Quân đội Mỹ phát triển vũ khí laser xung siêu ngắn chiến thuật
Quân đội Mỹ nghiên cứu vũ khí laser xung siêu ngắn chiến thuật (UPSL), dự kiến thử nghiệm vào tháng 8-2022...
Hiện nay, vũ khí laser thường có kích thước lớn, và để tiêu diệt mục tiêu, chùm tia laser phải nhằm vào một vật thể bất động trong một thời gian nhất định. Do đó, việc sử dụng laser làm vũ khí được quân đội Mỹ coi là một giải pháp thay thế không khả thi. Bởi vì, nó không hiệu quả đối với các mục tiêu di động. Tuy nhiên, Mỹ gần đây đang tích cực nghiên cứu để giải quyết hạn chế này.
Theo tờ New Scientist, quân đội Mỹ hiện đang phát triển loại vũ khí laser mạnh nhất trong lịch sử. Theo đó, vũ khí này mạnh hơn 1 triệu lần so với các hệ thống laser hiện có. Quân đội Mỹ dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8-2022.
Tia laser xung siêu ngắn chiến thuật
Thông thường các chùm tia laser phải tập trung chiếu liên tục vào mục tiêu, trong khi công nghệ mà Mỹ có được vào cuối năm 2022 là hoàn toàn mới. Đó là loại tia laser xung siêu ngắn chiến thuật, hay còn gọi là UPSL (The Tactical Ultrashort Pulsed Laser). Công nghệ này lần đầu tiên được biết đến vào năm 2014.
Theo các chuyên gia, có sự khác biệt đáng kể giữa công nghệ laser quân sự mới và các ứng dụng laser cũ. Nhờ thành tựu này, trong bất kỳ cuộc xung đột tương lai, những vũ khí laser mới này sẽ thay đổi cán cân sức mạnh có lợi cho quân đội Mỹ.
Công nghệ UPSL mà quân đội Hoa Kỳ đang nghiên cứu đưa ra viễn cảnh về những vũ khí laser có khả năng làm “tan chảy” bất kỳ mục tiêu nào, hoặc diệt mục tiêu ngay lập tức, ngay cả khi nó đang di chuyển.
Theo đó, mục tiêu chính của các nhà phát triển vũ khí mới của Mỹ là nâng sức mạnh của những xung lực laser lên 2 terawatt (1012 watt) trong một khoảng thời gian cực ngắn, tương đương 200 femto giây (hoặc 1/4 triệu giây). Khi xung lực này tấn công vào một vật thể bất kỳ, trong tích tắc vật thể này đã biến mất. Do đó khả năng tiêu diệt mục tiêu của xung hoặc đạn laser “như ma thuật”.
Vũ khí mới này có thể tiêu diệt mục tiêu đứng yên hoặc di chuyển, đồng thời gây nhiễu cho các thiết bị cảm biến quang học của đối phương. Ngoài ra, nếu như trước đây, trong quá trình sử dụng vũ khí laser, đơn vị sử dụng có thể bị bỏng và mù tạm thời, công nghệ UPSL mới bảo vệ tốt cho người lính và không gây tổn hại gì cho họ.
Vũ khí laser - giấc mơ thành hiện thực
Năm 1960, lần đầu tiên từ "laser" liên quan đến vũ khí bắt đầu được sử dụng ở Mỹ. Khi đó, quốc gia này tỏ ra quan tâm đến việc sử dụng công nghệ laser cho các mục đích quân sự. Năm 1963, những người tham gia một hội nghị bí mật của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã đánh giá khả năng sử dụng tia laser quân sự ở cấp độ chính thức.
Trong 4 thập kỷ tiếp theo, kích thước, trọng lượng và sức mạnh của vũ khí laser là những trở ngại chính đối với việc quân đội Mỹ sử dụng chúng. Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ trong những năm gần đây đã giúp Mỹ thực hiện ý tưởng trang bị tia laser cho lực lượng quân sự.
Chris Frye, Giám đốc của Northrop Grumman Corp, tập đoàn chuyên về công nghệ hàng không và quốc phòng Mỹ cho biết, với sự tham gia của quân đội Mỹ, họ đang khám phá những điểm mạnh và điểm yếu của laser, từ đó có nhiều phương án lựa chọn khác nhau để tạo ra vũ khí laser. Các vũ khí công nghệ cao này sẽ giúp quân đội Mỹ có thể đồng thời bảo vệ mình trước 30 đòn tấn công trên không và 6 mục tiêu trên mặt đất.
Việc sử dụng công nghệ laser làm vũ khí mang lại cho quân đội Mỹ nhiều lợi thế chiến đấu. Những vũ khí như vậy sẽ không còn là cỗ thiết bị khổng lồ được lắp đặt ở một nơi cố định nữa. Xe cơ giới, máy bay và tàu Hải quân Mỹ sẽ được trang bị đạn laser. Như vậy, vũ khí laser có thể được sử dụng trên mọi chiến trường.
Giữa năm 2020, Hải quân Mỹ chính thức đã thử nghiệm vũ khí laser, hay còn gọi là vũ khí siêu âm. Theo đó, công nghệ laser xung chiến thuật cực ngắn là cách hiệu quả hơn hết để bắn hạ các mục tiêu như tên lửa hành trình.
Theo tuyên bố của quân đội Mỹ, sau khi hoàn thành dự án chế tạo vũ khí laser, các chúng sẽ trở thành một phần của hệ thống phòng không của Washington và các đồng minh. Ngoài ra, vũ khí laser sẽ được sử dụng để bảo vệ các tài sản quan trọng của Mỹ. Tất cả các căn cứ lớn ở nước này cũng sẽ nhận được vũ khí laser trong vòng 5 năm tới (năm 2025).
Theo các chuyên gia, vũ khí laser cho phép Hải quân Mỹ bảo vệ hiệu quả các tàu chiến trước đòn tấn công của số lượng không giới hạn tên lửa và máy bay không người lái. Một căn cứ hoặc hạm đội được trang bị những công nghệ vũ khí này có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào của đối phương ngay lập tức.
Vũ khí này cũng tỏ ra hiệu quả trong việc tấn công tên lửa di động, đồng thời thực hiện chính xác ở nhiều giai đoạn khác nhau, từ phát hiện mục tiêu đến tiêu diệt.
Những khả năng và lợi thế của vũ khí laser cho phép các chuyên gia coi nó là một vũ khí hạt nhân mới. Trong nhiều năm, vũ khí hạt nhân là công cụ bị đe dọa, bởi tất cả những nước sở hữu chúng có thể bị rơi vào vòng xoáy các cuộc xung đột chính trị (như Triều Tiên, Iran). Đồng thời, việc sở hữu vũ khí hạt nhân là lý do dẫn đến các cáo buộc chống lại một số quốc gia khác.
Do đó, trong tương lai, vũ khí laser cũng có thể trở thành phương tiện gây áp lực và cảnh báo đối với các nước. Vũ khí này có thể chưa được áp dụng ở cấp độ liên lục địa, nhưng công nghệ mới này trong tương lai sẽ mang lại nhiều lợi thế cho quốc gia sở hữu.