Quan hệ gia đình, xã hội của người Nam Bộ

Ở nông thôn ngày xưa, cùng làng xóm thì giúp đỡ nhau, nay cuộc sống đã đô thị hóa, chịu ảnh hưởng đô thị, vai trò của mỗi gia đình vẫn còn quan trọng.

Quan hệ với xã hội:

Ở nông thôn ngày xưa, cùng làng xóm thì giúp đỡ nhau, nay cuộc sống đã đô thị hóa, chịu ảnh hưởng đô thị, vai trò của mỗi gia đình vẫn còn quan trọng:

- Tham gia công tác của Mặt trận Tổ quốc, hội Chữ Thập đỏ, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ gia đình neo đơn.

- Nhà bên cạnh có đám tang, nên bày tỏ sự cảm thông, không gây ồn ào, ví dụ như vặn máy thu thanh, băng nhạc lớn tiếng.

- Dầu ngày thường ít giao thiệp, cũng nên đến viếng tang gia.

- Dịp cưới hỏi, có thiệp mời nên cố gắng tham dự. Thường là tham dự phần tiệc tùng, chung vui. Lễ cưới đã cử hành trong vòng thân mật riêng của gia đình ấy rồi.

- Tránh đưa trẻ con còn nhỏ tham dự tiệc cưới của người không thân thiết: gây ồn ào, chiếm một phần ăn.

- Tham dự đám tang của người quen biết là việc tế nhị. Nên xem có nhận phúng điếu bằng tiền hay không, xem phong tục của gia đình có tang. Đối với người lớn tuổi hoặc bà con xa gần thì từ đôi ba năm qua, lễ lạy trước quan tài trở thành thói quen thuộc. Đây là động tác biểu lộ sự thành kính, an ủi gia đình khổ chủ thay cho lời nói. Nghi thức thông thường là:

- Lạy hai cái, hiểu ngầm sẽ trở lại khi di quan.

- Lạy bốn lạy, hiểu ngầm là không trở lại.

- Lắm khi lạy ba lạy, thay vì bốn, hiểu ngầm cha mẹ mình còn sống, chừa một lạy cho cha mẹ mình.

- Người đồng tuổi, cứ lạy, người quá cố nhỏ hơn một tuổi, vẫn lạy. Thắp nhang, nếu nhang bốc cháy ngọn, không được dùng miệng thổi cho tắt, phải quơ qua quơ lại, sợ ô uế.

- Nếu tang gia bố trí bàn thờ Phật ở bên cạnh, trước tiên nên cắm nhang trên bàn Phật.

 Hình ảnh trong phim Đất rừng phương Nam.

Hình ảnh trong phim Đất rừng phương Nam.

Đối xử trong gia đình:

Ngày nay, nhà cửa, lắm khi chật chội, không có phòng khách riêng biệt, việc tiếp khách lắm khi luộm thuộm. Vì cần gặp nhau đột xuất, lắm khi trong nhà có khách riêng rẽ của cha mẹ, của con, gây mất trật tự, khó chào hỏi nhau. Con cái phải chào hỏi bạn bè của cha mẹ với quần áo tương đối chỉnh tề. Lúc cha mẹ nói chuyện với khách, trẻ con không nên đùa giỡn.

Việc ăn ở chung đụng dễ gây phức tạp về tình cảm. Anh em ruột nhưng có người giàu, người nghèo. Nhà ở tương đối rộng và có tiện nghi là nhu cầu cấp bách, gần như nan giải trong vài năm tới. Đổ lỗi cho hoàn cảnh chính trị (thời kỳ quá độ...), cho giáo dục nhà trường là một việc, nhưng tự bản thân người trong gia đình cần cẩn thận, nhân nhượng nhau.

Khách của chủ nhà cần phải giữ lễ độ, ăn nói đàng hoàng trong trường hợp chủ nhà có con gái đang lớn. Tránh ăn nhậu bừa bãi, mời bạn bè về nhà để thù tạc, khi rượu vào thì lại hò hét, lắm khi vặn nhạc ầm ĩ, cho đó là sang trọng, lại ói mửa, chê bai bạn bè vắng mặt. Hoặc chủ nhà trở về nhà khi quá say, quậy phá ăn nói thô tục. Con cái bị ảnh hưởng lây.

Hàng tiêu dùng là động cơ gây phức tạp trong gia đình. Con cái trong gia đình lắm khi ngành nghề khác nhau. Cha mẹ khó theo dõi sinh hoạt của con cái. Lắm cơ quan xí nghiệp đòi hỏi nhân viên phải son phấn, quần áo thời trang. Lại còn tiệc tùng, ăn sinh nhật bạn bè cơ quan, đi tham quan mà cha mẹ khó theo dõi, chỉ tin cậy vào con cái. Nạn thất nghiệp lại tác động, ở thành phố, những người thất nghiệp, làm ra ít tiền bạc mặc nhiên bị đánh giá thấp.

Quảng cáo thương mại, những màn kịch, ca nhạc trên truyền hình, trong điện ảnh dễ gây tác động xấu, làm phá vỡ khuôn khổ gia đình xưa, mặc nhiên đánh tan truyền thống văn hóa. Áo quần, bàn ghế, phương tiện di chuyển, giường ngủ, cầu vệ sinh trở thành bậc thang giá trị mới? Đời sống đang cải thiện từng chặp, lắm khi bấp bênh.

Phải chăng truyền thống văn hóa của gia đình Việt Nam chỉ còn bảo lưu và phát triển ở những gia đình “tiểu tư sản”? Bằng không, chỉ là sự nuối tiếc. Phú quí sinh lễ nghĩa, bần cùng dễ lưu manh hóa con người. Cha không nuôi con cái ở mức “tiểu tư sản” thì khó dạy con. Nhưng nhắc nhở vẫn là chuyện của người lớn, nhất là người lớn tuổi. Lúc còn trẻ, làm ra tiền dễ dàng, con cái chưa nhận được vấn đề, xem cha mẹ là đạo đức giả. Đến khi lớn tuổi, con cái sẽ nhớ.

Sơn Nam/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/quan-he-gia-dinh-xa-hoi-cua-nguoi-nam-bo-post1460032.html