Quân đội thời xưa xử lý chất thải lúc hành quân như thế nào
Chiến tranh rất nguy hiểm. Mối nguy không chỉ đến từ kẻ địch mà còn từ dịch bệnh do quản lý vệ sinh và xử lý chất thải kém.
Bệnh tả, sốt phát ban, kiết lị có thể đã giết chết nhiều người trong chiến tranh hơn thanh kiếm, mũi tên hay súng đạn. Chẳng hạn ở cuộc chiến Crimea những năm 1850, số binh sĩ Anh tử vong do bệnh tật cao gấp 25 lần con số hy sinh lúc chiến đấu. Không đội quân nào duy trì được sức mạnh nếu không có hệ thống quản lý vệ sinh và xử lý chất thải phù hợp. Năm 1415 dù đại thắng quân Pháp ở Agincourt, Vua Henry V của Anh vẫn mất đến 1/5 lực lượng ban đầu vì tử trận hoặc vì kiết lị. Đáng lẽ chiến thắng sẽ trọn vẹn hơn nếu họ biết cách phòng ngừa dịch bệnh.
Và không chỉ chất thải từ con người, chất thải từ ngựa chiến, ngựa thồ, thức ăn cũng cần xử lý.

Dịch bệnh nguy hiểm không kém kẻ địch - Ảnh: Dawid Kalisinski Photography/iStock
Quân La Mã
Ta không thể biết chính xác quân đội thời xưa xử lý chất thải như thế nào, nhưng theo trang Interesting Engineering thì đội quân của La Mã cổ đại là một trong số lực lượng đầu tiên chuẩn hóa hoạt động quản lý vệ sinh.
Lúc hành quân, có thời điểm các đơn vị được nghỉ ngơi để “giải quyết nỗi buồn” trên chiến trường. Còn khi toàn quân dừng lại vào ban đêm, binh sĩ phải đi vệ sinh tại khu vực chỉ định bên ngoài phạm vi trại.
Quân La Mã còn xây dựng nhà vệ sinh dã chiến là hố nông được đào nhanh, lấp đi hàng ngày bởi đơn vị chuyên trách. Binh sĩ được khuyến khích sử dụng nguồn nước chảy tự do (tất nhiên luôn là hạ lưu sông). Vài tài liệu như De Re Militari của nhà quân sự Vegetius mô tả nhà vệ sinh dã chiến phải ở dưới dốc và xuôi hướng gió so với lều. Binh sĩ không tuân thủ đều chịu phạt.
Chiến dịch bao vây nổi tiếng dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh nếu hoạt động quản lý vệ sinh yếu kém. Đây là vấn đề nhức nhối đối với quân đội cho đến tận ngày nay.
Quân Mông Cổ
Đội quân dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn và những người kế vị nằm trong số lực lượng cơ động nhất lịch sử. Họ phụ thuộc nhiều vào kỵ binh nên hoạt động quản lý vệ sinh khác với quân đội truyền thống phụ thuộc bộ binh như quân La Mã.
Một số ghi chép lịch sử chỉ ra quân Mông Cổ đặt ra nhiều quy tắc ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước nghiêm ngặt. Mặc dù vậy binh sĩ có thể đã sử dụng khu vực cụ thể để “giải quyết nỗi buồn” và tiến hành chôn chất thải theo lệnh.
Việc lực lượng du mục như quân Mông Cổ ít coi trọng vệ sinh trong quá trình chinh phục góp phần giải thích vì sao họ là tác nhân làm bùng phát dịch bệnh như dịch hạch. Chất thải từ động vật (đặc biệt từ ngựa) có khả năng bị bỏ lại.
Những năm 1800
Các đội quân như lực lượng của Napoleon hay lực lượng thời nội chiến Mỹ đối mặt với thách thức lớn trong xử lý chất thải lúc hành quân. Chiến tranh thời điểm đó quy tụ hàng trăm nghìn người lẫn động vật, nên việc quản lý vệ sinh trở thành nhiệm vụ khó khăn hàng ngày.
Binh sĩ thời Napoleon được yêu cầu đào hố xí mỗi ngày và đốt chất thải thực phẩm. Tuy nhiên, vài nhật ký trong Chiến tranh Bán đảo (1807 - 1814) cùng Chiến tranh Nga - Pháp 1812 mô tả các trại lính ngập tràn rác thải, dẫn đến tổn thất sinh mạng khủng khiếp. Nhiều cuộc khai quật khảo cổ học tại Borodino phát hiện hố xí, xác động vật bị giết mổ cùng hố đốt - xác nhận cách bệnh tật lây lan qua tình trạng vệ sinh kém. Các đợt bùng phát sốt phát ban và kiết lị đã tàn phá lực lượng của Napoleon.
Tại Mỹ thời nội chiến, tốc độ hành quân nhanh không để lại thời gian xử lý chất thải đúng cách. Loạt quy định yêu cầu đào hố xí cách xa lều và xử lý bằng vôi không phải lúc nào cũng được chấp hành nghiêm túc.
Chất thải động vật
Trước khi được cơ giới hóa, đội quân nào đều phải dựa vào động vật. Ngựa, la, bò để lại phân ở khắp mọi nơi chúng đi qua, hiếm khi được dọn dẹp.
Chất thải động vật có thể là nguồn gây bệnh, đặc biệt khi trộn với nước đọng hay chất thải thực phẩm. Nhưng quân đội thường chấp nhận thay vì xử lý.
Đây không phải vấn đề lớn ở vùng khí hậu khô. Tuy nhiên ở nơi ẩm ướt hoặc thành thị, chất thải động vật biến địa điểm đóng quân thành đầm lầy.