Quan hệ Mỹ - EU: Dấu hiệu gia tăng căng thẳng thương mại

Càng gần đến ngày Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) càng có dấu hiệu gia tăng, làm trầm trọng hơn những thách thức về tăng trưởng đối với EU.

Trước đó, ông Donald Trump đã thẳng thừng cảnh báo trên nền tảng truyền thông xã hội về khả năng áp thuế đối với hàng hóa của các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương nếu không mua thêm dầu và khí đốt của Mỹ.

Khối lượng xuất khẩu từ EU sang Mỹ trong năm 2023 nhiều hơn từ Mỹ sang EU khiến căng thẳng thương mại gia tăng.

Khối lượng xuất khẩu từ EU sang Mỹ trong năm 2023 nhiều hơn từ Mỹ sang EU khiến căng thẳng thương mại gia tăng.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump thường xuyên cam kết sẽ nỗ lực tăng cường sản xuất nhiên liệu hóa thạch, nới lỏng các quy định về khoan và khai thác khí đá phiến mới. Ông lập luận rằng, thâm hụt thương mại là bằng chứng của các hoạt động trao đổi không công bằng. Việc tăng thuế đối với hàng hóa từ các quốc gia khác sẽ giúp các công ty Mỹ sản xuất nội địa nhiều hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn tại địa phương. Do đó, thông điệp yêu cầu châu Âu phải mua nhiều năng lượng hơn từ Mỹ được cho là phù hợp với kế hoạch mà vị tổng thống vừa đắc cử này đưa ra.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, “bóng ma” về mức thuế quan cao hơn có thể dẫn tới chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU. Thực tế, điều này đã làm tăng thêm sự bối rối và bất ổn mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có châu Âu, phải đối mặt.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong năm 2023, thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ và EU là 155,8 tỷ euro (khoảng 162,5 tỷ USD). Xuất khẩu của EU chủ yếu đến từ Đức, với các mặt hàng chính là ô tô, máy móc và hóa chất. Song, Mỹ đạt thặng dư 104 tỷ euro trong dịch vụ. Mỹ hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất cho châu Âu.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine đầu năm 2022, nhiều nước trong EU đã hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Mátxcơva, đồng thời thực hiện các giao dịch mua khí đốt quy mô lớn từ Mỹ để bù đắp chênh lệch thương mại. Tuy nhiên, EU vẫn xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn so với nhập khẩu, một phần cũng bởi lý do khách quan. Người Mỹ không có nhu cầu nhiều hàng hóa châu Âu như họ có nhu cầu về hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico. Trong khi đó, khối lượng khí đốt và dầu mà EU nhập từ Mỹ đang tiệm cận giới hạn. Điều này có nghĩa là không có nhiều dư địa để tăng cường nhập khẩu vào năm tới. Nếu hai bên không đàm phán tìm ra giải pháp khác, cuộc tranh cãi sẽ rơi vào bế tắc khiến căng thẳng ngày càng gia tăng.

Nhà kinh tế người Bỉ Christian Schulz nhận định, nếu Mỹ áp đặt mức thuế quan 10% trên nhiều mặt hàng, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU sẽ giảm khoảng 0,3% trong 2 năm tới vì xuất khẩu đóng góp rất lớn vào kinh tế và việc làm tại khu vực này. Giá cổ phiếu cũng sẽ giảm từ 1% đến 2%.

Đây là lý do ngay sau khi ông Donald Trump cảnh báo tăng thuế, thị trường chứng khoán châu Âu cuối tuần trước đã có sự rung lắc, nhiều cổ phiếu giảm mạnh. Thậm chí, có nhiều dự đoán cho rằng, thuế quan cao hơn có thể làm cuộc khủng hoảng lạm phát toàn cầu quay trở lại. Đồng tình với quan điểm trên, trong hội nghị kỷ niệm 10 năm Litva gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã cảnh báo về triển vọng tăng trưởng chậm hơn nếu chính quyền Mỹ áp đặt thuế quan và nếu "căng thẳng địa chính trị" dẫn đến giá năng lượng và chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn.

Các nhà lãnh đạo EU đang thiên về hướng tìm cách tránh xung đột thương mại với Mỹ dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump. Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas cho rằng, sẽ không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến thương mại tiềm tàng giữa Mỹ và EU, trừ Trung Quốc. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng lưu ý tầm quan trọng của đàm phán để tránh các biện pháp trả đũa dẫn đến xung đột thương mại. Đây cũng được xem là bước đi khôn ngoan nhất thay vì chọn giải pháp đối đầu.

Trong nhiệm kỳ tổng thống lần đầu tiên của ông Donald Trump từ năm 2017 đến 2021, căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương đã dẫn đến những đòn "ăn miếng, trả miếng” liên tục, gây ra tổn thất rất lớn cho nền kinh tế của cả hai bên. Dư luận thế giới đang lo ngại, chính sách cứng rắn của ông Donald Trump sau ngày 20-1-2025, ngày ông nhận chức Tổng thống Mỹ, sẽ một lần nữa làm đảo lộn dòng chảy thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của nhiều quốc gia.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/quan-he-my-eu-dau-hieu-gia-tang-cang-thang-thuong-mai-688273.html