Quân đội Nga nhận lô tiêm kích MiG-31BM mới nhất khi Ukraine sắp nhận F-16

Việc Bộ Quốc phòng Nga nhận lô tiêm kích MiG-31BM được nâng cấp và hiện đại hóa đầu tiên trong năm nay được chú ý trong thời điểm Ukraine chuẩn bị nhận tiêm kích F-16 từ phương Tây.

Khi Ukraine chuẩn bị nhận tiêm kích F-16 mong chờ đã lâu từ phương Tây, tập đoàn sản xuất máy bay United Aircraft Corporation (UAC) của Nga đã bàn giao lô tiêm kích MiG-31BM được nâng cấp và hiện đại hóa đầu tiên trong năm nay cho Bộ Quốc phòng Nga.

Quân đội Nga nhận tiêm kích MiG-31BM mới nhất

Theo trang The EurAsian Times, kênh Telegram của UAC đăng tải đoạn tin nhắn có nội dung: “Nhà máy sản xuất máy bay Sokol ở TP Nizhny Novgorod đã chuyển giao cho Bộ Quốc phòng Nga lô tiêm kích MiG-31BM đầu tiên trong năm nay sau khi được sửa chữa và hiện đại hóa”.

 Tiêm kích MiG-31 của Nga. Ảnh: Defense Express

Tiêm kích MiG-31 của Nga. Ảnh: Defense Express

Việc chuyển giao tiêm kích MiG-31BM được thực hiện theo khuôn khổ đơn đặt hàng quốc phòng nhà nước. Ngoài ra, tất cả thiết bị đã vượt qua các cuộc thử nghiệm bay và trên mặt đất, và đang được chuyển đến các căn cứ thường trực. UAC nhấn mạnh rằng máy bay MiG-31 được hiện đại hóa có các đặc điểm và khả năng chiến đấu cao phù hợp trong chiến đấu hiện đại.

Nga đã sử dụng rộng rãi tên lửa siêu thanh Kinzhal chống lại Ukraine trong những tuần gần đây, và có thể đang tìm cách mở rộng phi đội MiG-31 vốn có thể mang tên lửa Kinzhal.

Tính đến năm 2023, Nga đã có 3 phi đội MIG-31 hoặc khoảng 90 máy bay đang hoạt động. Hiện chưa rõ có bao nhiêu máy bay chiến đấu tiên tiến này thực sự nằm trong kho vũ khí của Nga vì UAC không tiết lộ họ cung cấp cho Bộ Quốc phòng Nga bao nhiêu chiếc.

Một lô tiêm kích MiG-31BM bổ sung có thể là điềm tốt cho Lực lượng Hàng không vụ trụ Nga và tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của nước này trước bất kỳ đối thủ nào. MiG-31 đã chứng tỏ vượt trội hơn các máy bay chiến đấu khác được triển khai trong chiến sự ở Ukraine.

Việc UAC bàn giao tiêm kích MiG-31BM cho Bộ Quốc phòng Nga đáng chú ý trong thời điểm này vì Ukraine chuẩn bị nhận tiêm kích F-16 từ các nước phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây thông báo lô tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất đầu tiên đang được chuyển đến Ukraine. Ông Blinken cho hay F-16 đang được chuyển từ Đan Mạch và Hà Lan.

“Những máy bay này sẽ bay trên bầu trời Ukraine trong mùa hè này để đảm bảo rằng Ukraine có thể tiếp tục đối phó hiệu quả cuộc tấn công của Nga”- Ngoại trưởng Mỹ nói.

Giới quan sát quân sự lập luận rằng mặc dù F-16 sẽ nâng cao khả năng phòng thủ và tấn công của Ukraine nhưng chúng không phải là viên đạn bạc cho Không quân Ukraine, và sẽ bị máy bay Nga áp đảo, trong đó có tiêm kích MiG-31BM.

“Những chiếc F-16 Block 20 MLU không tốt hơn những chiếc MiG-29 của Ukraine. Nếu muốn đẩy lùi MiG-31 thì F-16 cần phải được nâng cấp với radar, thiết bị điện tử hàng không hiện đại và tên lửa không đối không tầm xa AIM-120 có tầm bắn 180 km” – Thống chế không quân Anil Chopra của Không quân Ấn Độ đã về hưu nêu ý kiến.

Sức mạnh của MiG-31BM

MiG-31 được chế tạo trong những năm 1970 nhằm thay thế tiêm kích MiG-25. MiG-31 tuy bay chậm hơn máy bay tiền nhiệm nhưng có khả năng chiến đấu cao hơn đáng kể và khả năng tự chủ gia tăng.

Máy bay đa nhiệm MiG-31BM đã trải qua quá trình sửa đổi sâu rộng. Các nâng cấp bao gồm tiếp nhiên liệu giữa chuyến bay, radar mảng pha mới và kiểm soát chiến đấu tập trung vào mạng. Nhờ khung máy bay chắc chắn hơn, thời gian phục vụ cũng được tăng lên từ 2.500 giờ lên 3.500 giờ.

Theo người Nga, MiG-31BM hiệu quả hơn 2,6 lần so với các phiên bản MiG-31 trước đó. Radar Zaslon-M được nâng cấp của máy bay có ăng-ten với đường kính 1,4 m, có thể xác định mục tiêu trên không cách xa 400 km.

 Tiêm kích MiG-31BM. Ảnh: Defense Express

Tiêm kích MiG-31BM. Ảnh: Defense Express

Tổ hợp radar mới của MiG-31BM có thể theo dõi cùng một lúc 24 mục tiêu trên không, và 6 mục tiêu trong số đó có thể bị tên lửa R-33S tấn công đồng thời. Radar này được cho hoạt động tốt ngay cả khi bị nhiễu radar.

Gọi MiG-31 là máy bay đa nhiệm vì có thể sử dụng tên lửa không đối đất, tên lửa chống hạm và tên lửa chống radar. Biến thể này có cùng hệ thống điện tử hàng không với tiêm kích MiG-29SMT và được trang bị đầu dò tiếp nhiên liệu.

MiG-31BM còn có màn hình đa chức năng (MFD) và hệ thống cần điều khiển HOTAS mới hơn cũng như hệ thống điện tử hàng không cải tiến. Với tầm bay khoảng 56 km, trong bộ phận có thể thò ra thụt vào dưới mũi máy bay có hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng tia hồng ngoại (IRST).

MiG-31BM có thể mang 9 tấn đạn dược, và được trang bị nhiều loại tên lửa không đối đất và không đối không. Tên lửa Mach-6 R-37 mới có tầm bắn 400 km. MiG-31BM còn có thể mang tên lửa không đối không tầm xa R-33 và tên lửa tầm ngắn phóng từ trên không R-73.

MiG-31 hoạt động như một máy bay chiếm ưu thế trên không. Máy bay được trang bị các liên kết dữ liệu an toàn kỹ thuật số, và hình ảnh radar máy bay có thể được chuyển tới các tiêm kích Su-30 và MiG-29.

Các cuộc tuần tra chiến đấu trên không của MiG-31BM đã chứng tỏ hiệu quả cao trước các máy bay tấn công của Ukraine. Nga đã tận dụng sự kết hợp nguy hiểm giữa tiêm kích MiG-31 (gồm cả biến thể MiG-31BM) và tên lửa R-37 tầm xa để tạo ra một số ưu thế trên không. Máy bay MiG-31 được cho đã bắn rơi một số máy bay Ukraine trong cuộc tấn công từ xa, chủ yếu là sử dụng tên lửa tầm xa R-37.

Máy bay MiG-31 có thể hoạt động gần như không bị cản trở do các máy bay của Ukraine thiếu tầm hoạt động, tốc độ và độ cao.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/quan-doi-nga-nhan-lo-tiem-kich-mig-31bm-moi-nhat-khi-ukraine-sap-nhan-f-16-post801013.html