Một danh sách được giới truyền thông Ukraine công bố theo cách có chủ đích đã liệt kê những khiếm khuyết thường gặp phải trên 6 loại pháo do NATO cung cấp cho quân đội nước này, bao gồm cả pháo xe kéo và pháo tự hành.
Mặc dù sau đó thông tin trên đã bị xóa bỏ, nhưng những gì nó cung cấp đã gây ra tiếng vang lớn và khiến giới chuyên gia quân sự trong và ngoài Ukraine hết sức quan tâm.
Theo đó, Quân đội Ukraine đang gặp vấn đề với lựu pháo kéo M777 do Mỹ cung cấp, khi một số khẩu gặp sự cố không rút nòng sau khi bắn thường xuyên. Điều này khiến khẩu pháo bị vô hiệu hóa.
Ngoài ra bản báo cáo còn cho biết, sau 30 lần bắn, nêm bu lông cần được bảo dưỡng một cách kỹ lưỡng. Quân đội Ukraine cũng có vấn đề với lựu pháo tự hành M109 do các vòng đệm tải đạn thường bị cháy.
Các vấn đề cũng được tìm thấy lựu pháo xe kéo của Ý (FH70) và pháo tự hành Đức (PzH 2000). Cụ thể, khẩu FH70 của Ý thường bị giảm áp suất trong cơ cấu cân bằng của pháo.
Trong khi đó, PzH 2000 của Đức gặp sự cố với một số thiết bị điện tử như bộ điều khiển bị quá nhiệt. Không chỉ có vậy, lỗi của bộ phận giảm giật và cơ cấu nạp đạn cũng được ghi nhận.
Hai hệ thống vũ khí tiếp theo trong danh sách là lựu pháo tự hành Krab của Ba Lan và CAESAR của Pháp. Krab thường bị gãy trục trên bộ phận bảo vệ nêm bu lông dưới tác động của phát bắn. Điều tương tự cũng xảy ra với các bu lông nêm.
Trong khi đó trên lựu pháo CAESAR của Pháp, thiết bị dẫn đường cũng gặp lỗi. Binh sĩ Ukraine cũng phát hiện ra một vấn đề khác với vũ khí này đó là đôi khi chương trình ngắm bắn tính toán không chính xác: phát bắn đầu tiên có thể lệch mục tiêu 600 - 800 m.
Mặc dù không có bằng chứng thực tế chứng minh các vấn đề được mô tả, nhưng chúng hoàn toàn có thể xảy ra. Một cuộc chiến pháo binh dữ dội đang diễn ra ở Ukraine, và việc sử dụng với tần suất cực cao gây quá tải cho vũ khí.
Vào cuối tháng 7, phương tiện truyền thông Đức đã công bố vấn đề tồn tại với loại pháo tự hành PzH 2000 được sử dụng trên chiến trường Ukraine.
Ấn phẩm Spiegel viết rằng Kyiv đã thông báo cho Bộ Quốc phòng Đức về việc một số trong số bảy khẩu PzH 2000 được giao vào cuối tháng 6 hiển thị thông báo lỗi sau khi nã đạn dữ dội vào các vị trí của Nga, cho thấy nó cần được sửa chữa.
Quân đội Đức cho rằng các vấn đề được ghi nhận liên quan đến tốc độ bắn cao mà binh sĩ Ukraine thực hiện trong cuộc chiến chống lại quân Nga. Do đó, cơ cấu nạp đạn của lựu pháo phải chịu lực rất lớn.
Nhà sản xuất giới hạn bắn 100 viên đạn mỗi ngày là một nhiệm vụ cường độ cao, nhưng các pháo thủ Ukraine dường như đã bắn nhiều hơn đáng kể. Ngoài ra có báo cáo về việc những người lính đã cố gắng bắn loại đạn đặc biệt ở cự ly quá xa.
Vấn đề cuối cùng liên quan tới pháo phòng không tự hành Gepard 1A2, Đức đã chuyển giao cho Lực lượng vũ trang Ukraine 5 trên tổng số 30 tổ hợp cam kết viện trợ.
Trong lần bắn thử tại Đức, hệ thống kiểm soát hỏa lực không nhận dạng được đạn 35 mm của nhà sản xuất Na Uy, cho nên loại đạn này phải được cải tiến thì những tổ hợp Gepard 1A2 mới có thể tham gia chiến đấu.
Việt Dũng