Quan hệ EU và Nga lại gặp sóng gió sau vụ trục xuất các nhà ngoại giao

Hôm qua (8/2), Đức, Ba Lan và Thụy Điển cùng tuyên bố mỗi nước sẽ trục xuất một nhà ngoại giao Nga để trả đũa quyết định tương tự của Nga hồi tuần trước.

Động thái ăn miếng trả miếng này đang đặt mối quan hệ giữa hai bên đứng trước thử thách lớn, trong bối cảnh hai bên vẫn còn phụ thuộc vào nhau trong nhiều vấn đề.

Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow. Ảnh: TASS.

Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow. Ảnh: TASS.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: “Văn phòng Đối ngoại Liên bang tuyên bố, một nhân viên Đại sứ quán Nga tại Berlin là nhân vật không được hoan nghênh”. Bộ này cũng khẳng định lại, quyết định trục xuất của Nga đối với 3 nhân viên ngoại giao châu Âu, trong đó có một nhân viên của Đức, không được thực hiện một cách chính đáng. Bộ này cũng thông tin thêm rằng, quyết định được đưa ra với sự phối hợp chặt chẽ của Ba Lan, Thụy Điển và cơ quan ngoại giao của EU.

Trong khi đó, Ba Lan đã yêu cầu một nhân viên tại Tổng Lãnh sự quán Nga ở thành phố miền Tây Poznan rời khỏi Ba Lan. Quyết định này được đưa ra “dựa trên nguyên tắc có đi có lại”.

Tương tự phản ứng của Đức và Ba Lan, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cùng ngày đã thông báo với phía Nga rằng, một nhân viên của Đại sứ quán nước này sẽ bị yêu cầu rời khỏi quốc gia Bắc Âu. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Ann Linde viết, đây là một phản ứng rõ ràng đối với quyết định không thể chấp nhận được về việc trục xuất một nhân viên ngoại giao Thụy Điển vốn chỉ thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Trong một tuyên bố, các nghị sỹ EU cũng kêu gọi “tất cả các quốc gia thành viên EU thể hiện sự đoàn kết tối đa với Đức, Ba Lan và Thụy Điển và thực hiện tất cả các bước thích hợp để thể hiện sự gắn kết và sức mạnh của Liên minh châu Âu”.

Phản ứng lại động thái của 3 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng ngày, hãng thông tấn Interfax dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, đây là những quyết định phi lý và không thân thiện.

Trước đó hôm 6/2, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố trục xuất 3 nhân viên ngoại giao của Đức, Ba Lan và Thụy Điển với cáo buộc những người này tham gia vào các hoạt động biểu tình ủng hộ nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny.

Các động thái ăn miếng trả miếng diễn ra trong bối cảnh nhà ngoại giao hàng đầu của khối, người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell đang có cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Trong một tuyên bố sau khi trở về châu Âu, ông Josep Borrell cho rằng, châu Âu và Nga đang xa rời nhau. Tuy nhiên, ông cho biết không có quốc gia nào trong EU chính thức đưa ra đề xuất trừng phạt Nga.

"Hiện tại không có đề xuất trừng phạt Nga nào từ bất kỳ quốc gia thành viên EU. Các cuộc thảo luận về quan hệ giữa Nga và EU sẽ tiếp tục tại Hội nghị ngoại trưởng và sau đó các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ có một cuộc thảo luận về vấn đề này vào tháng 3”, ông Borrell nói.

Theo giới phân tích, cho dù Nga và EU gặp thử thách sau những động thái trên thì quan hệ giữa hai bên cũng không dễ dàng cắt đứt. Hiện EU và Nga vẫn là đối tác thương mại lớn của nhau và EU phụ thuộc vào Nga về khí đốt tự nhiên. Ngoài ra, EU cũng cần tới vai trò của Nga trong các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran cũng như vai trò trung tâm của Nga trong các cuộc xung đột ở Syria và Ukraine vốn ảnh hưởng lợi ích của châu Âu./.

Vũ Anh Tuấn/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-he-eu-va-nga-lai-gap-song-gio-sau-vu-truc-xuat-cac-nha-ngoai-giao-836503.vov