Quân đội Trung Quốc đứng ở tiền tuyến trong cuộc khủng hoảng virus corona
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã trao cho các đội quân y những trách nhiệm nặng nề nhất, nói rằng virus này hiện tại về cơ bản đã kiềm chế được nhờ những nỗ lực của họ.
Các chuyên gia quân sự cho biết, được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ủy thác trách nhiệm để giúp chống lại sự bùng phát virus corona ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, lực lượng quân đội nước này (PLA) đã đảm nhận một số trách nhiệm nặng nề nhất của Trung Quốc tại thời điểm khủng hoảng lớn.
Tuần trước, ông Tập - chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) - đã chọn trung tâm chỉ huy tại bệnh viện tạm thời Hỏa Thần Sơn do quân đội vận hành làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi chính thức cũng là đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bắt đầu tới Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Điều này đã tái khẳng định vai trò hàng đầu của PLA trong việc chống lại sự lây lan của dịch bệnh.
Hàng nghìn nhân viên quân sự tới Vũ Hán
Khi đến đây, ông đã gửi thông điệp tới các thành viên của đội ngũ y tế PLA rằng sự lây lan của virus về cơ bản đã kiềm chế tại Vũ Hán - nơi nó lần đầu tiên xuất hiện và các thành phố lân cận.
Kể từ khi Bắc Kinh tuyên bố mức độ khẩn cấp y tế cao nhất ở Hồ Bắc vào ngày 25/1, CMC đã triển khai hơn 10.000 nhân viên vào khu vực này. PLA cũng được cấp cho nhiều vai trò hơn chính quyền địa phương trong việc kiểm soát vật tư y tế, một dấu hiệu cho thấy chính quyền trung ương quyết tâm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Lần triển khai đầu tiên gồm 1.400 quân nhân đã được gửi đến Hỏa Thần Sơn vào ngày 4/2, hai ngày sau khi bệnh viện rộng 25.000 m2 được hoàn thành.
"Quân đội đã được đào tạo bài bản để phản ứng nhanh trước mọi diễn biến quan trọng", nhà quan sát quân sự từ Bắc Kinh Zhou Chenming nói. Tất cả các sĩ quan và binh lính đã chiến đấu chống lại virus corona như thể hưởng ứng lời kêu gọi tiến hành hoạt động quân sự phi truyền thống - nơi họ có thể thể hiện sự sẵn sàng chiến đấu".
Khi số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận đã tăng lên hơn 60.000 ca vào giữa tháng 2, ông Tập đã ra lệnh điều thêm 2.600 quân vào hai bệnh viện ở Vũ Hán để giúp chữa trị cho 1.600 bệnh nhân. Lệnh vào ngày 12/2 đã được đưa ra vài giờ sau khi ông chủ trì một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị cao nhất của đất nước, một nguồn tin trong quân đội cho biết.
Nguồn tin này cho biết ông Tập đã ra lệnh cho các chỉ huy nộp danh sách tình nguyện viên ngay lập tức và kết quả là 1.400 tình nguyện viên y tế đầu tiên đã được đưa tới Vũ Hán vào sáng hôm sau.
Họ đã di chuyển trên 11 máy bay, đợt huy động lớn nhất của Không quân PLA, PLA Daily đưa tin.
Chính phủ trung ương đã huy động hơn 60.000 nhân viên y tế dân sự và quân sự để chiến đấu với Covid-19 trong hai tháng qua. Cho đến nay, hơn 3.000 nhân viên đã bị nhiễm bệnh, nhưng không có ai trong số đó đến từ các nhóm hỗ trợ quân sự, Chen Jingyuan, trưởng phòng y tế của Cục Hỗ trợ Hậu cần CMC, cho biết trong tháng này.
Khi Sars bùng phát vào cuối năm 2002 và 2003, CMC đã đưa một đội ngũ y tế PLA gồm 1.200 người đến bệnh viện tạm thời Xiaotangshan ở Bắc Kinh, nơi được xây dựng trong một tuần, để giúp điều trị cho 680 bệnh nhân.
Kinh nghiệm đối phó dịch bệnh
"PLA có nhiều nhà dịch tễ học và nhà virus học có kinh nghiệm, bởi vì quân đội có lịch sử lâu dài nghiên cứu chiến tranh sinh hóa", ông Zhou nói.
PLA đã thành lập Học viện Khoa học Quân y (AMMS) vào năm 1951 trong khi một đội quân tình nguyện của Trung Quốc gồm hơn một triệu quân tham gia cùng Triều Tiên trong cuộc chiến với Hàn Quốc và một lực lượng đa quốc gia do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn để kiểm soát bán đảo Triều Tiên.
Nhiệm vụ trọng tâm của học viện là nghiên cứu chiến tranh hạt nhân, sinh học và hóa học và cũng trở thành đại diện Trung Quốc hợp tác với Fort Detrick ở Maryland - trung tâm các chương trình vũ khí sinh học của Hoa Kỳ từ năm 1943 đến 1969 - và Porton Down, tổ chức vũ khí hóa học đầu tiên của thế giới , được thành lập vào năm 1916.
Thiếu tướng Chen Wei, một nhà khoa học của AMMS, đã lãnh đạo một nhóm làm việc tại Vũ Hán kể từ tháng 1, PLA Daily cho biết. Trước đó, bà đã có nhiều đóng góp trong các nỗ lực cứu trợ tại trận động đất Tứ Xuyên năm 2008và phát triển vắc-xin trong dịch Ebola ở Tây Phi 2014-16.
Bà Chen, 54 tuổi, cũng được ghi nhận rộng rãi vì sự đóng góp trong việc phát triển một loại thuốc xịt mũi giúp 10.000 nhân viên y tế chiến đấu trong đợt bùng phát Sars 2002-03 khỏi bị nhiễm virus.
Chen Jingyuan của CMC cho biết thuốc xịt mũi này chưa được sản xuất hàng loạt nhưng nhân viên quân y ở Vũ Hán đã sử dụng nó và không ai trong số họ bị nhiễm virus corona.
Vào tháng 9 năm 2016, CMC đã thành lập Lực lượng hỗ trợ hậu cần chung tại Vũ Hán sau khi ông Tập Cận Bình cải tổ quân đội Trung Quốc.
Song Zhongping, một chuyên gia quân sự từ Hồng Kông và là nhà bình luận quân sự cho Đài truyền hình Phượng Hoàng cho biết, trụ sở hỗ trợ hậu cần chung ở Vũ Hán đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối các nguồn lực y tế và nhu yếu phẩm cho các nhân viên quân y chiến đấu ở tiền tuyến. Đó là lí do tại sao bộ phận y tế của PLA có thể hoạt động hiệu quả như vậy".
Tại tâm dịch, các sĩ quan hậu cần của PLA chịu trách nhiệm về các nhu yếu phẩm y tế và thiết yếu hàng ngày là để giải quyết việc các đồng nghiệp dân sự phàn nàn về việc thiếu thiết bị bảo vệ, nguồn tin trong quân đội cho biết.
Khi các đội quân hậu cần của PLA tiếp quản công việc phân phối, vấn đề đã được giải quyết vì hệ thống quân đội hiệu quả hơn các bệnh viện địa phương, theo nguồn tin trên.
PLA Daily cũng thông tin là quân đoàn hậu cần cũng chịu trách nhiệm mua và vận chuyển các nhu yếu phẩm hàng ngày cần thiết cho 11 triệu người bị phong tỏa trong thành phố.