Pháo chống tăng D-44 cỡ 85 mm của Liên Xô được phát triển vào năm 1944 và chính thức đưa vào trang bị 2 năm sau đó, vũ khí này được xác định là hỏa lực cấp sư đoàn
Chỉ trong 8 năm được sản xuất hàng loạt, gần 11 nghìn khẩu D-44 đã xuất xưởng, chúng không chỉ phục vụ Quân đội Liên Xô mà còn được cung cấp cho gần 20 quốc gia khác trên khắp thế giới.
Vào thời điểm đó, pháo D-44 có thể tiêu diệt thành công gần như mọi loại xe tăng hạng nhẹ và hạng trung của nước ngoài. Cụ thể, đạn có khả năng xuyên tới 135 mm thép đồng nhất (RHA) ở khoảng cách 500 m.
Loại đạn phân mảnh có sức nổ cao nặng 9,54 kg của nó có khả năng bắn trúng mục tiêu ở cự ly lên tới 15.800 m khi tác xạ gián tiếp, tốc độ bắn khoảng 15 phát/phút.
Trọng lượng chỉ 1.750kg của pháo D-44 giúp nó có thể được vận chuyển bằng các phương tiện tương đối nhẹ hoặc máy kéo bánh xích. Tốc độ xe kéo tối đa là 60 km/h, kíp chiến đấu 6 người.
Những hệ thống pháo chống tăng nòng dài hạng nhẹ nói trên đã tham gia vào một số lượng lớn các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang ở khắp châu Á và châu Phi.
Vào thời điểm Liên Xô tan rã, hầu hết số pháo D-44 đều được cất giữ ở Ukraine, và có lẽ theo thời gian, chúng đơn giản là bị vứt bỏ do không đáp ứng được yêu cầu tác chiến hiện đại.
Tuy nhiên sau khi hứng chịu những thiệt hại đáng kể về thiết bị quân sự trên chiến trường, Lực lượng vũ trang Ukraine đã buộc phải "gọi tái ngũ" nhiều các loại vũ khí lỗi thời trong kho dự trữ, bao gồm cả những khẩu D-44.
Tuy nhiên hóa ra đạn dược cho những khẩu pháo này đã cạn kiệt, chỉ đủ để sử dụng trong một khoảng thời gian rất ngắn. Do đó giá trị của số vũ khí trên đã giảm xuống gần như bằng không.
Chúng thậm chí còn bắt đầu được sử dụng làm mồi nhử, cố tình phơi bày trước các phương tiện tấn công chính xác của Nga, mục đích để tiêu hao kho đạn dẫn đường của đối phương.
Nhưng sau đó, rất may cho Ukraine khi Quân đội Ba Lan đã ra tay "giải cứu" những khẩu pháo D-44 này bằng việc cung cấp đạn nổ phân mảnh UO-365-KW mà họ có số lượng lớn.
Rất nhiều khẩu pháo chống tăng như vậy đã được Quân đội Ukraine đưa vào sử dụng trở lại, bao gồm cả những khẩu được lắp trên xe thiết giáp bánh xích MT-LB để trở thành pháo tự hành.
Trong thời gian gần đây, Quân đội Ukraine cũng áp dụng giải pháp tương tự với pháo chống tăng MT-12 cỡ 100 mm khi đặt chúng lên xe thiết giáp bánh xích nhằm nâng cao sức cơ động.
So với MT-12 thì rõ ràng khẩu D-44 cỡ 85 mm có uy lực kém hơn nhiều và không thể tạo ra mối đe dọa với các xe tăng hiện đại. Có lẽ vũ khí này được sử dụng để chống lại thiết giáp hạng nhẹ hay đơn thuần là phương tiện yểm trợ hỏa lực.
Dù sao đi nữa việc đưa pháo D-44 lên khung gầm xe thiết giáp theo đánh giá vẫn mang lại hiệu quả cao hơn việc tích hợp pháo cao xạ S-60 cỡ 57 mm đang được Quân đội Nga triển khai.