Quản đội tàu VR-SB qua thiết bị nhận dạng tự động
Cuối năm 2022 các phương tiện pha sông biển VR-SB phải hoàn thành lắp thiết bị nhận dạng tự động...
Ngày 16/9, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đang hoàn thiện dự thảo thông tư của Bộ GTVT quy định về hoạt động của phương tiện thủy nội địa pha sông biển mang cấp VR-SB hoạt động trên tuyến ven biển Bắc - Nam.
Dự thảo thông tư quy định, tàu VR-SB được hoạt động theo vạch tuyến ven biển, giữa các cảng, bến thủy và cảng biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, thuộc địa phận 28 tỉnh, thành phố.
Các Cục: Đường thủy nội địa VN, Hàng hải VN, Đăng kiểm VN và Sở GTVT các địa phương có thẩm quyền, trách nhiệm chính trong việc quản lý hoạt động của tuyến vận tải này.
Cơ quan chức năng tăng cường quản lý hoạt động tàu VR-SB qua hệ thống thiết bị nhận dạng tự động AIS
Để khắc phục tình trạng tàu VR-SB hoạt động ngoài phạm vi tuyến được công bố trong thời gian qua, dự thảo quy định các phương tiện phải đáp ứng điều kiện về đăng ký, đăng kiểm và được quản lý, giám sát qua thiết bị nhận dạng tự động AIS.
Đề cập vấn đề trên, Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, từ năm 2019 đến nay, đội tàu VR-SB đang thực hiện lắp đặt thiết bị AIS theo lộ trình được Bộ GTVT quy định tại Thông tư số 39/2018 (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phương tiện thủy nội địa…).
Theo lộ trình, các tàu có trọng tải, công suất lớn hoặc chở khách trên tuyến có chiều dài hơn 15km phải lắp đặt trước, sau cùng là tàu có tổng dung tích từ 500GT trở lên.
“Đến hết năm 2020, các tàu VR-SB chở hàng có tổng dung tích từ trên 1.000 GT hoặc tàu chở trên 50 khách đã được cấp chứng nhận đăng kiểm đều hoàn thành lắp thiết bị nhận dạng tự động AIS. Từ nay đến 31/12/2022, các tàu VR-SB có tổng dung tích từ 500GT đến dưới 1.000 GT đang hoạt động hoặc đóng mới, chuyển đổi từ loại phương tiện khác sang phải hoàn thành lắp AIS. Đây là điều kiện để cấp chứng nhận đăng kiểm để phương tiện hoạt động”, lãnh đạo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Cũng theo Phòng Tàu sông, thời gian qua hầu hết các tàu VR-SB đều tuân thủ việc lắp đặt thiết bị AIS sớm hơn hoặc đúng theo lộ trình. Bên cạnh đó, đến nay các tàu VR-SB có tổng dung tích từ 300 GT trở lên đều trang bị, bố trí các thiết bị hành hải như ra đa, phao vô tuyến chỉ báo vị trí sự cố qua vệ tinh (phao S.EPIRB).
Hiện việc tiếp nhận, trao đổi thông tin và quản lý qua thiết bị nhận dạng tự động AIS đối với các tàu VR-SB chủ yếu qua hệ thống của đơn vị thông tin duyên hải thuộc lĩnh vực hàng hải quản lý.
Theo Cục Đăng kiểm VN và Đường thủy nội địa VN, hiện toàn quốc có hơn 2.000 tàu VR-SB hoạt động trên các tuyến ven biển, trong đó trên tuyến vận tải Bắc - Nam thường xuyên có trên dưới 1.200 phương tiện vận chuyển hàng hoạt động.
Tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam dành cho tàu VR-SB được công bố từ nửa cuối năm 2014. Trong giai đoạn 2014-2019, trung bình mỗi tháng đội tàu này vận chuyển đạt 2,2 triệu tấn hàng; còn từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng vận chuyển 5 triệu tấn.