Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang đánh giá những phương án cắt giảm chi tiêu trong dự thảo ngân sách quốc phòng đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden, một trong số đó là loại biên tàu sân bay USS Harry S. Truman nhằm cắt giảm quy mô lực lượng hàng không mẫu hạm, hai nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ hôm 11/3/2021
Hiện chưa rõ Bộ Quốc phòng Mỹ có thể tiết kiệm được bao nhiêu tiền nếu bỏ tàu USS Harry S. Truman.
Quá trình đại tu và tái nạp nhiên liệu giữa vòng đời có thể tốn khoảng 5,5 tỷ USD, trong khi chi phí loại biên một tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz được ước tính khoảng 2,5 tỷ USD hồi năm 2014.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết cơ quan này không bình luận về đề xuất ngân sách trước khi nó được công bố.
Truyền thông Mỹ cho biết Lầu Năm Góc có thể đề xuất ngân sách 704-708 tỷ USD cho năm tài khóa 2022, so với mức 722 tỷ USD được chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đưa ra.
Hải quân Mỹ hồi năm 2019 từng hai lần đề xuất loại biên USS Harry S. Truman thay vì theo đuổi kế hoạch đại tu và tái nạp nhiên liệu dự kiến diễn ra trong năm 2024.
Quan chức Lầu Năm Góc giấu tên khi đó cho biết quyết định sẽ giúp Washington giải phóng một phần ngân sách để tập trung phát triển vũ khí mới, có khả năng sống sót cao hơn nếu xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính quyền cựu tổng thống Donald Trump đã bác bỏ đề xuất. Hải quân Mỹ sau đó nộp kế hoạch tiếp liệu cho USS Harry S. Truman đúng thời hạn, khôi phục ngân sách hoạt động của tàu sân bay cùng không đoàn trên hạm.
USS Harry S. Truman là siêu tàu sân bay thứ 8 thuộc lớp Nimitz, đươc biên chế tháng 7/1998 và có giá ước tính khoảng 5,8 tỷ USD.
Các tàu sân bay lớp Nimitz đều được tái nạp nhiên liệu hạt nhân sau 25 năm vận hành để có thể hoạt động thêm 25 năm nữa. Nếu không được tiếp liệu, USS Harry S. Truman sẽ phải dừng hoạt động trong vài năm tới.
Siêu tàu sân bay lớp Nimitz có chiều dài khoảng 333 m, rộng 77 m và lượng giãn nước đầy tải khoảng 100.000 tấn, là một trong những chiến hạm lớn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ.
Với thủy thủ đoàn 5.000 người, USS Theodore Roosevelt được ví như một "thành phố nổi" trên đại dương. Con tàu có một bưu điện với mã định danh riêng, cho phép thủy thủ gửi và nhận thư từ gia đình. Trên tàu không có wifi hay sóng điện thoại di động, mỗi thủy thủ chỉ được truy cập Internet trên các máy tính chung, thời gian sử dụng phụ thuộc vào cấp bậc và chức vụ.
Để thực hiện nhiệm vụ trên khắp các đại dương của thế giới, tàu được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân A4W đặt trong khoang riêng biệt để cung cấp năng lượng cho hệ thống động cơ và điện. Nhiệt lượng từ phản ứng phân hạch trong lò phản ứng đun nóng nước và tạo ra hơi nước áp suất cao.
Hơi nước được đẩy qua 4 turbine để tạo lực quay cho 4 chân vịt bằng hợp kim đồng, mỗi chiếc có đường kính 7,6 m và nặng 30 tấn, giúp tàu có thể đạt tốc độ tối đa 56 km/h khi đầy tải.
Tàu sân bay USS Harry S. Truman biên chế không đoàn trên hạm (CVW), có thể mang tối đa 130 tiêm kích F/A-18 hoặc 85-90 máy bay các loại, nhưng thường chỉ triển khai 64 phi cơ.
Giới chuyên gia cho rằng các siêu tàu sân bay đại diện cho sức mạnh quân sự của Mỹ ngày càng dễ tổn thương trước các loại vũ khí diệt hạm hiện đại.
Những loại tên lửa đạn đạo diệt hạm thế hệ mới có tầm bắn lớn, buộc tàu sân bay Mỹ phải hoạt động cách xa bờ biển, khiến tiêm kích hạm F/A-18E/F không đủ khả năng tấn công mục tiêu trên lãnh thổ đối phương
Việt Hùng