Quận Hai Bà Trưng triển khai tiêm chủng vaccine Sởi chống dịch tại trường học

Quận Hai Bà Trưng triển khai tiêm chủng vaccine Sởi Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng

Thực hiện kế hoạch tiêm chủng vaccine Sởi chống dịch trên địa bàn quận Hai Bà Trưng năm 2025, căn cứ nhận định tình hình ổ dịch Sởi tại các trường Tiểu học của quận, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng vừa triển khai tiêm chủng vaccine chống dịch Sởi trên địa bàn quận năm 2025.

Đối tượng được tổ chức tiêm trong chiến dịch này là học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine có chứa thành phần Sởi tại các trường Tiểu học có phát hiện ca Sởi dương tính. Đối tượng loại trừ là trẻ đã được tiêm vaccine có chứa thành phần Sởi và/hoặc vaccine sống giảm độc lực trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm hoặc trẻ đã mắc Sởi.

Đối tượng được quận Hai Bà Trưng tổ chức tiêm là học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine có chứa thành phần Sởi tại các trường Tiểu học có phát hiện ca Sởi dương tính (ảnh: Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng)

Đối tượng được quận Hai Bà Trưng tổ chức tiêm là học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine có chứa thành phần Sởi tại các trường Tiểu học có phát hiện ca Sởi dương tính (ảnh: Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng)

Theo Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, mục tiêu cần đạt được là trên 95% học sinh chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần Sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh Sởi - Rubella (MR) tại các trường học có phát hiện ca Sởi dương tính. Ngoài ra, phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng, Nghị định 155/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng.

Vaccine được sử dụng để tiêm là MRVAC, là vaccine phối hợp Sởi - Rubella sống, giảm độc lực, đông khô, được đóng gói 10 liều/lọ và do Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế sản xuất. Mỗi trẻ sẽ được tiêm 1 liều 0,5 ml vaccine đã pha hồi chỉnh. Kỹ thuật tiêm dưới da và vị trí tiêm là mặt ngoài phía trên cánh tay.

Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai tiêm chủng chống dịch, các Trạm Y tế phường phối hợp nhà trường đã tổ chức điều tra, rà soát đối tượng tại trường Tiểu học có ca Sởi dương tính. Sau đó, các trường lập danh sách học sinh theo từng lớp, phát phiếu điều tra tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ. Các thông tin về đối tượng tiêm, thời gian, địa điểm tổ chức tiêm được thông báo tới gia đình từng học sinh.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trước, trong và sau khi triển khai tiêm chủng để phụ huynh học sinh hiểu, phối hợp cơ quan y tế và nhà trường. Các nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của vaccine và tiêm chủng; hiệu quả và phản ứng phụ có thể gặp của vaccine...

Linh Chi

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-hai-ba-trung-trien-khai-tiem-chung-vaccine-soi-chong-dich-tai-truong-hoc.659882.html