sử dụng kết nối không an toàn, khiến nội dung trò chuyện bị chặn thu.
Theo Straits Times, triển lãm hàng không Singapore có sự tham gia của nhiều quan chức quân sự châu Âu cấp cao, nên đã thu hút sự chú ý của các cơ quan an ninh Nga.
Theo ông Pistorius, khi thảo luận về tình hình Ukraine, một sĩ quan Đức đã sử dụng ứng dụng Webex hoặc mạng Wi-fi của khách sạn để trò chuyện chứ không phải đường dây an toàn dành riêng cho quân đội Đức.
Ông Pistorius cáo buộc tình báo Nga đã “tác chiến” ở triển lãm hàng không Singapore.
“Các khách sạn mà những người tham dự đến ở là mục tiêu trong chiến dịch nghe lén diện rộng. Cuộc họp của sĩ quan Đức bị nghe lén là đòn đánh trúng ngẫu nhiên”, ông Pistorius cáo buộc.
Tên lửa Taurus Ukraine muốn Đức viện trợ (ảnh: CNN)
Hôm 1/3, Margarita Simonyan, tổng biên tập hãng tin RT (Nga), đã công bố đoạn ghi âm dài 38 phút. Nội dung ghi âm được cho là cuộc trao đổi giữa Tư lệnh không quân Đức Ingo Gerhartz, Cục trưởng Cục tác chiến không quân Đức Frank Graefe và 2 sĩ quan cấp cao khác.
Nhóm sĩ quan Đức thảo luận về khả năng gửi 50 tên lửa Taurus để giúp Ukraine tập kích các mục tiêu của Nga, trong đó có cầu Crimea. Họ cũng nhận định rằng cầu Crimea quá dài, khó có thể phá hủy dù dùng tới 10 – 20 tên lửa.
Hôm 4/3, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Đức Alexander Lambsdorff để phản hồi về vụ việc.
Phát biểu hôm 5/3, Bộ trưởng Pistorius cho biết, Đức chưa cân nhắc truy cứu trách nhiệm của sĩ quan làm lộ nội dung cuộc họp. Ông Pistorius đã gọi cho các đồng minh NATO và được trấn an rằng, niềm tin đối với Đức không bị suy giảm.
“Tất cả đều hiểu về mức độ nguy hiểm của nỗ lực nghe lén như vậy và biết rằng không ai có thể được bảo vệ 100%”, ông Pistorius nói.
Ông Pistorius cam kết Đức sẽ thực hiện các biện pháp bảo mật để sự cố nghe lén không còn xảy ra nữa.
Trả lời phỏng vấn của The Times (báo Anh) hôm 4/3, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho rằng, nội dung cuộc họp cao cấp bị tiết lộ khiến Đức “không an toàn cũng như không đáng tin cậy”.