Quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp thực chất, hiệu quả hơn
Ngành Hải quan đã và đang tích cực triển khai phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp. Đến nay công tác này đã đi vào nề nếp và nhận được sự quan tâm ủng hộ từ nội bộ cơ quan hải quan, từ cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan.
Ứng dụng công nghệ hỗ trợ mọi lúc mọi nơi
Xác định đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) là nhu cầu, là trách nhiệm của ngành trong việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn cũng như gia tăng động lực cho DN trong phát triển, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN và các bên liên quan hàng năm. Trong đó tập trung vào các hoạt động gồm: thông tin; hỗ trợ DN; tham vấn DN và các bên liên quan; giám sát thực thi pháp luật; hợp tác hải quan - DN.
Thông qua các hoạt động trên, cơ quan hải quan hỗ trợ DN tiếp cận kịp thời các thông tin quy định pháp luật mới, trong đó phân loại theo từng loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu, xu hướng phát triển thương mại xuất nhập khẩu; chú trọng hỗ trợ đối với nhóm DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của DN...
Theo ông Lương Khánh Thiết - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan), những sáng kiến tiêu biểu trong công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN được cơ quan hải quan áp dụng thời gian qua đã phát huy được tác dụng.
Có thể kể đến như chuyển đổi hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hải quan theo hướng hiện đại, phù hợp; cải tiến việc niêm yết thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật tại các địa điểm làm thủ tục hải quan và trụ sở cơ quan hải quan; thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tham vấn, hỗ trợ theo từng nhóm, lĩnh vực của DN trên địa bàn để đảm bảo hiệu quả trong các hoạt động hỗ trợ DN.
Một số đơn vị tăng cường công tác trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan và chính sách hàng hóa của hải quan nước bạn có đường biên giới chung để kịp thời tuyên truyền, phổ biến cho tổ chức, cá nhân xuất khẩu để điều chính phương án sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với thực tiễn, giảm thiểu các thiệt hại phát sinh.
Ngoài ra, các đơn vị hải quan cơ sở đã chủ động gặp gỡ, tiếp xúc DN tại trụ sở DN, tại dự án, nhà máy, cơ sở sản xuất, để nắm bắt, giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc. Tại một số chi cục hải quan thành lập và phân giao các nhóm tự quản và theo dõi, hỗ trợ cho từng nhóm DN theo từng loại hình xuất nhập khẩu, từng đối tượng DN.
Cơ quan hải quan cũng tích cực ứng dụng công nghệ (Viber, Zalo...) trong việc đăng ký kiểm tra thực tế hàng hóa, tương tác, giải đáp vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan…, qua đó giúp DN rút ngắn thời gian làm thủ tục.
Ưu tiên sự hài lòng của doanh nghiệp
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN và các bên liên quan năm 2024. Kế hoạch này nhằm tạo điều kiện để cộng đồng DN và các bên liên quan nắm bắt được đầy đủ, kịp thời các chính sách, quy định pháp luật về hải quan, về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mới được ban hành; qua đó đồng hành cùng cơ quan hải quan trong quá trình tổ chức thực hiện.
Với 5 hoạt động trọng tâm, kế hoạch khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng DN và các bên liên quan tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật về hải quan, phương thức quản lý, chất lượng phục vụ của cơ quan hải quan các cấp; tham gia thực hiện các chương trình, đề án về cải cách, hiện đại hóa hải quan, kế hoạch cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành Hải quan liên quan đến người dân, DN.
Các hoạt động cũng hướng tới tăng cường hợp tác hải quan - DN để góp phần nâng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật của mỗi bên. Lấy sự hài lòng của DN là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan.
Đáng chú ý, trong việc hợp tác hải quan - DN, cơ quan hải quan các cấp đẩy mạnh hợp tác với cộng đồng DN và các bên liên quan để thực hiện các nội dung về: công tác quản lý nhà nước về hải quan theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng hải quan số, hải quan thông minh trong thời gian tới; nâng cao năng lực nhận diện một số loại hàng hóa; quy định pháp luật, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ; thủ tục miễn, giảm, hoàn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đồng thời, cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung hợp tác đối với các hiệp hội DN và DN đã ký kết thỏa thuận với cơ quan hải quan; mở rộng hợp tác với khối hiệp hội, DN là: FDI, có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm lớn, có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (nộp thuế lớn, sử dụng nhiều lao động, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh...). Song song với đó, cơ quan hải quan chú trọng hợp tác với nhóm DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp.
Toàn ngành cũng sẽ đổi mới cách thức hợp tác đối tác theo hướng đi vào thực chất; xây dựng quan hệ hợp tác hải quan - DN dựa trên thế mạnh, năng lực, nhu cầu hợp tác của DN và các bên có liên quan.
Tập trung 6 nhóm chuyển đổi về phương pháp tiếp cận
Hoạt động phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp tập trung 6 nhóm chuyển đổi gồm: chuyển đổi về phương pháp tiếp cận; chuyển đổi về mở rộng phạm vi, thành phần tham gia quan hệ đối tác; chuyển đổi về cách thức tổ chức hoạt động quan hệ đối tác; chuyển đổi đa dạng, phong phú sâu sắc về nội dung hoạt động quan hệ đối tác; chuyển đổi số; chuyển đổi về nâng cao chất lượng, hiệu quả quan hệ đối tác.