Quan hệ ASEAN - Liên Hợp Quốc đã trở thành hình mẫu

Trải qua hơn 4 thập kỷ, quan hệ ASEAN-LHQ đã trở thành hình mẫu cho hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực. Mối quan hệ đó càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh khó khăn, phức tạp hiện nay, nhất là những thách thức chưa từng có do COVID-19 gây ra.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN-LHQ lần thứ 11. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN-LHQ lần thứ 11. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này trong phát biểu tại khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên Hợp Quốc (LHQ) lần thứ 11 tổ chức theo hình thức trực tuyến vào sáng 15/11.

Hội nghị có sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và các nhà lãnh đạo ASEAN. Đây là sự kiện đầu tiên trong ngày làm việc thứ 4 - ngày 15/11/2020 (cũng là ngày làm việc cuối cùng) của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Hội nghị năm nay rất có ý nghĩa trong bối cảnh LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập và 20 năm diễn ra Hội nghị Cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và LHQ.

Trong 75 năm qua, LHQ đã đóng vai trò trung tâm điều phối hành động chung của các quốc gia, là trung tâm của nỗ lực quốc tế nhằm bảo đảm hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững. Các nguyên tắc của Hiến chương LHQ đóng vai trò nền tảng cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế ngày nay.

Là một trong những tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất, ASEAN đã khẳng định vai trò trung tâm và không thể thiếu trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chung, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. ASEAN cũng tham gia đóng góp tích cực vào các nỗ lực toàn cầu do LHQ lãnh đạo nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững trên thế giới.

Trải qua hơn 4 thập kỷ, quan hệ ASEAN-LHQ đã trở thành hình mẫu cho hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực. Mối quan hệ đó càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh khó khăn, phức tạp hiện nay, nhất là những thách thức chưa từng có do COVID-19 gây ra.

“Do đó, tôi trông đợi tại Hội nghị này, chúng ta sẽ trao đổi và đề ra những định hướng quan trọng, thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - LHQ vượt qua thời điểm khó khăn này và đóng góp hiệu quả vào quá trình phục hồi và tăng trưởng bền vững của hai bên cũng như tại khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ chia buồn về những thiệt hại, mất mát về người và tài sản do bão lũ gây ra đối với Việt Nam.

Ông Antonio Guterres cho rằng hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với đại dịch và những rủi ro địa chính trị và phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như các thách thức khác. Thế giới hiện nay gặp nhiều khó khăn để đạt mục tiêu 2030. “Chúng tôi cảm ơn ASEAN đã ủng hộ cơ chế về chống phổ biến vũ khí hạt nhân, ủng hộ lời kêu gọi của tôi về ngừng bắn trên toàn cầu và hoan nghênh khung phục hồi tổng thể ASEAN, sẵn sàng hỗ trợ và cùng với ASEAN để thực hiện văn kiện này”, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh.

Tổng Thư ký LHQ cho rằng COVID-19 làm cho khoảng cách bất bình đẳng trở nên rộng hơn nhưng cũng là cơ hội để chúng ta khôi phục lại mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn. LHQ kêu gọi các nhà lãnh đạo thể hiện ý chí chính trị để phát triển cơ sở hạ tầng mới, thực hiện được kế hoạch để “vào năm 2050, chúng ta đều là các quốc gia không phát thải carbon”.

Theo Tổng Thư ký LHQ, chúng ta cũng cần tránh những hành vi khiến cho thế giới bị chia rẽ 2 khối như thời chiến tranh lạnh. ASEAN có những nỗ lực thúc đẩy đối thoại rất quan trọng, chúng tôi rẵn sàng ủng hộ ASEAN. Tổng Thư ký LHQ bày tỏ cảm ơn ASEAN đã quyết định gửi 5.000 người tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ. “Về Biển Đông, chúng tôi ủng hộ việc đề cao luật pháp quốc tế UNCLOS 1982”, ông Antonio Guterres nêu rõ.

Trong những năm gần đây, quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - LHQ đã phát triển mạnh mẽ, Tổng Thư ký LHQ khẳng định ủng hộ các sáng kiến của ASEAN và cảm ơn ASEAN đã ủng hộ, đồng hành với LHQ trong nhiều sáng kiến về nhân loại.

Tại hội nghị các nước ASEAN đề nghị LHQ hỗ trợ triển khai các sáng kiến ứng phó với COVID-19, nâng cao năng lực y tế dự phòng cho khu vực, nhất là vùng sâu, vùng xa và kém phát triển.

ASEAN đánh giá cao LHQ cam kết chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật xây dựng và triển khai Khung phục hồi tổng thể, hoan nghênh sự trợ giúp tích cực của LHQ triển khai các nỗ lực phục hồi, bảo đảm ổn địnhchuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại - đầu tư và duy trì liên kết khu vực.

ASEAN hoan nghênh LHQ phát huy vai trò quan trọng trong đảm bảo vaccine và phương pháp điều trị COVID-19 trở thành hàng hóa công cộng, được cung ứng đồng đều.

Để triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn tiếp theo 2021-2025, hai bên nhấn mạnh cần tiếp tục dành quan tâm và nguồn lực nhiều hơn cho phối hợp liên ngành, thúc đẩy quyền năng, vai trò của phụ nữ đối với hòa bình, an ninh, nâng tầm hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng trưởng đồng đều và bao trùm, phát triển nguồn nhân lực bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Lộ trình Tương hỗ thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình Nghị sự LHQ về Phát triển bền vững 2030, đóng góp thiết thực cho phát triển bền vững, không bỏ ai ở lại phía sau, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh và đối phó với các thách thức đang nổi lên.

Hai bên khẳng định cam kết tiếp tục đóng góp ủng hộ nỗ lực củng cố hệ thống thương mại đa phương quốc tế minh bạch, hoạt động dựa trên luật lệ.

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các bên tái khẳng định tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm quốc gia trong xây dựng hòa bình, duy trì ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục là nguy cơ lớn, đe dọa trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội các nước.

Hai bên khẳng định chia sẻ tầm nhìn và cam kết vì những mục tiêu chung là đề cao luật pháp quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, và xây dựng trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn, sẵn sàng thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, thực hiện ngoại giao phòng ngừa trong khu vực, trên các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Trên cơ sở đó, các nhà lãnh đạo kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 - khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ASEAN luôn là đối tác quan trọng và tin cậy của LHQ trong bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức hiện nay, ASEAN và LHQ cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ thúc đẩy các giá trị hướng tới hòa bình, tăng cường đối thoại và hợp tác, định hình một trật tự khu vực và toàn cầu hoạt động dựa trên luật lệ, xây dựng các chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu với LHQ các nỗ lực của ASEAN trong xây dựng cộng đồng, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng; đồng thời khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời và chủ động ứng phó trước các thách thức xuyên quốc gia đang đe dọa ổn định và phát triển toàn cầu, trong đó có bùng phát dịch bệnh COVID-19.

Về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm của Việt Nam phù hợp với lập trường nguyên tắc của ASEAN đã được khẳng định tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tháng 6/2020, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 tháng 9/2020 cũng như tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 lần này, nhằm xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định và hợp tác.

Thay mặt ASEAN, Thủ tướng nêu rõ cần tránh các hành động gia tăng căng thẳng, không quân sự hóa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và tiếp tục các nỗ lực đạt COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Kết thúc hội nghị, các lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ghi nhận việc hai bên thông qua Kế hoạch hành động ASEAN – LHQ giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Chủ tịch Hội nghị sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch phản ánh các kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN – LHQ lần thứ 11.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký LHQ dự Hội nghị tại các điểm cầu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký LHQ dự Hội nghị tại các điểm cầu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

* Sau Hội nghị Cấp cao ASEAN - LHQ, sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), là hiệp định thương mại giữa 10 thành viên ASEAN và 6 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand.

Hiệp định RCEP nhằm mục đích thiết lập các quy tắc chung về thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ. Khi được thực thi Hiệp định sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho tất cả các nước thành viên.
Các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia).

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về các hội nghị này.

Đức Tuân

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/quan-he-aseanlien-hop-quoc-da-tro-thanh-hinh-mau/414137.vgp