Quan hệ Keynes - Leontief và nền kinh tế Việt Nam
Vào những năm 30 của thế kỷ trước, để phân tích về cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới, J.M.Keynes đưa ra ý niệm về GDP như là tổng cầu cuối cùng và ông cho rằng, khi can thiệp hoặc làm tăng lên ở phía cầu sẽ kích thích phía cung. Năm 1941, Wasily Leontief được giải Nobel với công trình 'Cấu trúc của nền kinh tế Hoa Kỳ' đã lượng hóa ý tưởng này. Mối quan hệ Keynes - Leontief cho rằng, một sự gia tăng của các yếu tố cầu sẽ kích thích sản xuất và sau đó lan sang thu nhập. Vậy trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, các nhân tố của cầu cuối cùng (bao gồm tiêu dùng cuối cùng, đầu tư, xuất khẩu) lan tỏa thế nào đến giá trị sản xuất và đặc biệt là giá trị tăng thêm?
Trên thực tế, tác động từ phía cầu trong ngắn hạn phụ thuộc vào khả năng cung ứng của nền kinh tế. Nếu khả năng cung hạn chế hoặc yếu kém thì việc tăng tổng cầu cuối cùng dù vì bất kỳ lý do gì về cơ bản chỉ làm tăng giá và nhập khẩu mà thôi, và thu nhập thực tế sẽ không thay đổi nhiều. Ngược lại, nếu tiềm năng ở phía cung dồi dào và được cải thiện, sự gia tăng tổng cầu cuối cùng sẽ thực sự làm tăng sản lượng và thu nhập.
Khi xem xét và đề xuất các chính sách kích cầu, cần hiểu rằng quan hệ Keynes - Leontief không chỉ lượng hóa tác động của cầu cuối cùng đối với sản lượng mà còn với tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Sử dụng hệ thống Leontief tính toán mối quan hệ của nhu cầu cuối cùng với giá trị sản xuất, thu nhập và nhập khẩu để xem sự lan tỏa từ nhu cầu cuối cùng trong nước đến phía cung sẽ là cơ sở quan trọng cho các đề xuất chính sách nêu trên.
Giả sử bảng cân đối liên ngành năm 2012 đại diện cho giai đoạn 2010 - 2015 và bảng cân đối liên ngành năm 2019 đại diện cho giai đoạn 2016 - 2022, tính toán từ mô hình đầu vào - đầu ra cho thấy, tác động lan tỏa từ tiêu dùng cuối cùng lên giá trị sản xuất bị giảm mạnh (-14,1%), thu nhập giảm đi 20,4 điểm phần trăm giữa hai giai đoạn nêu trên.
Mức độ lan tỏa của đầu tư đến giá trị sản xuất cũng giảm mạnh (-17,1%), nhưng tỷ lệ lan tỏa đến việc giảm giá trị gia tăng chỉ vào khoảng -5,6% trong hai giai đoạn. Đặc biệt, đầu tư của khu vực FDI lan tỏa kém nhất đến thu nhập trong nước. Đầu tư của khu vực nhà nước giai đoạn 2016 - 2022 làm giá trị sản xuất và giá trị gia tăng giảm đi chút ít so với giai đoạn 2010 - 2015. Đầu tư tư nhân làm tăng cả sản lượng và giá trị gia tăng giai đoạn 2016 - 2022 so với giai đoạn 2010 - 2015.
Xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2022 lan tỏa mạnh đến giá trị sản xuất tăng 11,7%, nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm (-13,3%) so với giai đoạn 2010 - 2015. Mặt khác, xuất khẩu lại có tác động mạnh đến nhập khẩu (so sánh giữa hai thời kỳ tăng 52%). Điều này khẳng định hiện nay về cơ bản là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công, nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu mạnh của khu vực kinh tế trong nước.
Đáng chú ý là xuất khẩu của khu vực FDI lan tỏa đến giá trị gia tăng và thu nhập ngày càng thấp. 100 đồng xuất khẩu của khu vực này giai đoạn 2010 - 2015 lan tỏa tới giá trị tăng thêm 28 đồng, đến giai đoạn 2016 - 2022 chỉ được 18 đồng; lan tỏa đến thu nhập của người lao động cũng giảm từ 20 đồng xuống còn 15 đồng.
Về nhập khẩu, nhu cầu nhập khẩu phát sinh trong giai đoạn bảng 2016 - 2022 có vẻ tương đối cao hơn những giai đoạn trước. Đáng chú ý nhất là việc tiêu thụ một đơn vị thành phẩm nhập khẩu trong giai đoạn này lan tỏa đến 2.204 đơn vị nhập khẩu. Tích lũy gộp các sản phẩm, dù là sản xuất trong nước, có tác động lan tỏa lớn nhất tới nhập khẩu (1.639 đơn vị nhập khẩu cần thiết cho mỗi đơn vị tích lũy sản phẩm được sản xuất trong nước).
Như vậy, có thể thấy, việc quản lý cầu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất cần cân nhắc với rủi ro lạm phát, nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước ngày càng tăng và cấu trúc kinh tế lệch lạc. Cách tốt nhất để lấy lại sự cân bằng cho nền kinh tế là giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp và người dân, giảm thuế, phí và tránh lạm thu.