Quân đội Mỹ phát triển mạng lưới liên lạc AI nhằm gia tăng hiệu quả chiến đấu
Lầu Năm Góc hiện đang phát triển dự án mạng lưới liên lạc chung mang tên 'Project Convergence - Dự án hội tụ, nhằm tạo ra phương tiện liên kết các hệ thống vũ khí hiện có và hoạt động trong cùng một mạng thông tin chung.
Sự xuất hiện của một hệ thống kiểm soát mạng lưới liên lạc chung như Project Convergence sẽ giúp đơn giản việc trao đổi dữ liệu giữ các nhóm liên lạc đơn lẻ và tăng hiệu quả chiến đấu.
Điều kiện thực tế
Hiện tại, tất cả các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Mỹ đều được trang bị hệ thống điều khiển chiến thuật tự động (ACS) để phục vụ cho việc tiếp nhận và xử lý dữ liệu. Tuy nhiên, mỗi cấu trúc quân sự sử dụng hệ thống điều khiển tự động của riêng chúng nên thường không tương thích với nhau. Điều này gây nhiều trở ngại trong giao tiếp giữa các lực lượng. Cụ thể, nếu muốn chuyển dữ liệu từ hệ thống điều khiển Dữ liệu Tình báo Mục tiêu (TIDAT) sang Tổ hợp Hệ thống Dữ liệu Chiến thuật Pháo binh Tiên tiến (AFATDS) cần phải thực hiện thủ công.
Kết quả là sự tương tác của các quân đoàn trở nên khó thống nhất và đạt hiệu quả tối ưu. Ngoài ra, người ta tin rằng việc tích hợp các hệ thống ACS riêng lẻ vào các vành đai chiến thuật chung sẽ phát sinh nhiều vấn đề về tính đồng bộ, không thể phát huy hết tiềm năng của vũ khí và thiết bị hiện đại.
Để giải quyết những thiếu sót hiện tại và hướng đến những bước đột phá mới trong thông tin liên lạc, Dự án hội tụ phát triển với mục tiêu tạo ra một hệ thống điều khiển tự động mới ở cấp chiến lược điều hành, có khả năng kết nối các hệ thống riêng biệt và đảm bảo sự tương tác toàn diện. Về cơ bản các hệ thống mới phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo có thể giúp mở rộng khả năng chiến đấu của quân đội.
Triển vọng một mạng lưới điều khiển chung
Dự án hội tụ ra đời nhằm kết nối tất cả các khí tài quân sự trong các môi trường khác nhau, từ tiểu đội súng trường đến lực lượng vệ tinh do thám. Một tổ hợp điều khiển và giao tiếp như vậy sẽ nhận dữ liệu từ tất cả thiết bị trinh thám và giám sát đang hoạt động, tạo ra một trường thông tin tổng thể cung cấp cho các đơn vị thành viên hệ thống theo định dạng riêng của họ mà không cần trải qua bước cải tiến toàn hộ các phương tiện liên lạc và điều khiển hiện có.
Các kĩ sư đề xuất sử dụng trí thông minh nhân tạo AI, có thể độc lập nghiên cứu tình hình tự đưa ra các quyết định, chủ động lựa chọn phương tiện chiến đấu tùy mục đích khác nhau. Ngoài ra, AI sẽ chịu trách nhiệm truyền dữ liệu, đồng thời giảm tải bớt nhân sự, thiết bị và các kênh liên lạc mà không bị mất đi tính hiệu quả. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo của tổ hợp này phải được "huấn luyện" để sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau mà không cần quân đội điều khiển.
Lầu Năm Góc đề xuất phương hướng của nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu được chia thành ba giai đoạn chính. Ở giai đoạn đầu sẽ phóng một vệ tinh thực hiện trinh sát tại khu vực nhất định. Sau đó dữ liệu vệ tinh được truyền tới trạm chỉ huy cách xa khu vực thử nghiệm 1.300 dặm, đồng thời xử lý thông tin, tìm kiếm mục tiêu và phân phối các nhiệm vụ chiến đấu.
Ở giai đoạn thứ hai, tiến hành thử nghiệm các dữ liệu mục tiêu được truyền đến máy bay F-35 và hệ thống pháo binh một cách nhanh nhất. Trong giai đoạn thứ ba, sử dụng máy bay thực hiện nhiệm vụ trinh sát và truyền dữ liệu đến hệ thống chỉ huy tự động riêng lẻ, kế đó chỉ định mục tiêu rồi truyền thông tin đến các đơn vị pháo binh.
Đã kiểm nghiệm thực tế sơ bộ
Vào giai đoạn tháng 8-9 vừa qua, các thử nghiệm của Project Convergence được thực hiện trong năm tuần tại bãi thử Yuma. Được biết, tại buổi thử nghiệm có sự tham gia của lực lượng bộ binh, máy bay của lực lượng không quân và vệ tinh do thám của lực lượng hàng không vũ trụ. Kết quả cho thấy khả năng làm việc chung thông qua hệ thống ACS mới mang lại hiệu quả cao.
Trong năm tới, quân đội Mỹ dự định tiến hành các thử nghiệm mới với sự tham gia của nhiều đơn vị khác nhau và nhiều thiết bị đa dạng. Đặc biệt trong đó là kế hoạch đưa hệ thống tên lửa PrSM đầy hứa hẹn thử nghiệm với Project Convergence.
Các ý tưởng được đề xuất thực hiện mang tính đột phá và việc khai thác chúng có thể làm thay đổi sâu sắc diện mạo và khả năng của các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, khả năng kết hợp các hệ thống điều khiển tự động khác nhau với nhiều điểm khác biệt, cũng như đề xuất sử dụng trí tuệ nhân tạo đã làm phức tạp đáng kể ảnh hưởng đến dự án trên.
Trong tương lai, Project Convergence ACS rõ ràng cần trải qua nhiều thời gian nghiên cứu sâu hơn, cũng như đạt yêu cầu kiểm tra chất lượng và thử nghiệm trong các điều kiện càng sát thực tế càng tốt.
(theo Top War)