Quan hệ Mỹ-Trung 'hạ nhiệt' nhưng còn nhiều khác biệt
Sau gần 18 tháng áp thuế 'ăn miếng trả miếng' lẫn nhau, Mỹ và Trung Quốc tuy đã đạt được một thỏa thuận 'giai đoạn 1' nhằm xoa dịu căng thẳng của cuộc chiến thương mại giữa họ. Nhưng, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể leo thang trở lại bất kỳ thời điểm nào.
“Ngậm bồ hòn làm ngọt”
Như một phần trong thỏa thuận, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy bỏ quyết định tăng thêm thuế vào các mặt hàng Trung Quốc vốn dự định sẽ có hiệu lực từ ngày 1512 và giảm một nửa số hàng trị giá 120 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc bị đánh thuế 15%.
Về phần mình, Trung Quốc đã hoãn kế hoạch thực hiện biện pháp trả đũa và cam kết nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Mỹ trị giá khoảng 50 tỷ USD mỗi năm trong vòng 2 năm tới.
Theo đài RFI, Washington vẫn chưa đạt được 2 mục tiêu chính đề ra ban đầu là yêu cầu Bắc Kinh ngừng trợ giá cho các doanh nghiệp, ngưng đánh cắp các công nghệ của các công ty Mỹ. Washington vẫn giữ nguyên các biện pháp áp thuế đánh vào hàng của Trung Quốc đã ban hành.
Mặc dù vậy, nhờ thỏa thuận về nguyên tắc này, Trung Quốc tạm né được một đợt trừng phạt mới của Mỹ. Các đợt áp thuế liên tiếp của Mỹ khiến xuất khẩu của Trung Quốc giảm đi trong 4 tháng liên tiếp, đặc biệt là hàng bán sang thị trường Mỹ. Ở hậu trường, mỗi bên đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Trái với điều Bắc Kinh mong đợi, Mỹ vẫn duy trì mức thuế nhập khẩu 25% đánh vào 250 tỷ USD hàng của Trung Quốc, từ máy móc công nghiệp cho đến linh kiện điện tử. Mỹ tuyên bố thẳng chính sách thuế quan là một công cụ để đàm phán với Trung Quốc trong giai đoạn 2. Như vậy, những gì Mỹ và Trung Quốc đạt được đều quá ít ỏi trong cuộc đọ sức lần này.
Tuy nhiên, không nên đánh giá quá cao triển vọng xoa dịu căng thẳng này. Trước tiên, hiện còn chưa rõ Trung Quốc sẽ làm thế nào để thực hiện cam kết về nhập khẩu của mình mà không vi phạm quy tắc không phân biệt đối xử các đối tác thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trên thực tế, thỏa thuận hiện nay chỉ xử lý một số lời phàn nàn liên quan đến thương mại của Mỹ với Trung Quốc và để giải quyết những yêu cầu còn tồn tại của nó sẽ còn khó hơn rất nhiều.
Nói một cách tổng quát, Mỹ muốn giới chức Trung Quốc thực hiện những bước đi để xóa bỏ thặng dư thương mại song phương của nước họ với Mỹ, chấm dứt “thao túng tiền tệ”, ngừng đánh cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ hay chấm dứt việc mua lại các công ty của Mỹ với dòng vốn được cho có thể xuất phát từ khu vực nhà nước.
Tuy nhiên, rất khó để Mỹ đạt được yêu cầu của mình trước Trung Quốc. Lấy một ví dụ nhỏ, do Trung Quốc hiện chỉ phạm phải quy định thứ ba nên Trung Quốc không phải là một nước thao túng tiền tệ theo luật pháp Mỹ.
Không có gì là chắc chắn
Kinh nghiệm hồi tháng 10 vừa qua hay trước đó nữa cho thấy Washington và Bắc Kinh ít nhất đã 2 lần tưởng chừng đạt được thỏa thuận để tạm thời ngưng chiến nhưng rồi Nhà Trắng đã dừng lại tất cả vào giờ chót. Không có gì bảo đảm thỏa thuận không bị chết yểu. Đặc biệt là trong bối cảnh đang có quá nhiều căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.
Thêm vào đó, yếu tố chính trị có thể lại càng khiến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 thêm mong manh. Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều biết rằng từ nay cho đến ngày bầu cử tổng thống vào tháng 11-2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ càng gia tăng sức ép với Trung Quốc.
Những cách tiếp cận khác biệt mà giới chức Mỹ và Trung Quốc áp dụng trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được chờ đợi lâu nay cho thấy quan điểm và tinh thần khác biệt của họ về kết quả của cuộc đàm phán “marathon” về thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm thấy “siêu tự hào” về thỏa thuận giai đoạn 1, tung hô đây là “một thỏa thuận lớn”, “một thỏa thuận tuyệt vời” và một “thỏa thuận lịch sử”. Ngược lại, Bắc Kinh lại tỏ thái độ thận trọng hiếm thấy. Từ ngữ mang tính tích cực duy nhất được sử dụng trong một tuyên bố chính thức của Bắc Kinh là “đáng kể”.
Tại buổi họp báo, giới chức Mỹ đưa ra thông tin chi tiết và con số cụ thể về thỏa thuận giai đoạn 1, cố gắng tạo ấn tượng rằng thỏa thuận này có quy mô “to lớn, có thể thực thi và có thể kiểm chứng”.
Ngược lại, giới chức Trung Quốc chỉ đưa ra nét phác thảo của thỏa thuận với 9 lĩnh vực được đề cập mà không nêu thêm bất kỳ chi tiết nào. Vấn đề là khi Bắc Kinh công bố ít chi tiết hơn Washington có thể ngầm ẩn một vấn đề to lớn. Một lễ ký kết giảm nhẹ quy mô đối với thỏa thuận “đáng kể” này có thể cho thấy thêm bằng chứng về những quan điểm khác biệt về tầm quan trọng của thỏa thuận.
Ngay từ đầu, đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã là diễn đàn một chiều về một thỏa thuận giữa những gì mà Mỹ mong muốn và những gì mà Trung Quốc có thể nhượng bộ. 9 lĩnh vực đề ra trong tài liệu thỏa thuận 86 trang mà Trung Quốc công bố chủ yếu về những điều khoản mà Bắc Kinh sẽ phải thực hiện. Trong cuộc chiến thuế quan, Washington dường như có lợi thế hơn khi nước này nhập khẩu nhiều hơn từ Trung Quốc so với chiều ngược lại.
Thực ra, ông Trump đã thành công khi làm được nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào trong giải quyết thâm hụt thương mại, khi Bắc Kinh cam kết tiếp tục mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ. Sẽ là một thắng lợi chính trị to lớn đối với chính ông Trump khi Bắc Kinh mua lượng lớn hàng nông sản Mỹ. Ngoài cam kết mua thêm hàng nông sản, Bắc Kinh cũng cam kết những nhượng bộ khác trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ, quản lý tiền tệ, chuyển giao công nghệ, mở cửa thị trường và tiếp cận với hệ thống thực thi pháp luật và giải quyết tranh chấp.
Sự nhượng bộ lớn nhất của Trung Quốc mang tính chính trị vì Bắc Kinh chấp nhận thỏa thuận giai đoạn 1 ngay cả sau khi Mỹ để lại "ấn tượng" không mấy tốt đẹp với Trung Quốc thời gian gần đây liên quan tới tình hình an ninh trật tự tại Trung Quốc.
WTO đang bị gạt ra rìa
Thỏa thuận đình chiến mà Trung Quốc và Mỹ vừa đạt được có thể giúp tạm thời ngăn chặn một tình huống nguy hiểm nhưng nó lại “thua xa” các mục tiêu đàm phán của cả hai bên. Chính sách thương mại của Mỹ đã bị chi phối bởi nhánh hành pháp lí chủ yếu do những lợi ích bầu cử của tổng thống. Trong khi đó, Trung Quốc thể hiện khả năng chống lại áp lực: họ sẽ tiến hành các cải cách cơ cấu phù hợp với lợi ích của họ.
Đáng buồn thay, thỏa thuận này xác nhận rằng Mỹ không còn cảm thấy buộc phải tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có thể khiến những nước khác làm điều tương tự. Ví dụ, thỏa thuận nhỏ giữa Mỹ và Nhật Bản cho thấy Mỹ sẵn sàng bỏ qua Điều 24 của Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT)/WTO (thực chất là tất cả thương mại) và khiến Nhật Bản cũng phải làm như vậy.
Trong thỏa thuận Trung-Mỹ, thuế quan được cả hai bên áp đặt trái với quy định của WTO và thỏa thuận của Trung Quốc mua thêm hàng hóa của Mỹ rõ ràng vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử. Thật khó để tưởng tượng rằng 100 tỷ USD một năm mua thêm hàng hóa của Mỹ (bằng GDP của một nền kinh tế cỡ trung bình) sẽ chệch hướng sản xuất nội địa của Trung Quốc.
Thay vào đó, các nhà xuất khẩu đậu tương Brazil sẽ phải chịu thiệt thòi, cũng như các nhà sản xuất Nhật Bản và châu Âu cạnh tranh với các công ty Mỹ. Chiến thuật của Mỹ trong giai đoạn 1 cũng giúp giải thích quyết tâm của Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer muốn làm vô hiệu hóa Cơ quan phúc thẩm tại WTO.
Trong trường hợp nếu ông Trump không tái cử, việc bầu một nhân vật Dân chủ có chủ trương ôn hòa (hoặc những người hoài nghi thương mại) có thể sẽ làm giảm căng thẳng với Trung Quốc. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến một thỏa thuận đẩy lùi thuế quan của cả hai bên theo thời gian, trong khi Trung Quốc thực hiện cải cách cơ cấu có chọn lọc, ví dụ trong các lĩnh vực đầu tư nước ngoài, tự do hóa dịch vụ và sở hữu trí tuệ.
Chiến thuật của Tổng thống Trump có thể dẫn đến một số sự tiến bộ trong việc thúc đẩy cải cách cơ cấu của Trung Quốc nhưng chi phí đáng kể cho người tiêu dùng và xuất khẩu Mỹ phải chịu và làm tăng sự bất ổn dẫn đến suy giảm đầu tư và làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trớ trêu thay, những nỗ lực của ông Trump giảm thâm hụt thương mại song phương được coi là một thành công lớn có nhiều khả năng làm biến dạng và chệch hướng thương mại hơn là dẫn đến cải thiện cân bằng đối ngoại.
Như các nhà kinh tế đã tranh luận từ lâu, không thể giảm thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ mà không làm tăng tiềm năng sản xuất của nền kinh tế hoặc giảm tổng số chi tiêu. Thuế quan của Tổng thống Trump và thỏa thuận này cũng không giúp ích được nhiều. Không có gì ngạc nhiên khi thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ trong 12 tháng qua tăng so với 12 tháng của một năm trước đó.
Không phải là “thần dược”
Nhìn vào toàn bộ tiến trình, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bắt nguồn từ sự cạnh tranh địa chính trị. Vì vậy, mặc dù một thỏa thuận “đình chiến” tạm thời có thể giúp giảm leo thang xung đột thương mại và thúc đẩy tâm lý thị trường trong thời gian tới, song cạnh tranh chiến lược nhiều khả năng sẽ tiếp tục hiện hữu trong những năm tới. Công nghệ và tài chính có thể sẽ là trọng tâm tiếp theo của cuộc xung đột.
Mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ luôn thay đổi. Mỹ đã hết kiên nhẫn để chờ đợi Bắc Kinh chấp nhận các quy tắc phương Tây, và Trung Quốc cũng không thể từ bỏ mô hình của mình để xoa dịu Nhà Trắng. Một lập trường đối đầu với Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Mỹ, khiến những xung đột do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong những năm tới bất kể đảng chính trị nào lên nắm quyền.
Tương tự, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không khuất phục trước những sức ép từ nước ngoài đã khiến chính quyền trung ương khó có thể thay đổi và đồng ý với các yêu cầu quan trọng của Mỹ.
Vậy, mối quan hệ này sẽ tiến triển như thế nào trong tương lai? Xét trên khía cạnh lợi ích, một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung toàn diện khó có thể xảy ra. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 sắp cận kề, một thỏa thuận giai đoạn 1 với những mục tiêu dễ thực hiện được cho là nền tảng để đẩy sang giai đoạn đàm phán trong tương lai. Về lâu dài, nguy cơ hai nước tách rời nhau đang gia tăng và một cuộc tranh chấp thương mại có thể biến thành một cuộc chiến tranh giành quyền uy công nghệ và tài chính.
Washington đã phóng “loạt đạn” đầu tiên, cụ thể là liệt tập đoàn công nghệ Huawei và các công ty công nghệ quan trọng có hệ thống khác của Trung Quốc vào “danh sách thực thể”. Nhiều tính toán cũng đang được thực hiện để ngăn cản các quỹ hưu trí công cộng nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc và ngăn việc niêm yết tiếp nhận lưu chiểu Mỹ (ADR - một công cụ dùng để huy động vốn trên thị trường Mỹ và quốc tế) của Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Đổi lại, Bắc Kinh đã lập danh sách thực thể của riêng mình và có lẽ, để trả đũa, đã gây áp lực với các công ty Mỹ đang làm ăn với Trung Quốc. Đồng thời, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng lên kế hoạch phát hành loại tiền tệ kỹ thuật số được Ngân hàng Trung ương hậu thuẫn đầu tiên trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.
Thế trận trong lĩnh vực công nghệ và tài chính dường như đã được vạch ra. Và một sự tách rời kinh tế gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu. Về cốt lõi, hai bên được thúc đẩy bởi các giá trị khác nhau cơ bản, vốn khó có thể hòa giải trong dài hạn. Các công ty và nhà đầu tư nên chú ý và chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều cuộc đụng độ tiềm tàng phía trước.
Việc Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận giai đoạn 1 được xem là một bước tiến tích cực. Điều này đem lại bầu không khí thiện chí, và "hạ nhiệt" những áp lực chính trị trong nước mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt. Trong bài phát biểu gần đây về Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thậm chí còn đề xuất một thỏa thuận có thể làm nền tảng để hai bên giải quyết những bất đồng nghiêm trọng trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên, thỏa thuận vừa được ký không phải là liều thuốc chữa bách bệnh. Mâu thuẫn trong kinh tế và công nghệ là điều có thật. Nếu hai nền kinh tế hàng đầu thế giới không tìm cách hóa giải những bất đồng này, họ sẽ ngày càng xa cách và đối địch, một viễn cảnh kìm hãm cách tân và tăng trưởng.
Cạnh tranh Mỹ-Trung là điều không thể tránh và người ta cần phải chấp nhận nó như một đặc tính của mối quan hệ này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ hai quốc gia này có thể thích nghi thế nào với thực tế này.