Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm trang sử hào hùng
Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, xây dựng, giáo dục và rèn luyện. 80 năm qua, Quân đội ta không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Từ chiến thắng trận đầu đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, trên cơ sở các đội vũ trang cách mạng ở miền Bắc, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của QĐND Việt Nam được thành lập với 34 cán bộ, chiến sĩ. Sau vài ngày thành lập, Đội đã giành thắng lợi trong hai trận Phai Khắt (25/12/1944) và Nà Ngần (26/12/1944), tạo nên truyền thống đánh thắng trận đầu, đã ra quân là đánh thắng của QĐND Việt Nam anh hùng.
Tháng 4/1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân cùng lực lượng vũ trang (LLVT) các địa phương và nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là QĐND Việt Nam.
Đánh thắng thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVT phát triển mạnh mẽ, cùng nhân dân quyết chiến đấu với quân xâm lược. Cuối năm 1946, theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước chia thành 12 chiến khu. Nam Bộ vẫn tổ chức các chi đội Vệ quốc đoàn; Bắc Bộ và Trung Bộ có 30 trung đoàn và một số tiểu đoàn thuộc các chiến khu.
Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp huy động hơn một vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, bất ngờ tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Sau hơn hai tháng mở chiến dịch phản công (từ ngày 7/10 đến 20/12/1947), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch. Từ đầu năm 1948 đến giữa 1950, bộ đội ta liên tiếp mở trên 20 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Mức độ tập trung cho mỗi chiến dịch từ 3 đến 5 tiểu đoàn, sau nâng dần lên 2 đến 3 trung đoàn.
Từ giữa năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương rút các đại đội độc lập về xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) ra đời; tiếp đó từ năm 1950 đến 1952, lần lượt các đại đoàn chủ lực được thành lập: Đại đoàn 304 (Đại đoàn Vinh Quang), Đại đoàn 312 (Đại đoàn Chiến Thắng), Đại đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng), Đại đoàn Công-pháo 351, Đại đoàn 316 (Đại đoàn Bông Lau), Đại đoàn 325 (Đoàn Bình-Trị-Thiên); lực lượng pháo binh, công binh, trinh sát được bổ sung biên chế, LLVT ta không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh.
Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, chủ động tấn công Pháp. Sau gần một tháng (từ ngày 16/9 đến 14/10/1950), ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch, giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, phá vỡ thế bao vây, khai thông liên lạc với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, kết nối cách mạng nước ta với cách mạng thế giới.
Sau Chiến dịch Biên giới, trong vòng 6 tháng (12/1950 đến 6/1951), ta đã liên tiếp mở ba chiến dịch: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung. Đây là những chiến dịch quy mô lớn đầu tiên đánh vào phòng tuyến kiên cố của địch ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt thắng lợi các chiến dịch: Hòa Bình (cuối năm 1951, đầu 1952); Tây Bắc (cuối 1952)... làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Đông Dương, trên cơ sở đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, tháng 9/1953, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm (từ ngày 13/3 đến 7/5/1954) liên tục chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay; thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch ở Điện Biên Phủ; buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của Quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang (1944-1954).
"Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" (1954-1975)
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đến thập niên 60 của thế kỷ XX, Quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, nhiều lực lượng và quân binh chủng ra đời, tạo nền móng cho xây dựng Quân đội tiến tới chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.
Ở miền Bắc, Quân đội đã tích cực tham gia công tác tiếp quản các thành phố, thị xã và các vùng do quân Pháp chiếm đóng trước đây. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân quản, phối hợp với các lực lượng công an nhanh chóng thiết lập trật tự, trị an, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đấu tranh chống địch bắt người, cướp của, phá hoại tài sản công cộng.
Ở miền Nam, để đẩy mạnh cao trào cách mạng, ngày 15/2/1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các LLVT nhân dân ở miền Nam; đây là bộ phận của QĐND Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam. Quân Giải phóng đã phối hợp với các lực lượng và cùng quần chúng nhân dân đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, với thắng lợi Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng cuối năm 1972, quân và dân ta, nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn mang tên “Linebacker II”, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111. Chiến thắng này đã góp phần quyết định buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973).
Tuy nhiên, dưới sự giúp sức của đế quốc Mỹ, ngụy quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm Hiệp định Paris, ráo riết thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Để sớm kết thúc chiến tranh, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn: Quân đoàn 1 (10/1973), Quân đoàn 2 (5/1974), Quân đoàn 4 (7/1974), Quân đoàn 3 (3/1975) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn, 2/1975). Việc thành lập các quân đoàn chủ lực đã đánh dấu bước phát triển mới của QĐND Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tháng 3/175, bộ đội ta mở Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên - Huế, Chiến dịch Đà Nẵng và giành thắng lợi. Từ những thắng lợi đó, Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26/4/1975, quân ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng, do các Quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8) đảm nhiệm. Sau nhiều trận chiến đấu quyết liệt đánh chiếm vòng ngoài thắng lợi, sáng 30/4/1975, quân ta tổng công kích vào nội thành Sài Gòn. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ của Quân Giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Song song với các cuộc tiến công trên bộ giành thắng lợi, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tranh thủ thời cơ, mưu trí, táo bạo, bất ngờ tiến công lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế
Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Quân đội ta phải tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Quân tình nguyện Việt Nam cùng với LLVT cách mạng Campuchia đã đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng Thủ đô Phnom Penh vào ngày 7/1/1979. Trong 10 năm (1979-1989), quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã phát huy tinh thần quốc tế trong sáng, cùng quân dân Campuchia truy quét tàn quân Pôn Pốt, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng LLVT, hồi sinh đất nước.
Cũng đầu năm 1979, quân và dân ta chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Cuộc chiến đấu diễn ra trong thời gian ngắn (từ ngày 17/2 đến 6/3/1979), nhưng trên thực tế tình hình biên giới phía Bắc căng thẳng kéo dài đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX. Trong cuộc chiến đấu này, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc...
Xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại
Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đến nay, Quân đội cùng toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất và nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.
Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai nhiều giải pháp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; tập trung xây dựng Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Theo qdnd.vn