Quân đội Mỹ nhắm mục tiêu vào tên lửa của Houthi
Ngày 18/1, quân đội Mỹ tiến hành tấn công 2 hệ thống tên lửa chống hạm của lực lượng Houthi đang chuẩn bị được bắn vào Biển Đỏ, do chúng được coi là 'mối đe dọa tiềm tàng' đối với thương mại hàng hải và các tàu của Mỹ trong khu vực.
Trong một tuyên bố được hãng tin Reuters trích dẫn, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ cho biết đã tiến hành các cuộc tấn công vào 2 hệ thống tên lửa chống hạm của Houthi đang chuẩn bị được triển khai nhằm vào phía Nam Biển Đỏ. Phát ngôn viên về an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, các cuộc tấn công mới nhất tương tự như cuộc tấn công hôm 17/1 nhằm vào các tên lửa của Houthi đang chuẩn bị bắn ở phía nam Biển Đỏ.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi chính phủ Mỹ đưa phiến quân Houthi có trụ sở tại Yemen trở lại danh sách các nhóm khủng bố. Nó cũng diễn ra sau khi lực lượng này tiến hành cuộc không kích thứ 2 trong vòng một tuần vào một tàu do Mỹ điều hành. Cuối ngày 17/1, tàu Genco Picardy bị tấn công tại khu vực Vịnh Aden, gây ra hỏa hoạn và một số thiệt hại nhỏ, buộc Ấn Độ phải triển khai một tàu chiến để giải cứu 22 thủy thủ đoàn trên boong.
Nhận định về tác động của các cuộc không kích, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/1 thừa nhận chúng sẽ không ngăn được các cuộc tấn công tiếp theo của lực lượng Houthi. Tuy nhiên, ông khẳng định quân đội Mỹ vẫn sẽ tiếp tục các phản ứng đáp trả này.
Trên thực tế, Lầu Năm Góc cho biết động thái này của Mỹ là một hành động phòng thủ để bảo vệ vùng biển. Reuters dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết: “Chúng tôi không chiến tranh với Houthi mà lực lượng này mới là bên tiếp tục phóng tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm vào các thủy thủ vô tội. Những gì chúng tôi đang làm, cùng với các đối tác của mình là tự vệ”.
Ngoài các cuộc không kích vào các tàu của Mỹ, công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh cũng ghi nhận một số vụ tiếp cận bằng máy bay không người lái xung quanh khu vực Biển Đỏ đối với các tàu treo cờ Mỹ. Ambrey cho biết một tàu chở dầu thuộc sở hữu của Mỹ đã báo cáo 4 UAV tiếp cận mình ở khu vực cách Mukalla của Yemen khoảng 140km về phía đông nam.
Các cuộc tấn công bởi lực lượng Houthi nhằm vào tuyến đường chiếm khoảng 15% lưu lượng vận tải biển trên thế giới và đóng vai trò là tuyến đường huyết mạch giữa châu Âu và châu Á. Điều này khiến các hãng vận tải phải lựa chọn tuyến đường thay thế dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng của Nam Phi thay vì đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez, khiến giá cước vận tải gia tăng.
Tổ chức Thương mại Thế giới ngày 18/1 cho biết các chuyến hàng lúa mì qua kênh đào Suez đã giảm gần 40% trong nửa đầu tháng 1 xuống còn 0,5 triệu tấn. Đặc biệt, sự sụt giảm mạnh về doanh thu từ kênh đào Suez cũng tác động tới nền kinh tế vốn đang xấu đi của Ai Cập. Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez tuần trước cho biết doanh thu qua tuyến đường này đã giảm 40% trong 11 ngày đầu tháng 1/2024.