Đề xuất tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, luật không giống như các văn bản quy phạm pháp luật khác, nó có tính ổn định và tổng thể, cho nên ĐBQH có tính chuyên nghiệp càng cao thì chất lượng luật đi vào cuộc sống tốt, có sức sống cao, tuổi thọ cao.
Ngày 3-4, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND (sửa đổi).
Tại hội nghị, các ĐBQH chuyên trách thuộc 50 tỉnh, thành trên cả nước đã dành thời gian góp ý nhiều quy định sửa đổi về cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu, quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, hồ sơ ứng cử, danh sách cử tri, việc phân chia đơn vị bầu cử, công tác vận động bầu cử…

Ông Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đắk Nông, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM
Tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách
Cho rằng với số lượng dân số hiện nay thì khoảng hơn 200.000 dân có một ĐBQH, nên ông Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đắk Nông, đề nghị không cơ cấu đại biểu mang tính hình thức, nếu phải cơ cấu thì chất lượng đại biểu phải đảm bảo tốt và giảm đại biểu kiêm nhiệm.
Theo ông Mai, không hoàn toàn đại biểu kiêm nhiệm là không tốt nhưng một số đại biểu kiêm nhiệm chưa thực sự chất lượng về hoạt động. Vì vậy khi sửa luật, phải tính đến điều này. Từ đó, ông kiến nghị tăng đại biểu chuyên trách, thay vì trước đây đại biểu chuyên trách là 40% thì nay lên 50%.
“Vì xây dựng luật phải chuyên nghiệp, luật không giống như các văn bản quy phạm pháp luật khác, nó có tính ổn định và tổng thể, cho nên đại biểu có tính chuyên nghiệp càng cao thì chất lượng luật đi vào cuộc sống tốt, có sức sống cao, tuổi thọ cao”– đại biểu Dương Khắc Mai nói.
Ông Dương Khắc Mai cũng mong Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội quan tâm đến đại biểu chuyên trách địa phương có tính kế thừa, để làm sao kinh nghiệm cũng như trải nghiệm trong quá trình hoạt động của họ được phát huy.
Theo ông Mai, có ý kiến cho rằng muốn là ĐBQH chuyên trách thì phải là ĐBQH (không chuyên trách) trước đó, bởi như vậy họ đã có một trải nghiệm hoặc ít nhất cũng phải là từ cấp Văn phòng Đoàn ĐBQH, tham mưu sâu cho ĐBQH. Vì vậy khi cơ cấu ĐBQH nên lấy từ các nguồn này và ưu tiên nguồn này.
Liên quan vấn đề ĐBQH chuyên trách, ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh, góp ý nên bổ sung quy định về ĐBQH hoạt động chuyên trách trong dự thảo luật sửa đổi lần này.
Ông Bình đề xuất bổ sung một điều mới quy định rõ tỉ lệ tối thiểu đại biểu chuyên trách ngay trong danh sách ứng cử, đảm bảo không dưới 50% tổng số ĐBQH như quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội.
Đồng thời, bổ sung tiêu chí ứng cử viên ĐBQH chuyên trách như kinh nghiệm công tác, trình độ chuyên môn phù hợp với các lĩnh vực giám sát và lập pháp. Quy định quy trình hiệp thương, giới thiệu ứng viên chuyên trách rõ ràng hơn, tránh tình trạng chỉ định hoặc điều chỉnh sau khi trúng cử.

Quang cảnh hội thảo tại Cần Thơ ngày 3-4. Ảnh: NHẪN NAM
Quy định rõ về số lượng đại biểu Quốc hội
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ninh, góp ý về hình thức vận động bầu cử, tại Điều 65 dự thảo quy định có các hình thức trực tiếp, trực tuyến, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, và “hình thức khác” (tại khoản 3). Đại biểu Hà nói không rõ hình thức khác là hình thức gì và đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ, để đảm bảo không bị lợi dụng trong vận động tranh cử và hình thức vận động bầu cử.
Điều 71, về thời gian bỏ phiếu, bà Hà đồng tình thời gian kết thúc bỏ phiếu là 17 giờ vì “hầu hết, đến 80% các tổ bầu cử xong trước 11 giờ, trường hợp 18 giờ 50 mới đến bầu cử là trường hợp cá biệt”.
Ngoài ra, bà Hà cũng cho rằng nên tương đồng thời gian sớm hơn và muộn hơn, theo đó, sớm hơn trước hai tiếng là 5 giờ, kết thúc thì cũng nên muộn hơn hai tiếng thôi, là 19 giờ.
Nhiều đại biểu đồng ý số lượng ĐBQH theo dự thảo là không quá 500 người nhưng cũng đề xuất là nên ấn định con số cụ thể ngay trong luật. Đồng thời làm rõ việc rút ngắn thời gian thực hiện quy trình bầu cử từ 70 ngày xuống còn 42 ngày là ngày làm việc hay bao gồm cả ngày nghỉ.
Đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong bầu cử
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội, cho biết việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch trong quá trình bầu cử, nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu dân cử, đồng thời phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM
Đặc biệt, lần sửa đổi Luật này được đặt trong tổng thể việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước theo tinh thần Kết luận số 127 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Trung ương, đồng thời với việc sửa đổi Hiến pháp trong lộ trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây là vấn đề quan trọng, có tác động lớn đến tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và công tác bầu cử trong thời gian sắp tới…
Theo đó, Ủy ban Công tác đại biểu dự kiến sửa đổi, bổ sung 57-58/98 điều và đề xuất xác định tên gọi của dự thảo luật là Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND (sửa đổi).
Dự án Luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025) để bảo đảm hoàn thành trước ngày 30-6-2025 như Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/de-xuat-tang-dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-post842386.html