Cải cách cơ cấu trong lực lượng vũ trang Nga đã đưa họ lên tầm chiến lược mới, cho phép cùng với kinh nghiệm chiến đấu có được, Moskva đủ sức tiến hành hoạt động quân sự quy mô lớn tương tự chiến dịch "Bão táp sa mạc" do Mỹ thực hiện.
Ý kiến này được thể hiện trong ấn bản 19Fortyfive của Mỹ, họ tin rằng "Bão táp sa mạc" đã trở thành tiêu chuẩn để thể hiện một cách tiếp cận chiến lược mới, bao gồm cuộc tấn công từ xa "làm mềm đối phương" và sử dụng các đội hình tác chiến mặt đất sau đó.
"Không ai khác ngoài Mỹ thực hiện được một chiến dịch như vậy cho đến thời điểm này, Washington đã thay đổi luật chơi, đánh bại một đối thủ mạnh trong thời gian chớp mắt", tờ 19FortyFive cho biết.
Như đã chỉ ra, chiến dịch "Bão táp sa mạc" cho thấy "sự kém cỏi về học thuyết quân sự của những quốc gia có quân đội lạc hậu, không thích hợp trong chiến tranh hiện đại".
Các chiến lược gia Nga đã nghiên cứu kỹ lưỡng những bài học của cuộc chiến này. Đối với Moskva, sau cuộc xung đột năm 2008 với Gruzia, “mặc dù giành được chiến thắng nhưng vẫn gặp khó khăn lớn trước kẻ thù nhỏ hơn nhiều”, dẫn tới việc chuyển đổi cơ cấu đã được thực hiện.
"Mục đích của cải cách của Nga là thay đổi cơ cấu các lực lượng vũ trang thông thường và đưa họ trở thành loại hình trinh sát và hỏa lực lý tưởng", ấn phẩm Mỹ nói rõ.
Đồng thời các tướng lĩnh Nga "trong nhiều năm đã tích cực nghiên cứu các hoạt động quân sự của Mỹ, đặc biệt là ở Trung Đông và Kosovo", dẫn tới việc ngày nay Quân đội Nga có khả năng tiến hành hoạt động quân sự theo quy tắc "Bão táp sa mạc".
"Để trở lại như một cường quốc, Nga đã phải khắc phục những thiếu sót của mình", tờ báo Mỹ giải thích và nói thêm, kết quả là bộ máy quân sự của Liên bang Nga đã được xây dựng lại phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ thông tin.
"Những bài học kinh nghiệm từ nghiên cứu cách Mỹ tiến hành chiến dịch Bão táp sa mạc đã giúp hình thành các chiến thuật tấn công / trinh sát hiện nay của Quân đội Nga".
"Việc tái trang bị quân đội, các cuộc tập trận liên tục và sự chú ý đặc biệt đến hệ thống C4ISR (Chỉ huy, Kiểm soát, Truyền thông, Máy tính, Tình báo, Giám sát và Trinh sát) khiến họ có thể chuyển sang một chiến lược quân sự mới".
Như tác giả bài viết giải thích, vào năm 2015, khi Nga can thiệp vào cuộc xung đột Syria, họ đã thể hiện các yếu tố của chiến dịch Bão táp sa mạc khi tập trung vào việc tiến hành cái gọi là "hoạt động đa miền".
Quân đội Nga đã thực hiện các cuộc tấn công chính xác từ nhiều nền tảng khác nhau (trên không, dưới mặt đất, từ tàu nổi và tàu ngầm) với việc sử dụng chiến tranh điện tử và chiến tranh thông tin.
"Chiến dịch quân sự tại Syria đã cho cả thế giới thấy rằng Lực lượng vũ trang Nga đã thoát khỏi mô hình quá khứ thuộc Liên Xô và hiện có tiềm năng sánh ngang với Quân đội Mỹ".
Theo nhận xét của tờ 19FortyFive, do kết quả của việc tái cơ cấu các lực lượng vũ trang, hiện Moskva đã có thể tiến hành một chiến dịch huy động lực lượng hàng không vũ trụ công nghệ cao trên quy mô lớn.
Hoạt động tác chiến của Quân đội Nga hiện còn được hỗ trợ bởi thông tin và chiến tranh mạng, khiến đối thủ vất cả hơn khi đối phó, khi không chỉ đụng độ trên chiến trường truyền thống.
Trong trường hợp xảy ra xung đột với Ukraine, sức mạnh của Quân đội Nga có lẽ sẽ được thể hiện một cách rõ ràng nhất, tờ báo Mỹ khẳng định.
Bạch Dương