Quan hệ Australia-Nhật Bản: Cần 'diện mạo mới' để đối phó với môi trường địa chính trị khốc liệt
Tác giả Shiro Armstrong* trong bài viết trên East Asia Forum cho rằng, quan hệ Australia-Nhật Bản cần một 'diện mạo mới' để thích ứng với những thay đổi trong môi trường địa chính trị ngày càng khốc liệt như hiện nay.
Mối quan hệ đặc biệt
Chuyến thăm của Thủ tướng Australia Scott Morrison tới Nhật Bản hồi tháng 11/2020, chuyến công du nước ngoài duy nhất ông trong gần 19 tháng, chính là “mỏ neo chiến lược” của Australia ở châu Á.
Quan hệ Australia-Nhật Bản chưa bao giờ gần gũi hơn thế, và Tokyo ngày càng có tầm quan trọng đối với Canberra.
Nhật Bản là nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba của đất nước chuột túi.
Quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt Australia-Nhật Bản dựa trên sự tương hỗ về kinh tế, nhiều lợi ích chiến lược chung, sự tin cậy ngày càng sâu sắc và sự hiểu biết lẫn nhau sâu rộng.
Tuy nhiên, mối quan hệ này cần phải được định hình lại để thích ứng với những thay đổi về kinh tế, môi trường và xã hội nhanh chóng ở cả hai nước, cũng như môi trường địa chính trị biến đổi khốc liệt.
Nhật Bản phải được coi là đối tác quan trọng nhất của Australia để phát huy tiềm năng hỗ trợ đối phó với những thách thức này.
Thương mại năng lượng, vốn là nền tảng cho mối quan hệ an ninh ngày càng gia tăng giữa hai nước, được cho là đang suy yếu dần do Nhật Bản chuyển nền kinh tế sang loại bỏ carbon.
Cách tiếp cận chiến lược chung đối với Trung Quốc và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu, đang biến mối quan hệ chính trị, văn hóa chặt chẽ trở thành thiết yếu đối với cả hai nước.
Australia, Nhật Bản và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy và quyết đoán hơn.
Khuôn khổ liên minh của Mỹ vẫn là nền tảng cho sự ổn định và an ninh của Australia, Nhật Bản và khu vực. Nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ cũng đang củng cố điều này.
Nỗ lực vì tương lai
Kinh nghiệm của Australia khi đối mặt với chèn ép thương mại của Trung Quốc cho thấy một điều là những thị trường mở và có khả năng cạnh tranh có thể giảm đáng kể tác động của chính sách can dự vào thị trường vì mục đích chính trị hoặc kinh tế, bởi cơ chế đa phương giúp đưa ra các thị trường và nhà cung cấp thay thế.
Hệ thống thương mại đa phương là lợi ích chiến lược và an ninh sống còn đối với Australia và Nhật Bản.
Đây cũng là yếu tố then chốt trong cấu trúc an ninh khu vực toàn diện, vốn tích hợp các mục tiêu bền vững an ninh quốc gia, kinh tế và môi trường.
Mối quan hệ Australia-Nhật đang phát triển mạnh sẽ không thể được duy trì và thúc đẩy nếu không có sự đầu tư chiến lược bền vững từ xứ sở chuột túi.
Những hoạt động giao thương trước đây về năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thô sẽ không góp phần duy trì mối quan hệ song phương.
Trên thực tế, Nhật Bản đang đầu tư hàng tỷ USD để tìm kiếm cơ hội về hydro và năng lượng tái tạo ở Australia.
Hợp tác chặt chẽ với đất nước mặt trời mọc, một trong những nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, sẽ mang đến công nghệ và đầu tư đối với quá trình chuyển đổi kinh tế và thương mại của Australia.
Tuy nhiên, điều đó sẽ không trở thành hiện thực nếu thiếu những chiến lược đầu tư bền vững của quốc gia để khuyến khích và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi quy mô lớn.
Thách thức này đòi hỏi phải có Sáng kiến Năng lượng Australia-Nhật Bản, trong đó kết hợp chính chính phủ, ngành công nghiệp, giới chuyên gia và các bên liên quan để đẩy nhanh và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng cần thiết trong quan hệ thương mại.
Đối với Australia, việc chấp nhận mối quan hệ mới với Nhật Bản phải là nỗ lực của toàn quốc gia với sự lãnh đạo của chính phủ và sự tham gia của tất cả các cấp chính quyền, nội các, doanh nghiệp và các bên liên quan.
*Shiro Armstrong hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia-Nhật Bản thuộc Trường Chính sách Công Crawford, Đại học Quốc gia Australia.